Bàn biện pháp ứng phó với siêu bão HaiYan (cơn bão số 14)
(Baonghean.vn) - Ngay sau khi tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó với siêu bão HaiYen
(Baonghean.vn) - Ngay sau khi tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó với siêu bão HaiYen (cơn bão số 14), vào hồi 15 giờ 30 phút chiều 8/11, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị chỉ đạo công tác phòng chống và ứng phó với siêu bão HaiYan thông qua hệ thống trực tuyến với các huyện, thành, thị xã trong toàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đến thời điểm này, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã, đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão HaiYan hiện đang ở trên biển Đông. Trong đó tập trung kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển Đông vào bờ tránh trú bão; tổ chức kiểm tra, đảm bảo an toàn các hồ đập; chuẩn bị các phương án, điều kiện, lực lượng tổ chức di dời dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn... Tuy nhiên đến thời điểm này đang còn nhiều tàu thuyền thuộc các địa phương Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai... vẫn chưa vào bờ tránh trú bão.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh, đây là cơn bão có cường độ mạnh, tốc độ nhanh nhất trong lịch sử các cơn bão trên biển Đông và vào đất liền nước ta từ trước đến nay.
Dự báo siêu bão HanYan sẽ đổ bộ vào đất liền vào tối ngày 9 và sáng ngày 10/11. Vì vậy, đề nghị các ngành, UBND các huyện thành, thị xã trong tỉnh hoãn các cuộc họp trong hai ngày 9,10 để tập trung các lực lượng, phương tiện, điều kiện phòng chống cơn bão số 14.
Ngay từ bây giờ, các ngành phối hợp với các địa phương vùng biển bằng mọi biện pháp kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương vào đất liền, tìm nơi trú ẩn an toàn. Tổ chức sơ tán tất cả nhân dân trong vùng nguy hiểm, nhất là vùng ven biển vì theo dự báo cơn bão có thể gây ra sóng to và mực nước biển dâng cao từ 6 đến 10m; đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất có thể xẩy ra ở các huyện miền núi.
Các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị cần tập trung chỉ đạo chằng chống nhà cửa, trụ sở, trường học, cây xanh ... Sở Giáo dục – Đào tạo chỉ đạo các trường học cho học sinh tạm thời nghỉ học trong mấy ngày diễn ra bão. Sở Y tế phối hợp và chỉ đạo các bệnh viện lo cho các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trú ẩn an toàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kiểm tra để chủ động có phương án xả nước ở các hồ đập đảm bảo an toàn cho các hồ đập và người dân.
Báo Nghệ An, Đài PT-TH tỉnh và các đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thành, thị xã; đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn; các loa phát thanh các khối, xóm, thôn, bản cần tăng cường thông tin tuyên truyền, cập nhật liên tục và kịp thời diễn biến cơn bão số 14 để nhân dân hiểu tình hình cũng như mức độ nguy hiểm của cơn bão nhằm chủ động phòng chống, ứng phó; tuyệt đối không được chủ quan.
Có phướng án ứng cứu khi bão vào, đảm bảo thông tin liên lạc từ tỉnh đến cơ sở; chuẩn bị lương thực, thực phẩm đầy đủ để kịp thời ứng cứu, không để nhân dân bị đói, khát, bị cô lập. Yêu cầu các ngành, địa phương triển khai các phương án đối phó với siêu bão HaiYan phải hoàn tất trước 19h ngày 9/11. Sau bão lụt, tập trung khắc phục, hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại do cơn bão số 14 có thể sẽ xẩy ra trên địa bàn tỉnh.
Mai Hoa