Băn khoăn - ở Huồi Mới

10/08/2007 10:31

Bản làng vốn sầm uất nằm chênh vênh rải đều dọc khe Huồi Mới với 32 hộ người Mông, vậy mà chỉ 2 năm di dân, bản Huồi Mới 2 chỉ còn lại 8 hộ thưa thớt. Những nền nhà cũ còn trơ lại tạo cảm giác hiu hắt, lạnh lùng...

Chiến sỹ Đồn biên phòng 519 trao đổi kinh nghiệm khai hoang ruộng lúa nước với Bí thư chi bộ bản Huồi Mới 2.

Lên bản Huồi Mới 1, 2, xã Tri Lễ (Quế Phong) phải mất gần 3 tiếng đồng hồ đi bộ bắt đầu từ dốc Pỏm Đốn cứ thế ngửa mặt nhìn trời mà leo. Lên đỉnh dốc, bản Huồi Mới 1 hiện ra với từng nếp nhà mái lợp gỗ pơmu nâu đượm đều tắp một lượt. Dịp này bản Mông đang vào vụ lúa mùa nên bà con tập trung lên rẫy, vào trang trại. Đi sâu vào trong bản chúng tôi mới gặp được ông Và Nỏ Cha. Ở tuổi 65 mà trông ông còn rất khoẻ, ông nói: Hôm nay bị đau cái chân nên ta không vào được trong ruộng, ở nhà cũng khó chịu lắm. Ruộng mãi tận trong khe Nhọn Chọt phải mất 2 tiếng đi bộ mới tới nơi. Từ ngày làm được ruộng nước, cái ăn cũng ổn định hơn, không nghĩ đến việc sang Lào nữa. Rời nhà ông Cha, chúng tôi tới nhà trưởng bản Huồi Mới 1 Lỳ Tồng Rúa. Thấy khách dưới xuôi cùng các chiến sỹ biên phòng lên thăm tình hình của bản, Tồng Rúa mừng lắm nói: Năm ngoái bản ta cũng có 5 hộ di dời sang Lào. Từ đầu năm đến nay do khai hoang được ruộng nước, mùa màng khá hơn, nên chưa có hộ nào di dịch cư tự do. Nói rồi Tồng Rúa chỉ tay về từng phía rừng xa: Có 5 hộ làm lúa nước ở khe Nhọn Chọt, 7 hộ khai hoang ở Cầu Hồng, 2 hộ làm ở Cà Tún, 7 hộ làm ruộng nước ở Nậm Tột... Tổng số ruộng nước của bản ta là 15 ha.

Trưởng bản bắt đầu kể về cuộc "trường chinh" dẫn bà con dân bản đi tìm đất khai hoang ruộng nước, dẫn dòng nước từ trên đồi cao vào và rồi cấy nắm mạ xuống. Ruộng đất tốt, bông lúa bóng nẩy trĩu hạt đã làm mê lòng bà con, cuộc sống ổn định, không còn nghĩ đến di dân nữa. Kể đến đây, trưởng bản "chùng" xuống hẳn: Các hộ của bản ta xuống Minh Châu nay phải trở về đất cũ bởi thiếu nước sản xuất. Ta cũng rất lo nếu khi số dân của bản tăng lên mà đất làm ruộng nước không mở rộng được nữa rất khó giữ chân di cư của bà con, khéo lại di dân cả bản như Huồi Mới 2...!


Bản Huồi Mới 2 chỉ còn lại 8 hộ thưa thớt bên khe suối.


Từ Huồi Mới 1 chúng tôi băng qua một quả đồi để đặt chân tới bản Huồi Mới 2. Quả thực trên một dải đất rộng men theo khe chỉ còn lại thưa thớt 8 căn hộ nằm rải rác. Những nền đất cũ do các hộ di cư mấy năm trước để lại trơ những tấm gỗ mục càng thêm thảm hại. Theo lời kể của bà con dân bản thì Huồi Mới 2 mấy năm trước đây cũng có đến 32 hộ, cuộc sống sum vầy đầm ấm như bên Huồi Mới 1, nhưng rồi do khó khăn về điều kiện sinh hoạt, nhất là không có đủ ruộng nước nên bà con phải rời bỏ bản làng sang bên kia biên giới nước bạn Lào. Bản làng vắng hoe, không có chi bộ đảng, đảng viên phải sinh hoạt ghép với chi bộ Huồi Mới 1. Từ tháng 5/2005, Đồn Biên Phòng 5 1 9 cử đảng viên, đại uý Trần Văn Sơn, Trạm trưởng trạm KSBP Huồi Mới xuống sinh hoạt tạm thời tại chi bộ Huồi Mới 2. Chi bộ được thành lập, củng cố cơ sở chính trị, ra nghị quyết chỉ đạo nhân dân trong bản khai hoang ruộng lúa nước, phát triển chăn nuôi, xây dựng Đảng và chăm lo đời sống cho hộ nghèo. Bí thư chi bộ bản Huồi Mới 2 Và Pa Dê, nói: May mà có anh Sơn xuống sinh hoạt chi bộ và các chiến sỹ biên phòng giúp đỡ nên mới khai hoang được hơn 2 ha ruộng nước ở Cà Tún. Có ruộng nước, lúa gạo ổn định đã giữ chân được bà con. Từ đầu năm tới nay chưa có hộ nào đi sang Lào cả.

Chi bộ Huồi Mới 2 cũng đã kết nạp thêm được 3 đảng viên, xóa được 2 nhà tạm cho Xồng Xò Chớ và Và Giống Lý. Khi tôi hỏi, liệu Huồi Mới 2 có còn hộ nào di cư sang Lào nữa không thì Bí thư chi bộ Và Pa Dê ngần ngại: Không đảm bảo được cái ăn cho ấm bụng bà con thì không thể giữ chân họ lại được...

Điều tâm sự của trưởng bản Huồi Mới 1 Lý Tồng Rúa và sự giãi bày của Bí thư chi bộ bản Huồi Mới 2 Và Pa Dê cứ làm chúng tôi băn khoăn. Để có cái ăn ổn định cuộc sống, bà con đồng bào Mông trên này đã vật lộn, ra sức khai hoang ruộng nước. Có ruộng nước thay thế dần ruộng rẫy bà con có phần ổn định cuộc sống, không còn nghĩ đến di dịch cư tự do. Nhưng rồi sự khó khăn về giao thông, địa hình hiểm trở, khai hoang ruộng nước không có thể mở rộng thêm được, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước còn hạn chế... thì ai dám chắc có thể níu được bước chân người Mông với thói quen du mục?


Bài, ảnh: Hữu Nghĩa

Băn khoăn - ở Huồi Mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO