Băn khoăn về dịch vụ ở chùa Hương Tích

17/02/2012 17:13

(Baonghean.vn) - Nằm ở xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), chùa Hương Tích là một địa chỉ văn hóa tâm linh nổi tiếng được nhiều người biết đến. Người Hà Tĩnh xem chùa Hương Tích “là bàn thờ gia tiên của vùng địa linh nhân kiệt soi sáng tại gia”.

Không chỉ riêng người Hà Tĩnh mà nhiều năm nay người Nghệ An cũng xem chùa Hương Tích là một nơi thờ tự linh thiêng, là điểm thường lui tới vào những dịp lễ lạt đầu năm. Năm nay phải đến 6/1 Âm lịch mới là ngày khai hội nhưng ngay từ mồng Một Tết hàng trăm du khách về chùa mỗi ngày, từ mồng 5 trở đi, chùa Hương mỗi ngày đón hàng nghìn người về dâng lễ, viễn cảnh.



Hành khách chen chúc ở bến thuyền



Xếp hàng để đi cáp treo



Ngất xỉu vì chen lấn


Đặc biệt, khi hệ thống cáp treo đi vào hoạt động lượng khách đã tăng đột biến. Đây là công trình được xây dựng từ năm 2009 với tổng kinh phí 150 tỷ đồng, bắt đầu từ bên trái Miếu Cô lên chùa Hương Tích, chiều dài gần 1.000m, thời gian đi từ Miếu Cô lên đến chùa Hương Tích được rút ngắn xuống chỉ còn 3,59 phút so với gần 2 tiếng đi bộ trước kia, rất nhiều người đã lựa chọn đi cáp treo thay vì đi bộ dù giá của mỗi một lần lên xuống đến 100.000 đồng. Tuy nhiên vì công trình chưa hoàn thiện, khu nhà chờ còn dở dang, công tác bảo vệ hướng dẫn chưa chuyên nghiệp nên khi lượng khách quá tải đã xảy ra tình trạng chen lấn, cãi cọ, xô xát, có người đã bị choáng, ngất xỉu.

Cùng với cáp treo, một số dịch vụ khác cũng thường xuyên rơi vào quá tải. Tại bến thuyền, mặc dù có lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên túc trực và hướng dẫn nhưng vẫn không quản lý được việc chen chúc, tranh giành nhau. Thường mỗi một chuyến thuyền chỉ chở khoảng được 20 – 25 người nhưng hầu như thuyền nào cũng chở gấp đôi lượng khách theo quy định. Đối tượng đi thuyền chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em vì thế nếu để xảy ra tai nạn đường thủy thì hậu quả sẽ khôn lường.

Ngoài ra còn có dịch vụ đi xe ôm “tự phát” của người dân địa phương nhưng không có ai quản lý. Sở dĩ chỉ người bản địa mới đi vào được con đường này vì đây là dường dân sinh, chưa hoàn thiện, gồ ghề, lầy lội nên phải là người bản địa, tay lái lụa, quen địa hình mới có thể điều khiển được xe máy. Đây cũng là dịch vụ “đắt” nhất hiện nay ở chùa Hương Tích với một chuyến đi có giá 150.000 đồng.

Để không phải chen lấn, chờ đợi, mất nhiều tiền cho các dịch vụ nhiều người có sức khỏe chọn leo bộ để cảm nhận đất trời, cảnh sắc của nơi được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh thắng”, để rồi sau một chặng đường dài đi bộ lên đến chùa Hương sẽ thấy được sự linh thiêng của đất trời, sự giao thoa của núi và mây và còn nghe được tiếng sóng biển từ xa xa thao thức dội về…


Song Hoàng

Mới nhất

x
Băn khoăn về dịch vụ ở chùa Hương Tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO