Bài thơ ban tặng một Tướng quân người Nghệ của Vua Trần Nhân Tông
Tướng quân Hoàng Tá Thốn (1254-1338), sinh quán tại Sách Vạn Phần, huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Chính quán ở Vạn Tràng (nay thuộc xã Long Thành, huyện Yên Thành). Ông là người thông minh, dũng mãnh và có tài bơi lội.
Khi ông tòng quân chống Nguyên Mông, được biên chế vào thuỷ binh và đã trở thành một vị tướng kiệt xuất. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba (1287-1288), ông được Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo giao nhiệm vụ chỉ huy đạo thuỷ binh phục kích chặn đánh quân địch trên sông Bạch Đằng.
Viếng thăm Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Ảnh: Xuân Nhường |
Ngày 9-4-1288, đạo thuỷ binh hùng mạnh của quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy gồm 400 chiến thuyền và 8 vạn tên bị tiêu diệt gọn. Ô Mã Nhi bị bắt sống. Thắng lợi cực kỳ to lớn này được Trần Hưng Đạo vị tổng chỉ huy từ mặt trận liên tục cấp báo về Triều, và lần nào cũng tuyên dương công trạng về tài chỉ huy của Hoàng Tá Thốn. Vua Trần Nhân Tông đã hạ chỉ phong Hoàng Tá Thốn tướng hiệu "Sát hải Chàng Lại Đại tướng quân". Trên đường khải hoàn về Kinh, Hoàng Tá Thốn đã được nhà vua đi đón. Đây là một đặc ân hiếm có trong lịch sử. Không những thế, ông còn được nhà vua làm thơ ban tặng. Quả là một diễm phúc lớn!
Bài thơ chữ Hán ban tặng của Vua Trần Nhân Tông như sau:
Phiên âm:
Nhị đề điện mạnh tự đương niên,
Hoàn trẫm công thành tín hiển nhiên.
Phấn dũng tiên chinh tam điệp tấu,
Chiêu hàng ngoại quốc đại huân tuyền.
Chỉ huy mao việt thanh liêu tá,
Bảo chướng cam thành điện sóc biên.
Hoàn tiệp ban sư lưu lẫm duyệt,
Thu mao phê đáp mạc năng tuyên!
Dịch thơ:
Tấu chương vang dội được dâng lên,
Thắng lợi ắt thành trẫm vốn tin.
Điệp tấu ba lần, nêu dũng cảm,
Công chiêu hàng giặc đã bình yên.
Cầm quân tài trí lưu danh tiếng,
Trung dũng kiên cường giữ cõi biên.
Trong chốn quân doanh gương lẫm liệt,
Bút phê khó nói hết lời khen!
Cảm kích trước ân huệ và lời ban khen của nhà vua, tướng quân Hoàng Tá Thốn đã cung kính hoạ đáp nguyên vận bài thơ của nhà vua, chỉ xin dẫn bản dịch thơ sau đây:
Uy vua chấn động đã vang lên,
Thắng lợi dân tình lại vững tin.
Bắc lặng, Nam về luồng gió mới,
Đài xuân, cõi thọ cảnh bình yên.
Đôi tay thô vụng ơn rèn cặp,
Vạn dặm huy hoàng khắp cõi biên.
Ban đức an dân, thiên tử định.
Hạ thần đâu xứng với lời khen!
(Cả hai bài thơ chữ Hán, do ông Nguyễn Triệu Tiền, phường Trung Đô, TP. Vinh dịch nghĩa và dịch thơ).
Sau ba lần xâm lược nước ta bị đại bại, vua Nguyên Hốt Tất Liệt vẫn ngạo mạn đòi ta phải trao trả bọn tướng soái bị bắt sống và phải bảo vệ Ô Mã Nhi thật an toàn. Để tránh hậu hoạ chiến tranh, triều đình Nhà Trần đồng ý trao trả. Riêng Ô Mã Nhi vừa là "chủ bài" của Mông Cổ, vừa là tên tướng khét tiếng hiếu chiến, hắn đã từng hai lần sang xâm lược gây nhiều tội ác với nhân dân ta, nên cần phải trừ khử.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư và Văn bia Đền Vạn Tràng do Cao Xuân Dục soạn đều ghi: Năm Kỷ Sửu (1289) Hoàng Tá Thốn được giao nhiệm vụ chỉ huy đoàn thuyền trao trả bọn Ô Mã Nhi. Hoàng Tá Thốn đã chọn người tâm phúc giỏi bơi lội đang đêm dìm thuyền cho đắm khiến Ô Mã Nhi bị chết chìm nhưng các tên khác lại được cứu sống. Chính bọn được cứu sống là minh chứng cho sự cứu vớt tích cực của ta nên Hốt Tất Liệt không có lý do gì để trách cứ việc Ô Mã Nhi bị chết.
Đền Vạn Tràng, thờ Sát hải Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn còn ghi lại đôi câu đối: "Triệu ứng Hoàng ngưu thiên hữu mệnh", "Khấu trừ Ô Mã quốc lưu ân". (Điềm ứng Trâu vàng, trời có mệnh; Diệt trừ Ô mã nước ghi ơn).
Tương truyền, mẹ Hoàng Tá Thốn một sáng sớm ra sông gánh nước bỗng thấy hai con Trâu vàng (Hoàng ngưu) từ dưới nước ngoi lên húc nhau. Bà lấy đòn gánh đuổi chúng bỗng đôi trâu biến mất, từ đó mà mang thai rồi sinh được một cậu bé rất dũng mãnh và có tài bơi lội. Đôi câu đối này vế trên ghi lại sự tích Hoàng Tá Thốn được sinh ra. Vế thứ hai ghi công trạng của ông đã bắt sống và diệt trừ Ô Mã Nhi...
Qua nhiều năm chinh chiến và xây dựng thuỷ binh, năm Mậu Dần (1338), ông được mời về Kinh đô. Trên đường hồi Kinh, ông đột ngột qua đời! Để tỏ lòng thương tiếc một vị tướng kiệt xuất, nhà vua đã cấp kinh phí phương tiện và cử đội quân danh dự hộ tống thi hài Ngài về an táng tại quê hương. Và vua Trần Hiến Tông còn cảm tác một bài thơ ca ngợi tướng quân Hoàng Tá Thốn.
Nguyễn Xuân Tính