Bán đảo Triều Tiên: Tăng nhiệt sau màn "đấu pháo"

01/04/2014 14:54

(Baonghean) - Sau khi xảy ra vụ đấu pháo giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, tại khu vực biên giới trên biển đang có tranh chấp giữa 2 nước. Vụ việc này trở thành mồi lửa thổi bùng những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên từ nhiều tuần qua với hàng loạt các cuộc khẩu chiến và các cuộc tập trận. Trước tình hình hiện nay, cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại về một kịch bản xấu cho tiến trình giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Pháo tự hành K-9 của Hàn Quốc đáp trả phía Triều Tiên ngày 313. (Nguồn YonhapTTXVN)
Pháo tự hành K-9 của Hàn Quốc đáp trả phía Triều Tiên ngày 313. (Nguồn YonhapTTXVN)

Hôm nay, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành tập trận bắn đạn thật ở một số địa điểm ngoài khơi bờ biển phía tây nước này. Phía Hàn Quốc cho rằng trong số hơn 500 quả đạn pháo do Triều Tiên bắn ra, có khoảng 100 quả đã rơi xuống vùng biển tranh chấp và Hàn Quốc ngay lập tức có hành động đáp trả. Do đó, cuộc đấu pháo đã diễn ra ở khu vực biên giới trên biển giữa hai nước. Mặc dù không có dấu hiệu là hai bên nhắm bắn vào mục tiêu nào cụ thể, song hành động quân sự này cho thấy nấc thang căng thẳng đã bị đẩy lên khi hai bên đối đầu trực diện.

Điều này thực ra không khó giải thích khi đã nhiều tháng nay bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng tăng nhiệt. Cuối tháng 2, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chung bất chấp việc Triều Tiên kịch liệt phản đối. Về phần mình, CHDCND Triều Tiên đã trả đũa bằng hàng loạt vụ phóng thử tên lửa và hôm nay là cuộc tập trận bắn đạn thật. Nhiều ý kiến cho rằng, hành động này của CHDCND Triều Tiên cũng nhằm thể hiện lập trường cứng rắn trước sức ép của cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cuối tuần qua đã lên án vụ phóng tên lửa tầm trung sau hàng loạt vụ phóng rocket và tên lửa tầm ngắn trong vài tuần gần đây của CHDCND Triều Tiên. Hiện CHDCND Triều Tiên vẫn đang phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sau các vụ thử tên lửa tầm xa cuối năm 2012 và thử hạt nhân lần ba đầu năm 2013.

Trên thực tế, biên giới trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc từng là nơi xảy ra những trận đụng độ hải quân ác liệt vào năm 1999, 2002 và 2009. Vào tháng 11 năm 2010, vụ đấu pháo tại đảo Dông Piên của Hàn Quốc, khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng. Dư luận đã không còn ngạc nhiên với những vụ tranh cãi không hồi kết hay các vụ đụng độ kiểu này giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, song điều mà người ta lo lắng là những hành động đó sẽ khiến cho các nỗ lực hàn gắn quan hệ 2 miền Triều Tiên đổ “xuống sông xuống bể”. Mới đây, dư luận vẫn còn hy vọng vào cử chỉ thiện chí của hai bên có thể làm dịu bớt bầu không khí nóng trên bán đảo Triều Tiên khi hai nước tổ chức thành công cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh – một chương trình đã bị gián đoạn trong 3 năm.

Trước đó, hai bên cũng nối lại hoạt động của khu công nghiệp chung Kê-xâng và đạt được những thỏa thuận đem lại lợi ích cho cả hai. Thậm chí, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vừa công bố một số đề xuất nhằm kêu gọi tăng cường trao đổi với CHDCND Triều Tiên như là bước đầu tiên hướng tới xây dựng lòng tin để đặt nền tảng cho việc tái thống nhất liên Triều. Trong đó, kêu gọi Hàn Quốc tăng cường các dự án viện trợ nhân đạo cho CHDCND Triều Tiên trước khi mở rộng hợp tác kinh tế tới các dự án lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng hay khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, cuộc đấu pháo vừa diễn ra chắc chắn sẽ là nhân tố ngáng trở các kế hoạch tương lai này giữa Xơ-un và Bình Nhưỡng.

Hơn thế, cơ hội để các bên cùng ngồi vào bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên ngày càng trở nên mong manh bởi căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên khó có thể được xoa dịu một cách nhanh chóng và dễ dàng. Vòng đàm phán này được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2003 với sự góp mặt của nước chủ nhà, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi quá trình đàm phán đang diễn ra, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút lui vào tháng 4/2009, một tháng trước khi tiến hành cuộc thử vũ khí hạt nhân lần thứ hai. Từ đó đến nay, các bên đã rất cố gắng để khởi động lại vòng đàm phán đã lâm vào bế tắc này song đã không thành công bởi các bên vẫn không ngừng thực hiện các hành động được cho là “gây hấn”.

Vào lúc này, dư luận cũng chưa thể nói trước vụ đấu pháo sẽ đẩy tình hình trên báo đảo Triều Tiên đi tới đâu và các hành động trả đũa lẫn nhau sẽ tiếp diễn như thế nào. Song người ta có lý do để lo ngại rằng bầu không khí hòa dịu khó trở lại trong ngắn hạn. CHDCND Triều Tiên vừa tuyên bố “sẽ không loại trừ” khả năng thực hiện một vụ thử hạt nhân nữa, sau khi nước này thực hiện vụ phóng tên lửa tầm trung bị cộng đồng quốc tế lên án. Tờ Chosun Ilbo mới đây còn loan tin nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Châng Un đã đề cập khả năng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2015.

Sự thiếu nhượng bộ giữa các bên đang khiến cho bán đảo Triều Tiên không thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn giữa “gây hấn, trả đũa và trừng phạt”. Chiến tranh rõ ràng là điều mà cả thế giới đều không mong muốn. Và trong bối cảnh hiện nay, các bên cần kiểm soát tốt mọi động thái, không để những đổ vỡ xảy ra.

Thu Hà

Mới nhất

x
Bán đảo Triều Tiên: Tăng nhiệt sau màn "đấu pháo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO