Bản hùng ca vang mãi
Chương trình giao lưu - nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca” tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 16/12 đã phần nào tái hiện những khoảnh khắc lịch sử bi hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Lòng kính trọng, niềm tự hào về thế hệ cha anh trong mỗi chúng ta như bản hùng ca vang mãi.
Chương trình giao lưu - nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca” tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 16/12 đã phần nào tái hiện những khoảnh khắc lịch sử bi hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Lòng kính trọng, niềm tự hào về thế hệ cha anh trong mỗi chúng ta như bản hùng ca vang mãi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cùng nhiều cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử đã tham dự.
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Chương trình do Tạp chí Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương), Báo Nhà báo và Công luận, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2012).
"Vang mãi bản hùng ca" gồm 3 phần, với 3 chủ đề xuyên suốt. Phần 1 với chủ đề “Thành cổ máu và hoa” tái hiện lại những thời khắc lịch sử bi hùng của cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Phần 2 có chủ đề “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tái hiện lại những ngày cuối tháng 12/1972 khi quân và dân ta đã lập nên kỳ tích đánh thắng B52, bảo vệ bầu trời Hà Nội. Phần 3 mang chủ đề “Thay lời tri ân”.
Trong phần 1, khán giả được chia sẻ những kỷ niệm chiến trường, những hồi ức về 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị của Thiếu tướng Cao Xuân Khuông, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị và Đại tá Nguyễn Hải Như, nguyên Tham mưu trưởng Ban chỉ huy Thành cổ Quảng Trị, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 48 (Đoàn Thạch Hãn), đơn vị chủ lực của Sư đoàn 320B tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và lập nên nhiều kỳ tích oai hùng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (thứ tư từ trái qua) và các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Tiểu đoàn 8, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị là đơn vị đầu tiên có mặt và cũng là đơn vị cuối cùng rút khỏi Thành cổ sau 81 ngày đêm kiên cường bám trụ (từ 28/6-16/9/1972), chiến đấu với địch. Đơn vị đã trực tiếp chiến đấu hơn 200 trận, tiêu diệt và làm bị thương hơn 2.000 tên địch, phá hủy nhiều vũ khí, khí tài của địch. Sau khi kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông là một trong ba người được thay mặt quân và dân Quảng Trị ra Hà Nội báo cáo kinh nghiệm, bài học từ cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ với Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng;
Trong phần 2 của chương trình, khán giả được giao lưu với Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Anh hùng Liên Xô; Giáo sư Đỗ Doãn Đại - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Hai nhân chứng lịch sử đã ôn lại những dấu son chói lọi của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, những kỷ niệm, kinh nghiệm và cảm xúc khi bắn rơi pháo đài bay B52 cũng như những hi sinh, mất mát của đồng đội, của nhân dân Hà Nội trong những ngày khói lửa cũng như việc cứu chữa người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai dưới làn bom đạn của Mỹ.
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Bên cạnh những câu chuyện, những hồi ức về lịch sử, những bài ca đi cùng năm tháng như: “Giai điệu Tổ quốc”, “Dòng sông thiêng”, “Hà Nội - Điện Biên Phủ”, “Tổ quốc gọi tên mình”… do các ca sỹ trình bày đã đưa khán giả trở lại với những xúc cảm bi tráng về 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội 40 năm về trước.
Với đạo lý ”Uống nước nhớ nguồn”, chương trình dành gần 3 tỷ đồng để xây dựng Khu tưởng niệm liệt sỹ của Trung đoàn 27 tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; xây tặng 4 nhà tình nghĩa, 70 sổ tiết kiệm, 300 suất quà cho thân nhân liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nạn nhân chất độc da cam, thương binh nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Qua 4 lần tổ chức, chương trình giao lưu – nghệ thuật “Vang mãi bản anh hùng ca” là sự tri ân với các anh hùng, liệt sỹ, như một nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc. Với lòng biết ơn và lòng tự hào về các thế hệ cha anh, chúng ta nguyện viết tiếp bản hùng ca hùng tráng ấy trong cuộc sống hôm nay.
Theo (Chinhphu.vn) - L.T