Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An: Sát cánh cùng doanh nghiệp tuyển dụng lao động
Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - FDI đi vào hoạt động và cần nguồn lao động lớn. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp tuyển dụng đủ lao động, phục vụ công cuộc phát triển.
Với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - FDI đi vào hoạt động và cần nguồn lao động lớn. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp tuyển dụng đủ lao động, phục vụ công cuộc phát triển. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Tiến Trị - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An về lĩnh vực này.
Nguyên Sơn - Hữu Quân (Thực hiện) • 05/02/2025
P.V: Với nguồn lao động dồi dào của tỉnh Nghệ An và kết quả thu hút đầu tư những năm qua đã góp phần làm sôi động thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển thị trường lao động ở Nghệ An?
Đồng chí Lê Tiến Trị: Có thể nói trong những năm gần đây, Nghệ An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, nhất là việc chủ động, sẵn sàng các điều kiện để đón nhận thành công làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Với vai trò là cơ quan tham mưu phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (Ban Quản lý) đã xây dựng Đề án xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025 (Đề án 4514), với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trọng tâm, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp có mặt bằng sạch, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường để phục vụ thu hút đầu tư.
Sau hơn 4 năm thực hiện, Ban Quản lý đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ thành lập mới 5 khu công nghiệp do các nhà đầu tư chiến lược VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt làm chủ đầu tư với tổng diện tích 1.637,14 ha, đây là điều kiện quan trọng đưa Nghệ An có sự bứt phá mạnh mẽ thu hút các nhà đầu tư trong thời gian qua.
Cùng với công tác thu hút đầu tư đúng hướng, gắn với cải thiện thực chất môi trường đầu tư với phương châm “5 sẵn sàng”, cơ chế “một cửa, tại chỗ” đã đưa tỉnh Nghệ An trong 3 năm liên tiếp (2022, 2023, 2024) nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 151 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 5,87 tỷ USD, các tập đoàn công nghệ thuộc chuỗi giá trị toàn cầu đã đặt cơ sở sản xuất tại Khu kinh tế Đông Nam như Luxshare ICT, Goertek, Foxconn, Sunny, Everwin, Juteng,.. với giá trị đầu tư gần 2,7 tỷ USD.
Với sự gia tăng nhanh của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tăng nhanh giá trị sản xuất, tỷ trọng công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu, đồng thời, đặt ra bài toán nguồn nhân lực phục vụ giai đoạn hoạt động của các dự án với 45.000 lao động vào năm 2025, trước yêu cầu thực tiễn đó, Ban Quản lý đã chủ động đề xuất, phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các ngành tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025 - 2030, đây là cơ sở chính trị quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, chăm lo đời sống cho người lao động trên địa bàn, nhất là địa phương có khu công nghiệp đóng trên địa bàn để thị trường lao động trên địa bàn vận hành có hiệu quả và theo chiều hướng tích cực hơn.
P.V: Đồng chí có thể phân tích rõ hơn những chính sách, hoạt động của tỉnh Nghệ An và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được lao động và tạo yên tâm cho lao động trên địa bàn tỉnh yên tâm làm việc?
Đồng chí Lê Tiến Trị: Những năm qua, cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động phục vụ yêu cầu phát triển. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về nhu cầu cần tuyển dụng của các doanh nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành từng bước gắn kết giữa đào tạo nghề với nhu cầu cần tuyển lao động của doanh nghiệp. Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đã vào cuộc rất tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI đầu tư vào địa bàn. Từ việc hỗ trợ tìm hiểu cơ hội đầu tư đến giải quyết thủ tục sau đầu tư, phối hợp trong công tác tuyển dụng lao động, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã sát cánh hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Trong năm 2024, Ban đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các trường dạy nghề tổ chức nhiều hoạt động kết nối công tác tuyển dụng lao động, phối hợp với UBND huyện Nghi Lộc tổ chức “Ngày hội việc làm” vào tháng 9/2024, kết nối cung - cầu lao động cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tuyển dụng mới được trên 30.000 lao động.
Đầu tháng 1/2025, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã phối hợp rà soát, thống kê về nhu cầu cần tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để tham mưu cho các cấp, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người lao động Nghệ An vào làm việc trong các khu công nghiệp và có thể vận động lao động đi làm ăn xa về quê làm việc, ban hành Kế hoạch số 02/KH-KKT tổ chức ngày hội việc làm để kết nối, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn khu kinh tế, các khu công nghiệp Nghệ An năm 2025; thành lập Ban tổ chức và Tổ giúp việc gồm 27 cán bộ, viên chức để tiến hành tổ chức “Ngày hội việc làm, đợt 1, năm 2025” vào vào thứ Bảy, ngày 8/2/2025 (tức ngày 11 tháng Giêng âm lịch).
Trong năm 2025, Ban lập kế hoạch tổ chức 3 ngày hội việc làm tại 3 địa điểm để kết nối tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, gồm: Địa điểm 1 tại KCN VSIP; Địa điểm 2 tại KCN WHA, Nam Cấm; Địa điểm 3 tại KCN Hoàng Mai I, II. Việc tổ chức “Ngày hội việc làm đợt 1, năm 2025” tại KCN VSIP lần này chỉ là một trong rất nhiều hoạt động để thực hiện Chỉ thị 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thông qua đó tăng cường công tác truyền thông, vận động, xúc tiến thu hút lao động đang làm việc, học tập tại các tỉnh, thành phố trong cả nước (cả lao động người Nghệ An và lao động các tỉnh) về làm việc tại Nghệ An. Quá trình thực hiện Chỉ thị 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn gắn với công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để thông báo rộng rãi trong nhân dân biết và lao động có thể nắm bắt cơ hội tham gia tuyển dụng.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch hạ tầng xã hội đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động cũng được chú trọng thực hiện như nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện, khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng. Đến nay, có 4 dự án nhà ở xã hội cho công nhân đã được cấp phép đầu tư, 4 khu ký túc xá, nhà lưu trú trong khu công nghiệp đang đáp ứng yêu cầu chỗ ở cho trên 8.220 lao động (khu ký túc xá Luxshare ICT, Everwin), dự kiến đến hết năm 2025 sẽ đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 25.818 người.
P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về sự tác động của truyền thông, cũng như công tác định hướng việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh?
Đồng chí Lê Tiến Trị: Công tác truyền thông về cơ hội việc làm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai trên nhiều kênh, nhiều phương tiện, hình thức. Như qua các phương tiện báo, đài, qua mạng xã hội, qua các trung tâm giới thiệu việc làm, chính quyền các cấp và phát trên cả hệ thống truyền thanh cơ sở. Bản thân các doanh nghiệp cũng tăng cường truyền thông trên nhiều kênh thông tin để có thể tiếp cận, tuyển dụng đủ nguồn lao động phục vụ phát triển. Chính những hoạt động đó đã góp phần ngày càng tăng tỷ lệ lao động ở Nghệ An vào làm việc tại các nhà máy, công ty trong các KCN trên địa bàn tỉnh. Có rất nhiều lao động từng đi làm ăn xa đã trở về quê, vào làm việc trong các doanh nghiệp, nhà máy trong các KCN thuộc KKT Đông Nam Nghệ An.
Tuy vậy, thị trường lao động đang có những thách thức không nhỏ, khi doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khác cũng tăng cường tuyển dụng lao động sau những năm chống dịch Covid-19. Trong khi đó, năng suất lao động, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn; mức thu nhập vẫn còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người lao động; bên cạnh đó, hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu cho các đối tượng là chuyên gia, lao động quản lý, lao động có trình độ cao...
Thực tế đó đòi hỏi người lao động trên địa bàn tỉnh cũng cần nhìn nhận rõ hơn về các cơ hội việc làm để có thể học nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Bây giờ, các doanh nghiệp họ cũng yêu cầu rất cao ở người lao động về trình độ tay nghề, ý thức, trách nhiệm. Chính vì vậy, người lao động phải vừa vững tay nghề, vừa phải xây dựng ý thức tuân thủ quy trình lao động theo quy định pháp luật và quy ước giữa doanh nghiệp và người lao động.
Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh cũng cần phải bắt kịp xu thế, vừa nâng cao năng lực phục vụ cho đối tượng chuyên gia, lao động chất lượng cao; vừa điều chỉnh mô hình hoạt động để đáp ứng được mức thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh.
Về phía Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành và doanh nghiệp để có thể định hướng công tác đào tạo nghề sát với thực tiễn các doanh nghiệp trên địa bàn cần tuyển dụng. Qua đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chú trọng phát triển các nhóm ngành nghề phù hợp với quá trình thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu về điện tử, năng lượng xanh đã và đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào địa bàn tỉnh, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể tuyển đủ người khi đi vào hoạt động.
P.V: Theo đồng chí, về phía doanh nghiệp, cần có những giải pháp như thế nào để tuyển dụng đủ và giữ chân được lao động?
Đồng chí Lê Tiến Trị: Trong rất nhiều cuộc làm việc và tiếp xúc, chúng tôi thường trao đổi với doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh là cần phối hợp với các cấp, ngành, địa phương duy trì kênh kết nối với Sở Lao động TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và khối các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh để sẵn sàng kết nối công tác tuyển dụng lao động, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay và theo dự báo nguồn lực lao động thời gian tới cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật, theo dõi, tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động, tình hình sử dụng lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng tại các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trên địa bàn các các tỉnh lân cận, các tỉnh phía Bắc, phía Nam. Trên cơ sở đó, có sự điều chỉnh về mức lương, các chế độ, chính sách liên quan để tạo sự minh bạch, tăng tính cạnh tranh trong tuyển dụng và thu hút lao động. Bên cạnh thực hiện đúng, đủ các chế độ về tiền lương cho người lao động, các doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc hài hòa, ổn định, tiến bộ để người lao động an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh thực hiện đúng, đủ các chế độ về tiền lương cho người lao động, các doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc hài hòa, ổn định, tiến bộ để người lao động an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp trên địa bàn".
Đồng chí Lê Tiến Trị - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần chủ động với các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo nghề nhằm đẩy mạnh thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, mang tính chiến lược lâu dài; doanh nghiệp phải tham gia phù hợp vào một số các khâu trong quá trình tổ chức đào tạo của nhà trường. Cơ sở đào tạo cần thường xuyên điều chỉnh, cập nhật công nghệ mới vào chương trình đào tạo; đồng thời, doanh nghiệp cần quan tâm phối hợp đầu tư cơ sở vật chất dạy học với cơ sở đào tạo nghề.
Các doanh nghiệp cũng cần tham gia với các cấp, ngành ở Nghệ An xây dựng một hệ thống thông tin về thị trường lao động trong KKT, các KCN nhằm kết nối cung - cầu lao động để tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn tỉnh, người lao động Nghệ An đang làm việc ở các địa phương khác và ở nước ngoài nắm bắt thông tin, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, có sự lựa chọn phù hợp với bản thân. Mỗi khi người lao động thấy được những lợi ích thiết thực về việc làm, thu nhập và chế độ đãi ngộ, họ sẽ không đi ra ngoài tỉnh lập nghiệp, mà ở lại hoặc trở về làm việc trong các doanh nghiệp trên quê hương.
Bản thân các doanh nghiệp phải xem yếu tố người lao động là tài sản quý giá nhất và là trọng tâm của mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, không chỉ là người lao động trực tiếp của doanh nghiệp mà gồm cả người lao động của đối tác trong chuỗi cung ứng. Do đó, các doanh nghiệp phải luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, tiếp tục thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với lao động trong các khu công nghiệp, như vấn đề cung cấp dịch vụ nhà ở cho người lao động, tổ chức tốt hệ thống cung cấp các dịch vụ phúc lợi công cộng ở khu dân cư, nơi lao động khu công nghiệp sinh sống (điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà trông giữ trẻ, thông tin, thiết chế thể thao, giải trí....) vừa chăm lo đầy đủ cho người lao động, vừa tạo dựng một môi trường làm việc cạnh tranh và nhiều cơ hội thăng tiến để người lao động an tâm làm việc lâu dài và ổn định trên địa bàn tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!