Bài học sau những vụ tai nạn thương tâm

03/10/2013 21:58

(Baonghean) - Trong những năm qua, các cơn bão không trực tiếp đổ bộ vào Nghệ An nhưng những thiệt hại sau bão về tài sản và người thường rất nặng...

Sự chủ quan

Mới đây, sự việc đau lòng xảy ra tại Khe Ang (Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn), khi chiếc xe ô tô chở 7 người đi qua đập tràn bị nước lũ cuốn trôi khiến 5 người bị chết. Sau gần 3 ngày tìm kiếm với nhiều phương tiện hiện đại cùng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và nhiều thợ lặn chuyên nghiệp, chiếc xe được tìm thấy khi… nước rút. Người lái xe là một thanh tra thuộc ngành GTVT và đã bị khởi tố, nhưng nỗi đau của những gia đình có người thân bị chết trong lũ biết đến khó có thể nguôi?

Người ta bàn nhiều về nguyên nhân của vụ tai nạn thương tâm này. Tại cơ quan công an, lái xe Trương Văn Thái cho biết, lúc xe xuống dốc chỉ thấy một người đàn ông chạy ra vẫy tay ra hiệu nhưng họ không mở cửa kính ô tô, “bỏ ngoài tai” và đi tiếp, dẫn đến tai nạn kinh hoàng. Đến đoạn giữa tràn, do nước dâng cao, chiếc xe nổi lên và mất phương hướng, sau đó bị nước nhấn chìm dưới khe. Là một cán bộ làm trong ngành thanh tra thuộc lĩnh vực giao thông, nhưng ông Thái đã bất chấp và quá chủ quan trước mưa lũ. Nhiều người tiếc nuối: Giá như tài xế có trách nhiệm, không coi thường tính mạng của mình và mọi người khi qua tràn thì đã không có tai nạn xảy ra.

Trong đợt mưa lũ sau hoàn lưu bão số 8 vừa qua, cả tỉnh có thêm 11 người chết. Hầu hết, những nạn nhân bị thiệt mạng đều do bất cẩn, chủ quan khi đi qua các đập tràn, sông, suối, kênh tiêu nước. Trong số đó, không ít nạn nhân là những người lớn, có sức khỏe và nhận thức được sự nguy hiểm của mưa lũ nhưng vẫn bất chấp dẫn đến hậu quả đau xót. Tại xã Nghi Công Bắc, người dân xót thương cho em Nguyễn Sỹ Phúc (Học sinh lớp 12) có hành động nghĩa hiệp lao mình xuống dòng nước lũ cứu người nhưng không may bị nước nhấn chìm. Nếu như, không có sự chủ quan, thiếu ý thức của 3 thanh niên ở xã Nghi Mỹ thì em Phúc đã không phải bỏ mạng giữa dòng nước lũ.

Bão số 10 tuy không đổ bộ vào Nghệ An song đã gây mưa lớn cộng với hồ Vực Mấu xã lũ đã gây ra những hậu quả khủng khiếp. Ngoài hơn 4.000 ngôi nhà của nhân dân TX. Hoàng Mai bị cô lập, chìm trong biển nước, mưa lũ còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Điều đáng nói là việc xả lũ ở hồ Vực Mấu đã đúng thời điểm và việc thông báo cho người dân vùng hạ lưu đã thực hiện đúng theo quy định chưa? Đồng thời, việc dự đoán những tình huống xấu có thể xẩy ra cũng như việc sơ tán dân ở vùng hạ lưu như thế nào? Tất cả đều phải xem xét lại để rút ra những bài học…

Bài học rút ra

Như lời ông Thái trình bày thì tại thời điểm đó, có 1 chiếc barie và một người đứng canh gác tại đập tràn. Được biết, người canh gác hôm đó là một người dân sống cạnh đập tràn được chính quyền thuê để làm nhiệm vụ canh gác, cảnh báo, ngăn chặn không cho người và phương tiện đi qua đập tràn. Người trực gác chắn phải biết rõ mực nước an toàn có thể qua tràn, nếu nước đã ở mức nguy hiểm thì tại sao không bằng mọi cách phải ngăn xe lại? Chiếc baire hôm đó có thể là một biển báo, một khúc tre… nhưng rõ ràng, nó không đủ “chắn” hết con đường để đi qua đập tràn. “Sự nửa vời” của rào chắn, cộng với sự thiếu trách nhiệm của lái xe, của người gác rào chắn sẽ còn được nói nhiều, bởi mưa lũ chưa dừng lại và những điểm nguy hiểm tại các đập tràn, nút giao thông nguy hiểm trên nhiều tuyến đường vẫn còn rất nhiều.

Khe Ang – “điểm đen” trên tuyến đường giao thông nối các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Thịnh Nghĩa Mai, Nghĩa Yên, Nghĩa Minh… với hàng vạn dân sinh sống. Theo người dân sống xung quanh đập tràn khe Ang, đây không phải là vụ tai nạn duy nhất xảy ra tại đây. Trong vài năm trở lại đây, đã có hơn 10 vụ tai nạn xảy ra trong mùa mưa lũ. Tại xã Nghĩa Hồng hiện có ít nhất 3 đập tràn nguy hiểm, gồm tràn Khe Ang, tràn Đội 1 và tràn Đội 5. Những đập tràn này nằm trên tỉnh lộ huyết mạch nối các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Yên, Nghĩa Hồng… đến huyện lỵ và QL48. Trên địa bàn xã có Trường THPT Cờ Đỏ - nơi học tập của học sinh 11 xã lân cận.

Để đến được trường học, học sinh xã Nghĩa Hưng phải đi qua 3 đập tràn. Vào mùa mưa, các em phải đi hết hơn 1 tiếng đồng hồ, nếu nước sông Hiếu dâng thì học sinh phải nghỉ học. Ông Nguyễn Đình Thái - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết: “Mùa mưa đến đi qua các cầu tràn này hết sức nguy hiểm, và thực tế đã có nhiều em học sinh mất mạng. 3 chiếc cầu tràn này nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Tỉnh lộ 531 và đường liên huyện nối xã Nghĩa Hồng và các xã lân cận đến trung tâm huyện và thị xã. Trong mùa mưa, nếu nước dâng cao, khi có người đau ốm thì việc đưa bệnh nhân lên tuyến trên là hết sức khó khăn.

Đối với vụ việc em Phúc ở xã Nghi Công Bắc bị thiệt mạng khi cứu người thì tại thời điểm trên, không có một rào chắn hay biển báo nào được đặt tại tràn. Trong khi đó, đập tràn này về mùa mưa nước lũ dâng lên rất nhanh, chảy xiết. Đây cũng là tuyến đường thường xuyên có nhiều người dân qua lại, trong quá khứ đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm. Ông Nguyễn Văn Lý - Chủ tịch UBND xã Nghi Công Bắc thừa nhận: “Thời điểm đó, do nước lũ dâng lên quá nhanh nên xã chưa triển khai được phương án lập rào chắn ngăn cấm người dân đi qua tràn. Rõ ràng, trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đây còn chủ quan trước diễn biến phức tạp của mưa lũ”.

Nhiều bài học thương tâm được rút ra sau mỗi đợt mưa lũ nhưng trách nhiệm vẫn chưa được nâng lên. Sau tai nạn thương tâm, vẫn chưa thấy ai nói đến việc thay thế chiếc barie, việc quy trách nhiệm cho những người được phân công nhiệm vụ. Những điểm đen về an toàn giao thông vẫn còn đó khi mà ngành giao thông đang “kêu” khó về nguồn vốn để xây dựng những chiếc cầu vượt thay thế cho các điểm tràn. Người dân không thể không đi lại, mưa bão thì bất thường và ngày càng phức tạp.

Rút kinh nghiệm từ mưa lũ sau cơn bão số 8, trong công tác ứng phó với cơn bão số 10 vừa qua, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB&TKCN đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Cụ thể là tăng cường thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thấm nhuần, tránh tâm lý chủ quan. Bên cạnh đó, các địa phương đã tiến hành cắt cử cán bộ túc trực 24/24 giờ tại các điểm giao thông, đập tràn nguy hiểm để đảm bảo tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Phạm Bằng

Bài học sau những vụ tai nạn thương tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO