"Bài toán" nguyên liệu chế biến mía đường: "Lời giải" ở năng suất, giá thành

(Baonghean) - Theo thông tin từ các doanh nghiệp chế biến mía đường trên địa bàn tỉnh, vụ ép năm nay các nhà máy đều không đạt kế hoạch đề ra do thiếu nguyên liệu. Về phía người nông dân, thì với lý do năng suất, hiệu quả trồng mía thấp, nên không còn mặn mà trồng, chăm sóc... Dù gì, thì các doanh nghiệp chế biến mía đường cũng đang phải đau đầu với “bài toán” nguyên liệu.
Nông dân bỏ mía?
Nghệ An hiện có vùng nguyên liệu mía gần 30 nghìn ha, sản lượng hàng năm khoảng gần 1,8 triệu tấn, với 3 nhà máy mía đường đứng chân gồm: Nhà máy đường Nasu (Công ty TNHH mía đường Nghệ An) với vùng nguyên liệu 18.800 ha, Nhà máy đường Sông Con 8.200 ha và Nhà máy đường Sông Lam 1.800 ha. Niên vụ ép 2014 – 2015, diện tích, năng suất và sản lượng mía của cả 3 nhà máy đều giảm so với kế hoạch đề ra. Tại Nhà máy đường Nasu, diện tích mía giảm 3.000 ha, năng suất mía giảm từ 2 - 3 tấn/ha so với vụ ép 2013 - 2014, kéo theo sản lượng mía giảm trên 200.000 tấn.
Thu mua mía ở Nhà máy đường Sông Con. 	Ảnh: Công Sáng
Thu mua mía ở Nhà máy đường Sông Con.                     Ảnh: Công Sáng
Giảm mạnh nhất phải kể đến Nhà máy đường Sông Lam. Có thể nói rằng, chưa bao giờ nhà máy gặp khó khăn về nguyên liệu như hiện nay. Diện tích mía đứng giảm, từ 1.810 ha năm 2013 - 2014, nay còn 1.471 ha. Có thời điểm giữa niên vụ ép 2014 - 2015, Nhà máy đường Sông Lam ngừng sản xuất; mà theo ông Hoàng Văn Hùng -Phó Giám đốc công ty cho biết, thì thiếu nguyên liệu một phần do không có phương tiện để vận chuyển. Vụ trước có 43 xe trọng tải từ 10 - 15 tấn, nhưng hiện chỉ còn 20 xe vì xe đến chu kỳ hết “date”. Trong khi đó, một số xe trọng tải lớn thì không vào được vùng nguyên liệu vì đường giao thông kém... Tuy nhiên, diện tích vùng nguyên liệu của nhà máy sụt giảm nhiều. Có nơi giảm hẳn một nửa, do người nông dân bỏ trồng mía với lý do giá nhà máy thu mua thấp, chưa đầy 800.000 đồng/tấn mua tại ruộng. Như xã Thành Sơn diện tích mía giảm từ 110 ha nay chỉ còn 41 ha.
Anh Sơn là địa bàn trung du miền núi phù hợp cho cây mía phát triển và thực tế trên địa bàn huyện đã hình thành 3 cây trồng chủ lực tạo thế chân kiềng gồm chè, mía và cao su. Ngày 25/8/2014, UBND tỉnh đã có công văn về chủ trương nâng công suất Nhà máy đường Sông Lam từ 1.000 tấn mía/ngày lên 1.500 tấn mía/ngày bắt đầu từ vụ ép 2014 - 2015 và 3.000 tấn/ngày vào năm 2020. Vì vậy, diện tích mía đứng cần đáp ứng hàng năm cho nhà máy hoạt động theo đúng công suất phải có từ 2.000 đến 2.300 ha với năng suất bình quân mía đạt 65 - 70 tấn/ha. Để xây dựng vùng mía ổn định và phát triển, tạo quỹ đất có luân canh, Công ty CP mía đường Sông Lam đã rà soát và tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quỹ đất dành cho trồng mía không nhiều, rất nhiều nơi bà con chuyển sang cây trồng khác và quan trọng hơn, năng suất mía hiện nay trên đất Anh Sơn thấp, chỉ đạt bình quân 45 - 50 tấn/ha. “Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, vụ ép kết thúc nhưng phải khẳng định là rất khó khăn. Giá mía, giá vận tải không giảm, trong khi giá đường giảm, chỉ còn 10,6 ngàn đồng/kg. Năm 2013 - 2014 sản lượng mía đưa vào ép là 92.000 tấn, đạt 92% công suất thì niên vụ 2014 - 2015 sản lượng đạt 66.000 tấn, đạt 60% công suất. Không chỉ sản lượng đường thành phẩm giảm mà các sản phẩm khác như mật rỉ, cồn đều sụt giảm mạnh. Với tình hình này, năm tới sẽ khó khăn hơn”. – Ông Hùng lo lắng.
Tại Tân Kỳ, diện tích mía không sụt giảm mạnh như ở Anh Sơn, nhưng sản lượng giảm do năng suất dù có cao hơn so với vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường Sông Lam, nhưng nhìn chung chưa đạt so với kế hoạch (đạt khoảng 58 tấn/ha). Tổng diện tích mía đứng trên địa bàn huyện là 6.699 ha (kế hoạch là 6.760 ha). Các đơn vị có diện tích mía lớn và năng suất từng đạt cao gồm Nghĩa Đồng, Tân Xuân, Giai Xuân, Công ty TNHH một thành viên NN Sông Con nay cũng có xu hướng giảm năng suất, có nơi giảm 5 tấn/ha (từ 62 tấn/ha năm 2013, xuống còn 57 tấn/ha năm 2014). Còn các đơn vị có diện tích mía vùng đồi nhiều gồm Hương Sơn, Tân Hương, Kỳ Tân, Nghĩa Dũng, An Ngãi năng suất mía đạt thấp, chỉ từ 40 – 45 tấn/ha... Theo số liệu tổng hợp, nếu năm 2005, năng suất mía bình quân chung toàn tỉnh đạt 60 tấn/ha, thì năm 2008 còn 58 tấn/ha, năm 2012 chỉ còn lại 55 tấn/ha và vụ ép 2014 - 2015 dự kiến năng suất bình quân của mía không vượt quá ngưỡng 52 tấn/ha.
Năng suất mía như vậy, khi bán cho các nhà máy đường với giá cao nhất là 800.000 đồng/tấn mía thì 1 ha thu về trên 41 triệu đồng/năm, trong khi tổng chi phí để sản xuất 1 ha mía hết ít nhất trên 30 triệu đồng. Như vậy, trừ chi phí, người trồng mía chỉ thu về được trên dưới 11 triệu đồng/ha/năm, thấp thua so với nhiều loại cây trồng khác. Năng suất mía thấp, người trồng mía không có lãi, còn về phía các nhà máy chế biến đường, hiệu quả sản xuất mía thấp cũng đưa đến rất nhiều khó khăn, dự báo chịu sức ép lớn từ khu vực ASEAN khi đến năm 2018 thì việc xuất, nhập khẩu đường trong nội khối ASEAN hoàn toàn bị dỡ bỏ. Vì thế, không chỉ vụ ép 2014 - 2015, mà trong tương lai ngành mía đường đang đứng trước những thách thức; hơn lúc nào hết, doanh nghiệp, nông dân và các cơ quan liên quan cần vào cuộc tính toán để đưa ra giải pháp khả thi cho cây mía nguyên liệu.
Đóng gói sản phẩm đường kính
Đóng gói sản phẩm đường kính
Những mô hình hiệu quả
Một thực tế, mặc dù nông dân cho rằng giá mía thu mua của các nhà máy thấp, nhưng so với các nước khác trong khu vực, thì  giá mía ở ta không thấp mà thậm chí còn cao hơn. Ví dụ như giá mua mía ở các nhà máy đường tại Lào và Thái Lan thấp thua ta từ 15 – 20%, nhưng nông dân của họ vẫn lãi to vì giá thành để sản xuất ra một tấn mía của họ chỉ bằng 55 – 60% giá thành sản xuất mía ở ta; trong khi năng suất mía của họ cũng rất cao, đạt từ 80 – 120 tấn/ha. Nên vấn đề đặt ra ở đây là năng suất mía và trình độ thâm canh của nông dân ta còn quá thấp. Vậy, để giải quyết bài toán nguyên liệu cho các nhà máy mía đường, vấn đề mấu chốt là nâng năng suất, hiệu quả của cây mía. 
Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thì trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được các vùng chuyên canh từng loại cây trồng khá rõ. Với cây mía nguyên liệu, hiện toàn tỉnh có gần 28.500 ha, tỉnh cũng đã có quy hoạch vùng mía ứng dụng công nghệ cao. Vùng nguyên liệu tập trung, có quy mô lớn chủ yếu nằm ở địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn. Tuy nhiên, trong sản xuất vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập, đang còn hiện tượng chạy theo mở rộng diện tích mà thiếu đầu tư thâm canh.
Để ngành sản xuất mía đường đứng vững, chúng ta phải tính chuyện dài hơi, có các giải pháp giải quyết thấu đáo và triệt để vấn đề năng suất, hiệu quả cây trồng. Năm 2014, tại xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) và Minh Hợp (Quỳ Hợp), Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Nghệ An đã triển khai dự án xây dựng mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp cho cây mía phục vụ chế biến đường công nghiệp với quy mô 15 ha. Người dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, được tập huấn đầy đủ về quy trình kỹ thuật. Với các tiến bộ KHKT về giống, đầu tư thâm canh đầy đủ, cây mía sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế được bệnh chồi cỏ hại mía, năng suất mía đạt bình quân 99 tấn/ha, cao hơn 36 tấn/ha so với mía trồng đại trà, thu lãi ròng 23,5 triệu đồng/ha.
Thu hoạch mía ở xã Kỳ Tân (Tân Kỳ).
Thu hoạch mía ở xã Kỳ Tân (Tân Kỳ).
Từ 3 năm nay, anh Dương Đình Tấn ở xã Nghĩa Xuân - Quỳ Hợp bắt đầu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía. Anh Tấn cho biết: Ở đây là vùng đồi, trước đây không có nước tưới, 2 ha mía của gia đình chỉ cho năng suất từ 55 - 60 tấn/ha là cao, thậm chí nhiều năm gặp nắng hạn kéo dài, nhiều diện tích mía bị mất trắng vì khô héo. Từ năm 2012, khi Công ty cổ phần công nghệ tưới Khang Thịnh, là đại diện Tập đoàn Netafim (Israel) tại Việt Nam tư vấn và chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt, năng suất mía của gia đình anh đã đạt tới gần 120 tấn mía/ha, cao gấp đôi so với trước đây. Từ hiệu quả đó, anh Tấn đã đầu tư thêm trên 520 triệu đồng mua máy để tưới cho thêm 2,4 ha mía và 4,4 ha cam, nâng tổng diện tích tưới lên 8,8 ha. Nói về hiệu quả của những mô hình đầu tư tưới cho mía trên đất Quỳ Hợp, ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Công nghệ tưới nhỏ giọt đã giúp năng suất mía bình quân tăng gấp đôi, từ 60 tấn lên 120 tấn mía/ha, mang lại lợi nhuận thu nhập cao cho người trồng mía. 
Ngay tại vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần mía đường Sông Lam - đơn vị trong niên vụ ép vừa qua “lao đao” vì thiếu nguyên liệu, cũng có những mô hình thâm canh mía rất hiệu quả. Niên vụ 2013 - 2014, công ty phối hợp với huyện xây dựng mô hình thâm canh 5 ha mía ở Thọ Sơn (Anh Sơn), sử dụng giống mới 00236, QD94. Bằng các giải pháp tổng hợp về giống và đầu tư thâm canh đầy đủ, dù không có nước tưới nhưng năng suất mía vẫn đạt 70 - 75 tấn/ha, trong khi năng suất mía đại trà trong toàn vùng nguyên liệu chỉ đạt bình quân 50 tấn/ha. 
Theo ông Hà Huy Dũng, Phó phòng Nông vụ, Công ty CP mía đường Sông Lam, thì sắp tới, đơn vị sẽ xây dựng mô hình 5 ha ở Châu Khê (Con Cuông), với sự đầu tư thâm canh đúng mức, đặc biệt là có nguồn nước tưới được lấy từ sông Lam bằng máy bơm, năng suất sẽ đạt 120 tấn/ha. Vùng nguyên liệu tại xã Nghĩa Hoàn, Nghĩa Thái… (Tân Kỳ) thuộc Công ty Nông nghiệp sông Con từ 5 năm nay đã chuyển hơn 100 ha đất lúa không hoàn toàn chủ động nước, năng suất thấp và không ổn định sang trồng mía, cho năng suất từ 90 đến 120 tấn/ha, hiệu quả gấp 3 lần trồng lúa; từ  đó nhân rộng ra 400 ha thường xuyên cho năng suất bình quân trên 80 tấn/ha. Hay tại xã Nghĩa Đồng, do lụt và hạn hán, trồng ngô, lạc bấp bênh, huyện đã chỉ đạo bà con chuyển sang trồng mía, nhờ đất tốt, đủ ẩm nên năng suất luôn đạt bình quân trên 80 tấn/ha. 
(Còn nữa)
Thu Huyền - Phú Hương

tin mới

Nghệ An kiểm tra thực tế công tác chỉ đạo chống khai thác hải sản trái phép tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai

Nghệ An kiểm tra thực tế công tác chỉ đạo chống khai thác hải sản trái phép tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai

(Baonghean.vn) -Thực hiện Kế hoạch mở đợt kiểm tra cao điểm về hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), chiều 28/3, đoàn công tác Ban chỉ đạo IUU của tỉnh tiến hành kiểm tra tại địa bàn Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai.

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.