Ban hành văn bản trái luật: Không thể chấp nhận được

12/06/2014 15:03

Trả lời chất vấn đại biểu QH sáng 12/6 về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Hiến pháp 2013 đã đi vào cuộc sống mà vẫn ban hành sai thì không chấp nhận được.

Về việc nhiều cơ quan ban hành các văn bản trái luật mà Bộ Tư pháp phát hiện trong quá trình thẩm tra, qua phản ánh của báo chí và người dân, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có dấu hiệu trái pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết ngày 30/4/2014, trong tổng số 1.574 văn bản đã kiểm tra, Bộ Tư pháp đã phát hiện ra 312 văn bản có dấu hiệu trái luật, trong đó 54 văn bản sai về nội dung, còn lại văn bản sai về thể thức văn bản, thẩm quyền ban hành...

Với 54 văn bản sai về nội dung, không có văn bản nào vi hiến, có 4 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với luật, pháp lệnh, còn lại là văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, còn phát hiện thêm những quy định không đúng với thực tiễn và không khả thi cũng được Bộ Tư pháp tiến hành kiến nghị.

Với các văn bản trái về nội dung, sau khi Bộ Tư pháp trao đổi lại với các cơ quan ban hành văn bản, đã có 19 cơ quan tiến hành sửa đổi ngay nội dung trái luật, không phù hợp và không khả thi. Cụ thể như Thông tư số 24 của Bộ GDĐT quy định thêm một số đối tượng ưu tiên cộng điểm thi đại học, trong đó có Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa. Có 35 văn bản có nội dung trái luật được Bộ Tư pháp thông báo thì đến nay đã xử lý xong 20 văn bản.

Còn một số thông tư đang xử lý như Thông tư 05 của Bộ LĐTBXH quy định thêm các loại giấy tờ phải cung cấp để được hưởng chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ so với quy định của Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh người có công.

Bộ trưởng cho rằng, sau khi Hiến pháp 2013 được ban hành, đất nước chúng ta sang chương mới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật mà các bộ, ngành tiếp tục ban hành những thông tư sai về nội dung, trái về thẩm quyền, thể thức... thì không thể chấp nhận được.

Hằng tháng, Bộ Tư pháp có báo cáo Chính phủ về quá trình thẩm tra văn bản để Chính phủ xem xét, cho ý kiến về vấn đề này.

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đối với việc người dân có nên khởi kiện các cơ quan ban hành văn bản trái luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức hay không, Bộ trưởng Cường cho rằng, nên sòng phẳng khởi kiện cơ quan Nhà nước từ cấp Bộ trở xuống nếu ban hành sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng kiến nghị, nên giao cho TANDTC trong quá trình xét xử, phát hiện các văn bản sai trái thì được quyền xem xét đình chỉ thi hành văn bản đó.

Kết luận nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong việc xây dựng thể chế pháp luật còn có yếu kém, khiếm khuyết có trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, chứ không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tư pháp, của Chính phủ đối với công tác này.

Qua đó, Quốc hội lo ngại về hệ thống pháp luật nước ta còn nhiều vấn đề cần khắc phục như xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân còn nhiều hạn chế, như lùi luật, đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chậm triển khai, chậm hướng dẫn thi hành, nhất là việc ban hành văn bản hướng dẫn cũng có nhiều sai sót như ban hành luật mà thiếu nghị định, thông tư thì làm sao luật thi hành được. Bên cạnh đó, lại có những hướng dẫn không phù hợp, có sai trái nên rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Điều này làm cho Quốc hội, nhân dân lo lắng khi áp dụng pháp luật vào đời sống dân sinh.

Về yếu kém này có trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ, các Ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật, tập thể Chính phủ, Bộ Tư pháp, các cơ quan tố tụng như TANDTC, VKSNDTC.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tư pháp và các cơ quan khác khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành văn bản pháp luật hợp nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo tinh thần xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với những khuyết điểm, yếu kém trong tổ chức triển khai và hướng dẫn thi hành pháp luật.

Theo chinhphu.vn

Ban hành văn bản trái luật: Không thể chấp nhận được
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO