Bàn kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước
(Baonghean.vn) - Sáng 7/1, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần. Đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh, các sở: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng.
Đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. |
Đặc thù loại hình DNNN Nghệ An là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có loại hình doanh nghiệp tập đoàn hoặc tổng công ty do UBND tỉnh thành lập, do đó nhiệm vụ trọng tâm của nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo phương án, số công ty TNHH một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn được tiếp tục duy trì là 20, số công ty TNHH một thành viên thực hiện cổ phần hoá giai đoạn 2011-2015 là 6 doanh nghiệp. Kết quả tái cơ cấu DNNN đến 31/12/2014, Nghệ An đang tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 4 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Đối với các đơn vị thực hiện cổ phần hoá, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thực hiện cổ phần hoá tại công ty TNHH một thành viên theo hình thức nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ, hiện các đơn vị đang triển khai thực hiện. Đối với hình thức thoái vốn nhà nước tại một số công ty cổ phần, hiện Nghệ An có 10 công ty CP có vốn nhà nước được Chính phủ cho phép để lại UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Căn cứ tiêu chí phân loại doanh nghiệp, Nghệ An có 06 doanh nghiệp còn lại thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. UBND tỉnh đã có quyết định bán hết phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này, hiện các doanh nghiệp đang thực hiện lập báo cáo quyết toán năm 2014 và xây dựng phương án bán.
Về sắp xếp đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty Nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo nghị quyết 30/NQ-TƯ của Bộ Chính trị, hiện tỉnh đang chờ các hướng dẫn cụ thể của các bộ ngành TƯ để tiếp tục triển khai.
Khó khăn đặt ra hiện nay, các doanh nghiệp cấp nước vừa phải đảm bảo nhiệm vụ kinh doanh, vừa phải thực hiện nhiệm vụ an sinh trên địa bàn, khả năng sinh lời thấp nên khi cổ phần hoá sẽ gặp khó khăn trong thu hút nhà đầu tư, bán cổ phần ra ngoài. Về thoái vốn nhà nước tại các công ty CP, các doanh nghiệp này kinh doanh kém hiệu quả nên hiệu quả thoái vốn thấp, khó thu hút nhà đầu tư.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Viết Đường nhận định nhiệm vụ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm, đề nghị thành lập tổ giúp việc cho ban chỉ đạo về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp để đẩy nhanh công tác, đảm bảo tiến độ đề ra. Cần tăng cường tuyên truyền cụ thể tại các nông lâm trường để cán bộ, người lao động hiểu rõ và đồng thuận thực hiện. Việc xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần thoái vốn nhà nước phải được tính toán kỹ...
Thu Huyền