Băn khoăn trước thềm năm học mới

25/08/2015 14:53

(Baonghean) - Mùa tuyển sinh lớp 10 THPT vừa khép lại với nhiều băn khoăn về chất lượng tuyển sinh ở các trường miền núi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, tảo hôn sớm, ảnh hưởng đến chất lượng lao động sau này.

Chất lượng đầu vào thấp

Điệp khúc chờ đợi học sinh dường như đã trở nên quen thuộc với cán bộ, giáo viên Trường THPT Kỳ Sơn mỗi khi mùa tuyển sinh lớp 10 bắt đầu. Năm học 2015 - 2016 này cũng vậy, mặc dù đến thời điểm này các lớp đã bắt đầu tập trung, chuẩn bị học quân sự nhưng trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu 600 học sinh/750 thí sinh đăng ký dự thi. Để vận động học sinh đến trường, nhà trường đã cử các giáo viên trực tiếp về các xã để công bố danh sách trúng tuyển, nhờ hệ thống truyền thanh của xã thông báo xuống các bản để phụ huynh, học sinh được biết và tìm đến từng gia đình để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng. Nhưng điều mà thầy Lê Đức Cát, Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn băn khoăn chính là chất lượng đầu vào. Đợt 1 năm nay, nhà trường lấy điểm chuẩn là 5,5 điểm/5 môn (Văn và Toán lấy điểm hệ số 2), vậy mà chỉ có 500 học sinh đăng ký nhập trường; đợt 2, nhà trường hạ điểm chuẩn xuống 3,5 điểm nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Chất lượng đầu vào thấp nên Trường THPT Kỳ Sơn hết sức vất vả trong việc dạy và học để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 mượn sách giáo khoa cũ ở thư viện chuẩn bị cho năm học mới.
Học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3 mượn sách giáo khoa cũ ở thư viện chuẩn bị cho năm học mới.

Bàn về chất lượng tuyển sinh lớp 10 ở các huyện miền núi, thầy giáo Võ Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 thẳng thắn: Điểm trúng tuyển trung bình hàng năm của nhà trường dao động từ 4,75 đến 5 điểm. Trong đó phổ điểm trung bình 5 môn rất thấp, chỉ từ 4 - 10 điểm. Do chất lượng đầu vào thấp nên đầu năm khảo sát chất lượng, trên 60% học sinh có kết quả yếu kém. Tình trạng này nếu kéo dài, giáo viên và nhà trường không quan tâm, học sinh sẽ có tâm lý chán nản, không muốn học và chỉ học được 1 đến 2 học kỳ là bỏ. Năm học trước, ở Trường THPT Quỳ Hợp có 30 em bỏ học; 7 em xin nghỉ giữa chừng vì lập gia đình. Nhà trường phải vận động, nhờ các xã can thiệp mới có 5 em quay lại trường.

Ở Trường THPT Quế Phong, để trúng tuyển vào trường công lập, điều kiện “cần và đủ” là không có môn bị “điểm liệt”. Dù hiện tại trường đã tuyển được hơn 80% chỉ tiêu nhưng có đến 50% là có phổ điểm 3 môn từ 0,25 - 0,5 điểm. Học kém cũng là nguyên nhân khiến học sinh sau khi vào học thường không có động lực và nhiều em thường bỏ học giữa chừng. Tính riêng năm học 2014 - 2015, Trường THPT Quế Phong có hơn 90 học sinh bỏ học.

Gian nan duy trì sỹ số

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2011 – 2012 đến nay, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 học sinh bỏ học. Trong đó tập trung nhiều nhất là các huyện miền núi và chủ yếu là học sinh bậc THCS và bậc THPT. Một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng học sinh miền núi bỏ học nhiều là do các em học kém, bị hổng kiến thức nên chán học. Bên cạnh đó, địa hình miền núi khó khăn, điều kiện đi lại vất vả nên nhiều em ngại đến trường; nhận thức của một số phụ huynh miền núi về việc học của con em còn hạn chế;… Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp quan trọng nhất vẫn chính là nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy giáo Võ Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3, cho biết: Sở dĩ năm nào vào đầu năm học, nhà trường cũng khảo sát chất lượng là nhằm nắm được thực trạng trình độ, kiến thức của học sinh trên cơ sở đó, nhà trường sẽ sắp xếp lớp để tránh tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp” và có phương pháp giảng dạy phù hợp để bù đắp “lỗ hổng” kiến thức cho các đối tượng. Nhờ cách làm này, nên dù đầu vào của nhà trường thấp nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, hơn 98% học sinh của trường đậu tốt nghiệp THPT và hơn 50 học sinh đủ điểm ngưỡng xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Ở Trường THPT Mường Quạ (Kỳ Sơn), giải pháp để duy trì sỹ số, chống học sinh bỏ học đó là tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho các phụ huynh. Hàng tháng, nhà trường cử giáo viên đến tận các nhà học sinh để cùng gia đình bàn bạc, tháo gỡ khó khăn. Nhà trường xây dựng Quỹ “Vì những học sinh ít có cơ hội”, trên cơ sở đó giáo viên sẽ trích một phần lương hàng tháng để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học phí, tặng quà, áo quần, học bổng cho các em dịp năm học mới, dịp Tết Nguyên đán…

Trao đổi về tình trạng này, thầy giáo Võ Văn Mai, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Một thực tế của các trường trung học miền núi cao là khó khăn về công tác tuyển sinh (tuyển không đủ chỉ tiêu, tuyển sinh kéo dài, chất lượng tuyển sinh thấp) và công tác duy trì sỹ số. Để khắc phục, theo tôi trước tiên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền: cần làm cho phụ huynh, học sinh nhận thức được ý nghĩa, lợi ích của việc học. Muốn vậy phải có sự tham gia của nhiều lực lượng như chính quyền các cấp, già làng, trưởng bản, các cơ quan, đoàn thể và nhà trường cần làm tốt vai trò chủ động trong tham mưu, đề xuất phối hợp. Trong công tác tuyển sinh phải xây dựng tốt kế hoạch, phải thông tin tuyển sinh kịp thời, đầy đủ, phải có những giải pháp gợi mở để phụ huynh thấy được hướng khắc phục khó khăn. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thu hút, quan tâm hỗ trợ, động viên kèm cặp giúp đỡ học sinh yếu kém và đảm bảo kịp thời các chế độ hỗ trợ của Nhà nước…

Song Hoàng

Mới nhất

x
Băn khoăn trước thềm năm học mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO