Bàn về văn hóa đọc ở Nghệ An
(Baonghean) - Năm 2014, năm đầu tiên nước ta lấy ngày 21 tháng 4 là Ngày Sách Việt Nam. Sự kiện này mang ý nghĩa khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách của con người.
![]() |
Bạn đọc tham gia Ngày hội sách Nghệ An sáng 19/4. Ảnh: Văn Hùng |
Văn hóa đọc ở Nghệ An
Từ xưa đến nay, Nghệ An vẫn luôn nổi tiếng là đất học nơi có nhiều thầy giỏi, trò giỏi và người giỏi. Mảnh đất này xưa kia cũng đã lừng danh cả nước về nhưng gia đình, dòng họ lưu trữ được nhiều pho sách quý hiếm… Trước sự bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là sự phát triển chóng mặt của văn hóa nghe, nhìn và nhiều hình thức giải trí mang tính công nghệ… văn hóa đọc của Nghệ An cũng không tránh khỏi sự xuống cấp. Điều này được thể hiện rất rõ ở sự vắng bóng độc giả tại các thư viện, số người vào hiệu sách lớn có vẻ rất tấp nập nhưng chủ yếu để mua văn phòng phẩm hoặc quà lưu niệm. Có những đợt, các nhà sách như Nhà sách Thành Vinh, Nhà sách Gia Lai, Công ty Phát hành sách Bắc miền Trung… sách được bán hạ giá đến 70, 80% vẫn thưa thớt người quan tâm. Hệ thống thư viện trường học trên toàn tỉnh hầu như chỉ mang tính hình thức, chưa phát huy hết hiệu quả, giá trị của nó.
Câu trả lời cho thực trạng này khá nhiều, ở mỗi góc độ nó đều mang tính hợp lý. Nói về sự lép vế của văn hóa đọc so với văn hóa nghe, nhìn, nhiều người cho rằng các phương tiện như ti vi, máy tính, điện thoại, Ipad… đã góp phần làm cho nhiều người lười đọc sách. Các em nhỏ có thể say sưa chơi games suốt ngày không biết chán, biết mệt, người lớn có thể xem một bộ phim hàng mấy tiếng đồng hồ, say sưa với các trang Blog, Facebook suốt ngày vẫn không thấy chán nhưng lại không đủ kiên nhẫn để cầm một cuốn sách quá mười lăm phút?
Đó là điều đáng buồn, nhưng cũng khó trách bởi lẽ nếu không có lòng say mê thì làm sao đọc được sách. Vì từ nhỏ các em có mê đọc sách, có được giáo dục về văn hóa đọc đâu mà ham sách, ham đọc? Ngày nay, các bậc phụ huynh dành quá nhiều thời gian để nhồi nhét con cái tại các khóa học thêm, bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Khi vào hiệu sách họ chủ yếu tìm mua cho con các loại sách phục vụ việc học tập, quên đi việc định hướng cho trẻ đọc những cuốn sách hay mang tính nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách. Đó là chưa kể đến thị trường xuất bản của chúng ta hiện nay, có khá nhiều cuốn sách nội dung kém, được xào xáo, cóp nhặt, thậm chí lệch lạc về định hướng, quá nhiều sai sót về nội dung, lỗi chính tả. Rất nhiều bạn đọc cho rằng tìm được một cuốn sách ra hồn giữa mênh mông xuất bản phẩm như hiện nay quả là điều không dễ dàng!
Chấn hưng văn hóa đọc?
Nghệ An hiện nay có 2 nhà xuất bản hoạt động trên địa bàn đó là Nhà xuất bản Nghệ An với 34 năm tuổi đời và Nhà xuất bản Đại học Vinh mới thành lập từ năm 2011. Nghệ An cũng có 153 đơn vị phát hành, 17 cơ sở in được cấp quyết định in sách. Thư viện tỉnh Nghệ An với 250 nghìn bản sách, hơn 400 loại báo, tạp chí, cùng với hệ thống thư viện các huyện, trường học và các điểm bưu điện văn hóa xã. Những số liệu trên cho thấy, Nghệ An là địa phương có hoạt động xuất bản, in, phát hành và hệ thống thư viện mạnh so với các tỉnh khác.
Để góp phần chấn hưng văn hóa đọc, thiết nghĩ, các đơn vị trên cần có sự hợp tác, cùng chung tay tạo ra nhiều ấn phẩm có chất lượng, phù hợp với thị hiếu độc giả. Cần thiết phải có những bộ sách mang dấu ấn về xứ Nghệ như: Danh nhân Nghệ An, lịch sử Nghệ An, văn hóa, khoa học, đời sống của nhân dân Nghệ An… được quảng bá, giới thiệu tại các thư viện lớn, các nhà sách trong tỉnh. Đồng thời, nên tổ chức các buổi giới thiệu sách tại các tụ điểm đông người như Quảng trường Hồ Chí Minh, Quê Bác… để tạo sự thu hút của đông đảo công chúng. Ngoài các đầu sách được in ấn thông thường, các nhà xuất bản nên hướng tới các xuất bản phẩm điện tử để phục vụ các độc giả yêu thích đọc sách qua mạng, đặc biệt là các độc giả trẻ.
Chấn hưng văn hóa đọc không nên làm theo phong trào, cần có chiến lược hẳn hoi. Gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp trong việc tạo cho trẻ có thói quen đọc sách từ sớm, hướng cho trẻ có niềm say mê, hứng thú đối với sách… Những ngày hội đọc sách ở trường học là việc làm cần thiết và bổ ích. Thư viện sách của nhà trường nên được đầu tư mang tính thiết thực tránh tình trạng hình thức, phong trào.
Nếu như việc xây dựng các tủ sách nho nhỏ trong mỗi gia đình, làng xóm, các khối phố dân cư cũng được thành lập thì việc đọc sách sẽ trở thành hoạt động thường nhật. Trong nhà, ông bà, cha mẹ ham đọc sách trẻ con sẽ bắt chước. lên trường, thầy cô thường xuyên đọc sách, các em sẽ noi theo… Mỗi gia đình, trường học nên có những buổi trao đổi quanh mỗi cuốn sách, chắc chắn sẽ tạo cho nhau niềm say mê, hứng thú đối với sách.
Năm nay là năm đầu tiên cả nước hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21/4), rất nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra trên khắp hầu hết các tỉnh, thành. Ở Nghệ An, từ ngày 19/4 đến 21/4 tại Nhà xuất bản Nghệ An, số 39, đường Lê Hồng Phong, TP Vinh sẽ diễn ra Hội sách – Trưng bày – Giới thiệu với sự phối hợp của một số đơn vị xuất bản, in, phát hành, thư viện. Hy vọng những việc làm ý nghĩa này sẽ diễn ra thường xuyên nhằm khẳng định giá trị của sách, tôn vinh người đọc, người sưu tầm, sáng tác, những người làm công tác xuất bản, in, phát hành.
Bùi Ngọc
(Nhà xuất bản Nghệ An)