Bài học nào sau vụ “bà hỏa” ghé thăm chợ Vinh?

24/06/2011 17:13

(Baonghean) - Vụ cháy chợ Vinh (Nghệ An) đêm 20/6 vừa rồi gây thiệt hại ước tính hơn 10 tỉ đồng. Đây là vụ cháy thứ 4 kể từ năm 2006 tới nay, hàng trăm tỷ đồng hàng hóa bị "bà hỏa" thiêu rụi, làm cho nhiều người bỗng chốc trở thành tay trắng. Vậy Ban quản lý chợ Vinh đã rút ra được điều gì sau những vụ cháy đã xẩy ra?

Trở lại vụ cháy chợ Vinh tối 20/6/2011, có mặt tại hiện trường cùng tham gia chữa cháy, chúng tôi được chứng kiến những khó khăn của lực lượng PCCC trong suốt quá trình cứu hỏa. Thực tế cho thấy có rất nhiều bất cập trong việc thiết kế xây dựng, bố trí các dãy kiot bán hàng trong chợ, dẫn đến nhiều hạn chế cho việc chữa cháy tại khu chợ đầu mối hàng hóa lớn nhất Bắc miền Trung này, mặc dù khu chợ này mới được nâng cấp, xây dựng và đưa vào sử dụng chưa được bao lâu.

Theo quan sát, nhận định của chúng tôi cũng như của cơ quan chức năng, những bất cập do thiết kế, sắp xếp thiếu khoa học, không phù hợp với các tiêu chuẩn PCCC của một chợ đầu mối.

- Lối đi chính ra vào khu vực chợ: Được thiết kế quá nhỏ, chiều rộng không phù hợp đối với các xe chữa cháy hiện nay, chiều cao cũng bị hạn chế do bị cơi nới, lắp đặt mái che nên các xe cứu hoả không thể tiếp cận đám cháy một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Trong lúc triển khai phương án cứu hỏa, lực lượng chữa cháy đã tính đến phương án dùng xe chuyên dụng để phá dỡ các chướng ngại vật này.


Lối vào chợ quá hẹp, xe cứu hỏa không vào được.

- Lối đi phụ trong đình chợ: Có thể do Ban quản lý chợ Vinh muốn tăng thêm diện tích sử dụng, sắp xếp được nhiều kiot bán hàng, nên các lối đi giữa các kiot bên trong đình chợ rất nhỏ hẹp, không đủ thông thoáng, đảm bảo cho việc chữa cháy khi có cháy xẩy ra.

- Các kiot được thiết kế và lắp đặt không phù hợp: Kiot bán hàng trong đình phụ được lắp đặt, vây quanh bằng các cửa cuốn sắt rất kiên cố. Trong nỗ lực chữa cháy, lực lượng cứu hỏa đã dùng đến kềm cộng lực, búa và rìu chuyên dụng để phá, nhưng rất khó khăn mới có thể phá được các cửa sắt cuốn này. Cửa kín, hàng hóa dễ cháy nên những kiot này trở thành những cái "lò kín" nuôi dưỡng lửa trong đó, dù rất cố gắng nhưng các vòi rồng cứu hỏa không thể phun trực tiếp nước vào đám cháy trong các kiot để dập lửa được. Trong khi đó, trần phía trên được làm bằng nhựa, nên lửa lây lan giữa các kiot với nhau rất nhanh. Rõ ràng các thiết kế lắp ráp kiểu này đều trái với quy định PCCC.


Nếu xẩy ra cháy thì chữa cháy sao đây?

- Bể chứa nước chữa cháy: Mặc dù công trình này được thiết kế và xây dựng mới, nhưng việc bố trí, xây dựng các bể nước PCCC vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Khi việc chữa cháy đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất thì hết nước, việc chữa cháy bị gián đoạn do các xe tiếp nước phải chạy đi nơi khác để hút nước. Đáng nói nhất là một trong các bể nước chữa cháy phía nam, sát ngay khu vực cháy, không hiểu vì lý do gì mà ban quản lý chợ Vinh lại sắp xếp, bố trí cho một số hộ kinh doanh dựng kiot phía trên bể, khiến lực lượng chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn trong việc hút nước từ bể chứa này.

- Lực lượng chữa cháy của BQL chợ và ý thức của bà con tiểu thương: Thông thường, một trung tâm đầu mối hàng hóa lớn như chợ Vinh, Ban quản lý chợ cần phải xây dựng một đội ngũ bảo vệ kiêm luôn nhiệm vụ PCCC tại chỗ, tăng cường diễn tập, luyện tập đình kỳ các phương án phòng chống cháy nổ cho từng tình huống cụ thể. Nhưng trong vụ cháy đêm 20-6 vừa qua, chúng tôi nhận thấy lực lượng bảo vệ, PCCC của chợ Vinh rất lúng túng trong các thao tác xử lý, phối hợp với lực lượng cảnh sát cứu hỏa chưa ăn ý. Còn các tiểu thương kinh doanh trong chợ khi vụ cháy xẩy ra, với mong muốn cứu được hàng hóa của mình đã vô tình tạo ra khó khăn cho lực lượng PCCC, ví dụ như chuyển hàng hóa, vứt đầy ở lối đi trở thành chướng ngại vật. Cá biệt có một số người còn tranh giành vòi rồng với các chiến sỹ chữa cháy để phun nước nhằm cứu các kiot của mình.... không bị cháy.


Kiot được làm trên bể nước.

- Trang thiết bị dành cho PCCC: Tại khu vực xẩy ra vụ hỏa hoạn, là nơi tập trung các gian hàng dễ cháy như: vải, chiếu, thuốc bắc, ngư cụ v,v,.. nhưng không được trang bị hệ thống báo cháy tự động như máy báo khói, máy báo nhiệt độ v,v... Chưa kể máy bơm nước chữa cháy của chợ, mà theo lời của một đồng chí cảnh sát PCCC là: hoạt động chưa đạt được tiêu chuẩn PCCC .

Nghe những tiếng kêu bất lực của bà con tiểu thương khi chứng kiến hàng hóa bị cháy, và những khuôn mặt nhem nhuốc, vô vọng tìm kiếm sau đám cháy, ai cũng cảm thông và đau xót. Nỗi đau nào rồi cũng vượt qua! Điều đáng nói là những người có trách nhiệm sẽ rút ra được điều gì sau những vụ "bà hỏa" ghé thăm như thế này? Chỉ mong sao BQL chợ Vinh cũng như các chợ khác, hãy rút kinh nghiệm và khắc phục những bất cập, chấp hành nghiêm luật phòng cháy chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại mà chúng ta có thể phòng ngừa và giảm thiểu được.


Thế Sơn

Mới nhất
x
Bài học nào sau vụ “bà hỏa” ghé thăm chợ Vinh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO