Bàn giải pháp phát triển bền vững ngành tôm

Phú Hương 16/07/2021 16:20

(Baonghean.vn) - Nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng là một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhất là khi trong “nội ngành” vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Ngày 16/7, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành ven biển về giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định số 339 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.
Nghệ An tham gia Hội nghị trực tuyến sáng nay. Ảnh: Phú Hương
Nghệ An tham gia Hội nghị trực tuyến sáng nay. Ảnh: Phú Hương

Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu từ nuôi tôm của Việt Nam vẫn đạt 3,7 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã sản xuất được 55 tỷ con tôm giống, diện tích nuôi tôm đạt 742.000 ha; sản lượng tôm nuôi đạt 373.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD.

Thảo luận, đề ra mục tiêu cho ngành tôm thời gian tới, đồng chí Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nêu rõ những khó khăn, thách thức mà ngành tôm sẽ phải đối mặt.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá tôm giảm, giá vật tư đầu vào tăng cao; vẫn còn tình trạng đưa vào nuôi tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; nhiều hộ dân vẫn còn lạm dụng hóa chất trong nuôi tôm; hạ tầng nuôi chưa đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường.

Tình trạng nuôi nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm thấp vẫn còn tồn tại; đặc biệt, sản xuất chưa gắn kết được với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ.
Từ đó, hội nghị đã bàn các giải pháp để triển khai Quyết định số 339 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguyên liệu tôm bộp và tôm he dùng để sản xuất tôm nõn tại Diễn Châu. Ảnh: tư liệu Quang An
Nguyên liệu tôm bộp và tôm he dùng để sản xuất tôm nõn tại huyện Diễn Châu. Ảnh: tư liệu Quang An

Theo đó, mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội…

Đẩy mạnh giám sát vùng nuôi trồng thủy sản
Tại Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn đã sản xuất, ương dưỡng 1,6 tỷ con tôm giống; diện tích nuôi tôm nước lợ đạt trên 1.600 ha, tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2020; Sản lượng nuôi tôm mặn, lợ đạt gần 4.300 tấn, tăng 25,33% so với cùng kỳ năm 2020.

Phát triển nuôi tôm Vietgap ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương
Phát triển nuôi tôm VietGAP ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương

Đáng ghi nhận, nhiều hộ dân đã áp dụng các quy trình và công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho năng suất đạt từ 15 - 20 tấn/ha, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Việc cung cấp thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản phục vụ cho nuôi tôm thương phẩm đã cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Trong 6 tháng cuối năm, Nghệ An chủ trương tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát vùng nuôi trồng thủy sản và chất lượng giống thủy sản; quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường nuôi, phát triển ngành nuôi tôm hiện đại và bền vững.


Mới nhất

x
Bàn giải pháp phát triển bền vững ngành tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO