Bản của những người chồng cô lẻ

26/01/2013 15:51

(Baonghean) - Sau khi báo chí và chính quyền địa phương vào cuộc, người dân tại các điểm nóng về nạn buôn người ở đôn phục con cuông đã nhận thức rõ tội ác của những "tú bà", không còn ai bị lừa bán nữa. nhưng vẫn còn hàng chục phụ nữ chưa trở về, để lại bao nỗi nhớ mong cho những người thân, trong đó có những người chồng...

Một ngày mùa đông, tôi nhận cuộc gọi của chị Vi Thị May ở bản Hồng Điện (Đôn Phục - Con Cuông) mời hôm sau lên dự "đám cưới nhỏ" của cháu Ứng. Ứng là một trong 3 người đã thoát khỏi nơi giam giữ của bọn buôn người ở Trung Quốc, trở về vào cuối tháng 4/2012, được Báo Nghệ An phản ánh.


Niềm vui thực sự đã về trong căn nhà lá của gia đình Ứng. Sau đám cưới, người chồng phải về ở rể cho đến khi gia đình nhà trai sắm đủ sính lễ mới tổ chức đám cưới "lớn", mới thành vợ chồng chính thức. "Đám cưới nhỏ" do họ nhà trai tổ chức mổ một con lợn nhỏ, hơn chục cân nếp, chục chai rượu. Có vậy thôi, nhưng ấm cúng, cứ như mọi người đều cùng một gia đình.


Không khí ấm cúng dễ khiến người ta gợi chuyện. Chị May nói nhỏ với tôi: "Sau khi chú và chị nhà báo về viết bài, công an bắt đi mấy kẻ buôn người, trong bản không ai tin lời dụ dỗ nữa. Nhưng còn hàng chục người bị lừa đi chưa về được. Chồng họ thì cứ ngày nhớ đêm mong, phải nuôi con một mình, buồn khổ không kể hết!".



Căn nhà của ông bố đơn thân Lô Văn Tam chỉ còn lại một đống tro tàn.


Từ ngày chưa có nạn buôn người, người miền núi ít khi biết đến cảnh những người đàn ông nuôi con một mình, chỉ trừ trường hợp không may người vợ mất đi chồng lâm vào cảnh "gà trống nuôi con". Vậy mà bây giờ tại bản Hồng Điện, chuyện đó đã thành thường tình. Khi nhắc đến những người chồng cô đơn trong bản, người ta lại nghĩ đến Lô Văn Tam, 30 tuổi. Vợ anh bị lừa bán sang Trung Quốc khi con còn chưa cai sữa.


Sau đám cưới nhỏ của Ứng, tôi ngỏ ý muốn đến thăm con người cô đơn ấy. Chị May chỉ lối cho tôi lội qua 1 con suối nhỏ đến nhà Lô Văn Tam. Tới nơi, thấy cái nhà chỉ còn một đống tro nghi ngút khói. Một người đàn bà bên hàng xóm ló đầu ra bảo: "Nhà chú ấy mới bị cháy sáng nay. Chú ấy không có nhà nữa. Mời chú vô đây ngồi uống nước, tôi cho cháu nhỏ đi gọi chú Tam về".


Rồi người đàn bà tên Hương kể: Chú Tam từ nhỏ vốn hiền lành, chịu khó làm ăn, dù cha mẹ cũng không có nhiều của nả để cho. Thanh niên trong bản nhiều người vướng vào ma túy rồi nghiện ngập, kiếm được một người chí thú làm ăn khó lắm. Dẫu anh Tam có bị tật hở hàm ếch, nói năng khó khăn, cũng có nhiều cô gái làng trên bản dưới "ưng bụng". Cách đây 5 năm, anh lập gia đình với một cô gái cùng bản kém mình 8 tuổi. Cha mẹ vợ bỏ qua định kiến về dị tật của anh, vui vẻ chấp nhận chàng rể. Đám cưới nhà nghèo nên đạm bạc, nhưng vui.


Cưới nhau chưa lâu, cha mẹ dựng cho vợ chồng anh Tam túp nhà nhỏ ven bản. Người Thái chúng tôi có tục sớm cho con trai sau khi cưới vợ ra ở riêng để tự lập. Sau 2 năm ở riêng, cuộc sống đôi vợ chồng trẻ vẫn trong cảnh nghèo nhưng không một mâu thuẫn nhỏ nào. Người ta vẫn ngày ngày thấy anh Tam lên rừng, chị vợ cấy ruộng, cuốc nương. Cảnh nghèo của vợ chồng anh Tam thực sự cũng là cảnh chung của nhiều hộ trong bản Hồng Điện. Anh chồng không biết lấy một con chữ bẻ đôi. Chị vợ cũng học đến lớp 2, biết ký cái tên của mình rồi thôi ở nhà chờ đến tuổi lấy chồng. Cảnh nghèo khiến chị vợ nản lòng. Nghe nói ở bên Trung Quốc, đàn bà con gái được ăn sung mặc sướng, cả ngày không phải động tay đến công việc, cứ như cuộc sống của mỹ nữ ở nhà lang đạo thời phong kiến trong chuyện xưa người già vẫn kể. Lời nói dẻo quẹo, vẻ ngoài lả lướt của các "tú bà" khiến thiếu phụ trẻ chất phác này xiêu lòng.


Lô Văn Tam đã về. Anh ngồi cạnh đống lửa bên tôi. Sau vài câu chuyện hỏi han nhau, anh kể: Một ngày vào mùa mưa hơn 2 năm về trước. Anh cùng một nhóm bạn có chuyến lên rừng dài ngày. Anh dặn vợ: "Đừng để con bé ra suối mà ngã nước nhé! Đi ba hôm, tôi về." Sau chuyến lên rừng trở về mệt và đói. Đã tối mịt nhưng căn nhà nhỏ không một tia sáng, tro than nguội lạnh. Chạy đi hỏi khắp bản mới biết là vợ đã bỏ đi. Con gái đang khát sữa, chị vợ gửi nhờ nhà nội "trông hộ một chốc", đang khóc đòi mẹ. Lúc đó anh Tam mới nghe nói người vợ bấy lâu nay vẫn cùng anh chia ngọt xẻ bùi đã bị lừa bán đi. Không biết chữ nên anh không thể thảo đơn tố cáo bọn buôn người. Lại nghĩ vợ mình có thể chỉ đi năm bữa nửa tháng rồi về, nên cứ ôm con chờ. Con khát sữa, anh bồng con đi khắp các bản xin bú nhờ. Những bà mẹ đang nuôi con nhỏ thương cảm không nỡ từ chối 2 cha con tội nghiệp. Một thời gian sau anh quyết định cho con cai sữa, cháu cũng đã gần 2 tuổi. Khi con đã biết đi chơi cùng chúng bạn trong xóm, anh Tam đỡ phần cực nhọc hơn, có thời gian chăm lo ruộng vườn, lên rừng bẫy sóc, đi phụ hồ...


Thế rồi, vào một buổi sáng, anh dậy sớm đi thăm bẫy, cháu bé cũng dậy ngồi sưởi ấm bên bếp lửa. Có sợi dây từ gá bếp thõng xuống, sΩn có cái đóm trong tay, cháu bé châm lửa đốt sợi dây, ngọn lửa cháy bùng lên khiến bé sợ chạy ra khỏi nhà kêu khóc. Hàng xóm nghe thấy nhào đến thì đã muộn. Ngọn lửa bùng lên thiêu rụi cả căn nhà và những vật dụng vốn đã ít ỏi. Anh chỉ còn lại bộ quần áo đi rừng mặc trên người. Làng xóm đến dập lửa cũng chỉ cứu được 3 bì thóc.


Chị hàng xóm cho biết, dân bản đang bàn nhau người góp tranh, kẻ góp nứa giúp anh Tam dựng lại nhà. Ai cũng thương người cha hiền lành, thầm trách bà mẹ cả tin vào những điều viển vông. Tôi quay sang hỏi anh Tam: "Nếu một ngày chị ấy về nhà anh có nhận làm vợ nữa không?". Anh nói: "Nó chỉ bị người ta lừa thôi, có lỗi chi? Tôi vẫn mong vợ về cho con nó có mẹ...".


Tại bản Hồng Điện, còn một người cha trẻ cũng đang phải nuôi con một mình. Đó là anh Lương Văn Úc. Vợ anh úc là chị Lữ Thị Khay, bỏ đi đã hơn 1 tháng nay khiến ông chồng 26 tuổi ngày đêm khóc đứng khóc ngồi. Khi tôi tìm đến nhà hỏi chuyện, trên khóe mắt người chồng trẻ vẫn đẫm nước. Nhà có khách, anh nói "xin lỗi một chút nhé" rồi ra sau hồi múc nước rửa mặt cho tươi tỉnh lại. Khi câu chuyện đã trở nên thân thiết, anh Úc cho biết: Chị Khay vốn quê Nga My (Tương Dương). Lấy nhau từ năm 2006 và đã có với nhau một bé trai 5 tuổi. Là một thanh niên khá năng động trong bản nên chỉ ra ở riêng vài năm anh Úc cất được ngôi nhà gỗ kiên cố. Cho đến một ngày, chị Khay gặp lại Vi Thị Hà (đối tượng buôn người đã lừa nhiều người ở Đôn Phục bán sang Trung Quốc, Báo Nghệ An đã có dịp phản ánh). Vốn là bà con họ xa nên dễ trở nên thân mật. Tuy không dám xuất hiện tại bản, Hà thường xuyên gọi điện kể về cuộc sống sung túc và những cơ hội việc làm nhàn hạ, lương cao. Những lời đường mật qua điện thoại đã khiến chị Khay bỏ lại chồng và con trai tự trốn sang Trung Quốc "bán mình" cho Hà.


Khi chị Khay mới bỏ đi, anh Úc không dám tin là người vợ mình rất mực yêu thương lại trốn sang Trung Quốc, bởi lẽ chính chị ta cũng thừa biết rằng đi như thế khác nào tiếp tay cho bọn buôn người. Ba ngày sau, chị vợ gọi về thấy đầu số +86, anh chồng biết chính xác vợ mình đã ở đất Trung Quốc. Chị ta bảo chỉ đi kiếm tiền về trả khoản nợ 20 triệu đồng của ngân hàng, nhưng qua xác minh từ một số người vẫn gọi về từ phía bên kia biên giới, anh Úc biết được vợ mình đã lấy chồng mới bên ấy. Bị người mình hết lòng thương yêu phụ bạc, anh Úc uất ức nên khóc ròng cả tháng nay. "Em hận vợ mình nhiều lắm anh ạ. Vì mình không nghiện ngập, không chây lười, cố gắng kiếm tiền nuôi con, làm vợ đẹp lòng, nhưng vẫn bị người ta phản bội". - anh Úc nói trong nghẹn ngào.


Công an viên bản Hồng Điện, ông Lương Vĩnh Truyền cho biết, riêng tại bản nhỏ này đã có gần hai chục phụ nữ đang ở phía bên kia biên giới. Những năm trước, họ còn bị lừa bán đi, nhưng gần đây có những kẻ đã tự nguyện bán mình cho bọn buôn người vì ham muốn cuộc sống sung túc được thêu dệt qua cửa miệng của các "tú bà".


Trong câu chuyện với dân bản Hồng Điện, tôi còn được nghe chuyện về cậu bé Vi Thái Hùng ở bản Hồng Thắng, ngay cạnh đó. Mới vừa năm ngoái, mẹ em Hùng bỏ nhà trốn đi Trung Quốc chỉ vì cha em bị bệnh nặng. Giữa năm 2012, ông bố chết, người mẹ mới về đưa cô con gái nhỏ đi theo. Em Hùng thành kẻ bị bỏ rơi và đang sống nhờ nhà bác trưởng bản, cũng là bác họ của em. Hiện Hùng đã vào lớp 10.


Câu chuyện về những bà mẹ bản Hồng Điện khiến tôi nhớ về thời ấu thơ của mình. Mẹ tôi đã khóc thật nhiều khi tôi và các em tôi trong cơn nguy kịch vì dịch sốt rét và sΩn sàng bán đi con trâu cuối cùng để lo cứu chữa cho chúng tôi. Còn bà mẹ trẻ của em Vi Thái Hùng bán đi con trâu cuối cùng trong nhà để trốn đi Trung Quốc. Vì một lí do nào đó, những người mẹ trẻ ở vùng cao bây giờ đã trở nên vô tâm hơn. Có lẽ trong câu chuyện này có cả lỗi của những đức ông chồng nữa chăng? Bởi tại những nơi nạn buôn người hoành hành thì cũng là điểm nhức nhối của nạn nghiện hút. Dù nạn buôn người đang tạm lắng, chưa thể nói bản Hồng Điện đã thực sự bình yên...


Hữu Vi

Mới nhất
x
Bản của những người chồng cô lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO