Bài học sau cơn lũ

03/06/2012 15:43

(Baonghean) - Những trận lũ lớn liên tiếp hồi tháng 6, tháng 7 năm 2011 đi qua, đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho huyện miền núi nghèo Kỳ Sơn. Lũ chồng lên lũ, đói nghèo chồng chất đói nghèo. Gần năm đã qua, nhưng hậu quả của những trận lũ vẫn còn đó, và nó thực sự là bài học về công tác phòng chống lũ cho huyện miền núi này...

(Baonghean) - Những trận lũ lớn liên tiếp hồi tháng 6, tháng 7 năm 2011 đi qua, đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho huyện miền núi nghèo Kỳ Sơn. Lũ chồng lên lũ, đói nghèo chồng chất đói nghèo. Gần năm đã qua, nhưng hậu quả của những trận lũ vẫn còn đó, và nó thực sự là bài học về công tác phòng chống lũ cho huyện miền núi này...

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Vi Văn Tùng, ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ. Hiện tại 10 nhân khẩu của gia đình ông đang sinh sống trong ngôi nhà tạm bợ, chưa đầy 15m2. Trận lũ lịch sử hồi tháng 6 năm 2011, đã nhấn chìm nhà cửa, đất đai của gia đình ông. Mảnh đất mà gia đình ông dựng ngôi nhà cũng đang phải mượn tạm của Nhà văn hóa bản. Căn nhà chật chội, không có gì giá trị ngoài 3 cái giường. 2 cô con gái lớn của ông vì không có chỗ nên phải đi ngủ nhờ. Chỉ trong chốc lát, công sức cả đời gây dựng của gia đình đã bị nhấn chìm trong cơn lũ...

Trận lũ hồi tháng 6 năm 2011, có sức tàn phá cực lớn ở huyện miền núi Kỳ Sơn. Với đặc điểm địa hình đồi núi dốc, lũ ở khu vực miền núi như Kỳ Sơn thường là lũ ống, lũ quét, nước dâng nhanh, chảy xiết, sức tàn phá lớn. Lũ ống, lũ quét thường kéo theo sạt lở rất nguy hiểm.

Trong lũ, mặc dù chính quyền các cấp đã huy động mọi lực lượng tham gia giúp dân, do phương tiện dành cho cứu hộ, cứu nạn thiếu thốn, người dân ít kinh nghiệm nên công tác ứng phó còn gặp nhiều trở ngại. Lúc đỉnh lũ lên cao cũng là lúc phương tiện giao thông, liên lạc bị cắt đứt, chỉ đạo càng trở nên khó khăn. Thiếu nhân lực, thiếu phương tiện, người dân “mạnh ai nấy lo” theo cách riêng của họ.

Sau những thiệt hại lớn, người ta bắt đầu nghĩ nhiều tới nguyên nhân gây ra lũ: chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn, khai thác vàng, lấn sông làm đường gây nên sự thay đổi dòng chảy… Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác không thể không nhắc tới. Đó là tâm lý chủ quan, năng lực ứng phó với bão lũ của người dân còn thấp. Sinh sống ở huyện miền núi có nguy cơ thường xảy ra lũ ống, lũ quét nhưng người dân đều lúng túng khi lũ tới. Mặc dù đã có cảnh báo từ trước, vẫn còn nhiều hộ dân nấn ná không chủ động di dời, nước ngập đến sàn nhà vẫn chủ quan cho rằng nước không lên tiếp. Điều đó đã đặt ra vấn đề là phải nâng cao khả năng thích ứng phòng chống lũ cho người dân. Bởi trên thực tế, lâu nay ở Kỳ Sơn chưa có dự án phòng chống lũ nào được triển khai một cách bài bản, chính quyền cùng người dân cũng ít được diễn tập trong các tình huống tương tự.

UBND huyện Kỳ Sơn đã vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn để ngăn chặn nạn chặt phá rừng, đào đãi vàng trái phép. Dự án kè chắn ven sông chạy dọc dài theo thị trấn cũng đã được triển khai để đảm bảo an toàn lâu dài. Kỳ Sơn đã triển khai việc tìm địa điểm mới an toàn để di dời các hộ dân ven sông, vùng chịu ảnh hưởng của lũ. Trước mùa mưa lũ năm nay, chính quyền các cấp đã ra phương án: chủ động nắm chắc thông tin diễn biến thời tiết để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về các phương án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bão lũ, khắc phục triệt để bệnh chủ quan.

Hiện nay, Kỳ Sơn đã và đang nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn lũ lịch sử năm 2011, bằng việc nhanh chóng xây dựng lại các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, hỗ trợ nhân dân sản xuất, sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu bài toán phòng chống thiên tai không sớm có lời giải thì việc khắc phục hậu quả bão lụt cũng giống như xây dựng một ngôi nhà cát trước sóng biển.


Phan Tâm

Mới nhất
x
Bài học sau cơn lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO