Bạn đọc hỏi - Luật sư trả lời
(Baonghean) - Ông Võ Hồng Lợi, công dân xóm Xuân Trang, xã Nghi Đức, Thành phố Vinh hỏi: Ông được thừa hưởng mảnh đất của bố mẹ có nguồn gốc đất ở trước ngày 18/12/1980. Năm 1996, UBND huyện Nghi Lộc cấp bìa đỏ cho ông với diện tích 901m2. Tháng 9/2009, để cấp đổi lại giấy chứng nhận khi xã nhập về Thành phố Vinh, đoàn đo đạc lại thửa đất của ông là 1881,6m2. Như vậy, diện tích đất có sự chênh lệch trong khi hiện trạng không thay đổi, không có tranh chấp, lấn chiếm. Vừa qua, hội đồng xét cấp đất còn tự động chuyển 381,6m2 sang nhóm đất nông nghiệp, như vậy đã đúng chưa và mảng đất trên chỉ mang tên ông thì có được không?
Dựa trên những thông tin do ông Võ Hồng Lợi cung cấp, Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự trả lời như sau:
1.Năm 1996, diện tích đất của gia đình ông là 901 m2 nhưng đến tháng 9/2009, khi tiến hành đo đạc lại thì diện tích tăng lên 1881,6 m2. Trong quá trình sử dụng, từ khi được giao đất cho đến khi đo đạc lại đất, ranh giới thửa đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp. Do đó, phần diện tích đất tăng lên là do có sự sai sót trong đo đạc.
Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 5, Điều 98, Luật Đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thì: “Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có”.
Thứ hai, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 21, Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An quy định: “Trường hợp UBND cấp xã xác định được diện tích hoặc ranh giới của thửa đất sử dụng ổn định trước ngày 18/12/1980, hiện nay không tranh chấp thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích của thửa đất sử dụng ổn định trước 18/12/1980, phần diện tích còn lại (nếu có), sử dụng sau ngày 18/12/1980 được xác định theo nhóm đất nông nghiệp”.
Theo các quy định trên, trường hợp thửa đất của gia đình ông đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 18/12/1980, ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì toàn bộ phần diện tích 1881,6 m2 được công nhận là đất ở.
2.Như trên đã phân tích, trường hợp của gia đình ông hoàn toàn có thể áp dụng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 21, Quyết định 10/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An.
3.Do ông chưa trình bày rõ vợ chồng ông kết hôn năm nào nên chúng tôi không đủ cơ sở để xác định thửa đất này là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng ông.
Trường hợp vợ chồng ông kết hôn sau năm 1996 (sau thời điểm ông được UBND huyện Nghi Lộc cấp GCN QSD đất) thì thửa đất này là tài sản riêng của ông. Do đó, việc cấp lại GCN QSD đất chỉ mang tên anh hoàn toàn hợp lý.
Trường hợp vợ chồng anh kết hôn trước năm 1996, thì thửa đất này là tài sản chung của cả hai vợ chồng. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 98, Luật đất đai năm 2013: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người”.
Theo quy định này, nếu ông muốn được cấp GCN QSD đất đứng tên một mình ông thì phải có sự đồng ý của vợ ông.
Văn phòng Luật sư
Trọng Hải & Cộng sự