Bài thuốc hay chữa viêm tai giữa

12/08/2014 11:52

Theo Ðông y, nguyên nhân viêm tai giữa do phong nhiệt và nhiệt độc gây ra. Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.

Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm khuẩn một phần hoặc toàn bộ tai giữa, thể hiện bằng sự tiết dịch viêm liên tục của tai giữa. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm cấp rất nguy hiểm. Theo Ðông y, nguyên nhân do phong nhiệt và nhiệt độc gây ra. Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.

Thể cấp tính: Do phong nhiệt, nhiệt độc xâm phạm vào can đởm. Người bệnh có biểu hiện sốt, sợ lạnh, đau đầu, ù tai, đau trong tai, chảy mủ tai vàng đặc có dính máu, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. Phép chữa: sơ phong thanh nhiệt; trừ thấp nhiệt ở kinh can đởm. Sử dụng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Sài hồ thanh can thang gia giảm: sài hồ, long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, ngưu bàng tử, mỗi vị đều 12g; bạc hà 6g, kim ngân hoa 20g. Nếu chảy máu mủ thì thêm sinh địa 16g, đan bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Hoàng bá (vỏ than của cây hoàng bá)
Hoàng bá (vỏ than của cây hoàng bá)

Bài 2: Long đởm tả can thang gia giảm: long đởm thảo, hoàng cầm, mộc thông, sinh địa, sa tiền tử, trạch tả, mỗi vị đều 12g; chi tử 8g, đương quy 8g, cam thảo 4g. Nếu sốt cao, ra mủ đặc có máu, mặt đỏ, chất lưỡi đỏ thì thêm kim ngân hoa 16g, liên kiều 12g.

Nếu táo bón, thêm đại hoàng 6g. Nếu sốt ít, trong tai đau tức nhiều, mủ ra ít thì bỏ sinh địa, thêm ý dĩ 16g, thuyền thoái 6g, thạch xương bồ 6g, thương truật 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể mạn tính: nếu đau kéo dài, không có sốt là do hư hỏa ở thận; nếu đau kéo dài kèm theo triệu chứng về tiêu hóa như ăn kém, gầy, tiêu chảy là do tỳ hư thấp nhiệt. Trong điều trị, chia làm 3 thể như sau:

Thể can kinh thấp nhiệt: Người bệnh có biểu hiện tai đau nhức, mủ chảy đặc dính, mùi hôi, lượng nhiều. Phép chữa: thanh can lợi thấp. Dùng bài thuốc Long đởm tả can thang (như trên).

Thể thận hư hóa viêm: Người bệnh có biểu hiện mủ tai ra thường xuyên, mủ loãng, tai ù nghe kém, hoa mắt chóng mặt, ngủ ít, lưng gối đau mỏi, mạch tế sác. Phép chữa: dưỡng âm thanh nhiệt, bổ thận thông khiếu. Dùng một trong các bài:

Bài 1: Tri bá địa hoàng thang: thục địa 12g, hoài sơn 16g, sơn thù, trạch tả, đan bì, phục linh, tri mẫu, hoàng bá, mỗi vị đều 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Hoặc tán bột làm viên, ngày uống 18g, chia làm 3 lần.

Bài 2: Đại bổ âm hoàn: hoàng bá 12g, tri mẫu 12g, thục địa 16g, quy bản 16g. Sắc uống ngày 1 thang, hoặc làm viên, ngày uống 16g chia 3 lần, uống lâu dài.

Thể tỳ hư: Thường gặp ở trẻ em viêm tai giữa mạn tính. Trẻ có biểu hiện: chảy mủ tai lỏng kéo dài, sắc mặt vàng bủng, ăn kém chậm tiêu, đại tiện loãng, mệt mỏi, mạch hoãn nhược. Phép chữa: kiện tỳ hóa thấp. Dùng một trong các bài:

Bài 1: Thanh tỳ thang gia giảm: hoàng liên, bạch biển đậu, bạch thược, phục linh, cốc nha đều 8g; trạch tả 12g, sơn dược 12g, thuyền thoái 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Sâm linh bạch truật tán gia giảm: đảng sâm 12g, bạch truật 8g, phục linh 8g, cam thảo 4g, sơn dược 16g, biển đậu 16g, hoàng liên 8g, ý dĩ 12g, sa nhân 8g, liên nhục 12g, hoàng bá 8g, trần bì 8g, cát cánh 8g. Tất cả tán bột, ngày 20g chia 3 lần uống.

Bài 3: Bổ trung ích khí thang gia giảm: đảng sâm 12g, hoàng kỳ 12g, sài hồ 12g, thăng ma 8g, bạch truật 12g, đương quy 8g, cam thảo 4g, trần bì 6g, hoàng bá 8g, hoàng liên 8g, phục linh 12g. Tất cả tán bột, ngày uống 20g chia 3 lần.

Theo suc khoe va doi song

Mới nhất
x
Bài thuốc hay chữa viêm tai giữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO