Ban đại diện cha mẹ học sinh hay đại diện nhà trường?

07/10/2017 08:48

(Baonghean.vn) - Thực tế lâu nay, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) thường theo lối truyền khẩu, dựa vào kinh nghiệm nên không hiểu hết chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình. Từ chỗ không hiểu dẫn đến làm sai phận sự.

Cứ vào đầu năm học, cộng đồng lại xới lên việc dạy thêm, học thêm, “phụ thu” và vai trò của Ban đại diện CMHS. Thậm chí không ít ý kiến còn cho rằng nên giải thể Ban đại diện CMHS. Với tư cách là người đã từng nhiều năm làm trưởng ban đại diện CMHS cả tiểu học lẫn THPT, tác giả bài muốn cung cấp một góc nhìn khác.

Trước hết, thực tế trong cuộc sống cho thấy chỉ cần có 3 người là chúng ta phải cử 1 người đại diện, nên việc một trường học có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cha mẹ học sinh thì việc có 1 ban đại diện là điều cần thiết. Việc dư luận, cộng đồng nói nhiều, phê phán kịch liệt Ban đại diện CMHS, tôi cho rằng phần lớn là do Ban đại diện CMHS hoạt động không đúng tinh thần Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 11 năm 2011 Ban hành Điều lệ Hội CMHS.

Nó xuất phát từ việc mặc dù Thông tư này đã ra đời 6 năm nhưng không nhiều phụ huynh làm Ban đại diện CMHS lớp, trường đều không biết, không đọc điều lệ này. Không ít giáo viên cũng chưa từng đọc Thông tư này nên có sự “lệch pha” trong việc phối hợp hoạt động giữa phụ huynh, nhà trường.

Hoạt động Ban đại diện CMHS theo lối truyền khẩu, dựa vào kinh nghiệm nên không hiểu hết chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình. Từ chỗ không hiểu, không nắm rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình dẫn đến làm sai phận sự, để lại sự phản ứng trong chính phụ huynh và vô tình “tiếp tay” cho những hoạt động sai trong nhà trường.

Đại diện cho ai?

Ban đại diện cha mẹ học sinh thường phải có chính kiến trong việc đứng ra thu các khoản thu cho nhà trường. Ảnh: Internet
Ban đại diện cha mẹ học sinh thường phải có chính kiến trong việc đứng ra thực hiện các khoản thu cho nhà trường. Ảnh: Internet

Thực tế nhiều năm tôi làm trưởng ban đại diện CMHS trường cho thấy, “Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra” thì hoạt động đúng nghĩa cho lớp, còn nếu được cô chủ nhiệm, hiệu trưởng cử ra thì…nghiêng về đại diện cho lớp, cho trường.

Theo dõi các phản ánh của phụ huynh khắp cả nước, chúng tôi thấy có đến 99% đề cập đến các khoản thu bất hợp lý trong nhà trường dưới danh nghĩa là ban đại diện CMHS trường, lớp. Thực tế khoản 4b, điều 10 Thông tư 55 quy định Ban đại diện CMHS không được quyên góp: “Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.

Nếu các Ban đại diện CMHS lớp, trường nắm rõ được điều này, không cả nể thì có thể tế nhị từ chối đứng ra vận động quyên góp. Thực tế cho thấy nhiều cha mẹ học sinh thường không tiếc đóng góp công sức, kinh phí cho các hoạt động trực tiếp dành cho con em mình nhưng lại phản ứng gay gắt các đóng góp kiểu “vô thưởng, vô phạt”.

Vài vướng mắc thường gặp

Khá nhiều phụ huynh thắc mắc việc các Ban đại diện “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nghĩa là chỉ 1 phụ huynh tay hòm, tay khóa thu-chi, không có kế hoạch chi từng học kỳ, không công khai quyết toán. Không ít hiệu trưởng thích giữ “quỹ phụ huynh trường”, khiến cho Ban đại diện CMHS trường không chủ động kinh phí hoạt động. Vai trò “hậu kiểm” sau các đóng góp của phụ huynh thường không được thực hiện tốt.

Mặc dù có quy định “Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh” nhưng không ít Ban đại diện CMHS không nắm được hoàn cảnh của các gia đình nên cứ chia đều kinh phí dẫn đến bị phản ứng. Nhiều Ban đại diện vượt quá thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề thiếu dân chủ, công khai dẫn đến bất bình trong chính phụ huynh.

Một số Ban đại diện lớp, trường không có tiếng nói độc lập trong việc bàn bạc, trao đổi công việc với giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng, làm việc theo kiểu “nói sao, nghe thế”. Trước một số đề xuất của nhà trường, nhất là liên quan đến đóng góp lại không biết cách thăm dò, thu thập ý kiến của tập thể dẫn đến phản ứng không đáng có. Chưa kể, khi có phụ huynh bị phản ứng, Ban đại diện không có đủ uy tín, lý lẽ giải thích và nhận lỗi, sửa sai (nếu có) dễ gây phản ứng dây chuyền, làm xấu đi quan hệ gia đình, nhà trường.

Thực tế nhiều năm làm trưởng ban đại diện CMHS của 2 trường khá lớn, tôi cho rằng, hệ thống văn bản pháp lý để Ban đại diện CMHS đã có, vấn đề nằm ở chỗ vận dụng linh hoạt, hiệu quả. Nếu như phụ huynh thực sự được dân chủ bàn bạc, thông qua Ban đại diện CMHS thì rõ ràng sự phối hợp hoạt động giữa nhà trường và gia đình được nâng cao.

An Thanh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ban đại diện cha mẹ học sinh hay đại diện nhà trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO