Bánh cà bên ấm chè xanh
(Baonghean) - Hồi còn đi học, cữ độ 26, 27 tháng Chạp các trường học đã cho học sinh nghỉ Tết. Chị em chúng tôi...
(Baonghean) - Hồi còn đi học, cữ độ 26, 27 tháng Chạp các trường học đã cho học sinh nghỉ Tết. Chị em chúng tôi được bố mẹ đưa về quê để cùng ông bà ngoại chuẩn bị sắm sanh đón Tết. Nào là trang hoàng nhà cửa, đi chợ, rồi về gói bánh chưng bánh tày, nấu thịt... bộn bề việc bếp núc. Ngày Tết, thứ gì cũng có, nhưng với tôi, ấn tượng nhất là đĩa bánh cà bên ấm chè xanh đãi khách của bà.
Quê tôi gọi là bánh cà, vì bánh có hình tròn và kích cỡ bằng quả cà pháo quê nhà. Còn một số nơi thì gọi là bánh nhãn vì nó cũng có hình dạng như quả nhãn. Năm nào trên bàn khách trong mấy ngày Tết, bà tôi cũng đặt một đĩa bánh cà bên ấm nước chè xanh thơm ngon. Bà bảo loại bánh này, người già người trẻ đều ăn được. Bánh được làm từ bột nếp, trứng gà, nước gừng tươi, đường trắng và dầu ăn rất bổ dưỡng. Trong cái lạnh của những ngày cuối Đông, đầu Xuân, ăn vài cái bánh giòn tan, thơm ngon, béo ngậy rồi uống ngụm nước chè xanh chan chát nóng ấm làm tan dần vị ngọt nơi đầu lưỡi, thấy lòng thật ấm.
Nước chè của bà tôi trong xanh dịu, thơm mát, khi uống hơi ngai ngái chan chát. Bà bảo khi om chè phải chọn thứ chè xanh tươi, không chọn lá già vì khi đun nước sẽ không thơm, nếu lá quá non thì nước chè sẽ nhạt. Còn bánh cà bà tôi làm có vị khác biệt bởi thêm vị thơm cay của gừng. Làm bánh cà quả không đơn giản như tôi nghĩ. Để khi rán bánh không bị nứt và cháy mà phồng tròn đều, thì bột nếp phải được xay mịn. Công đoạn nhào bột là cả một nghệ thuật. Bà tôi không nhào bột với nước lã mà đánh nhuyễn trứng rồi cho bột vào nhào tạo thành hỗn hợp dẻo mịn rồi vắt thành từng viên nhỏ tròn xinh xắn như viên bi, phải kỳ công như thế thì vỏ bánh khi rán lên mới đẹp và đều mười cái như một. Bánh cà bà tôi làm cái nào cũng tròn vo đều tăm tắp, còn tôi vo cái thì to cái thì nhỏ. Bà bảo không được làm ẩu, làm vội, khách sẽ đánh giá con gái vụng về. Để bánh chín thấu ruột bên trong và vàng vỏ bên ngoài thì đợi khi chảo dầu sôi mới đổ bánh vào, mỡ phải ngập bánh, lửa đun đều. Khi các viên bột chín đều thì vớt ra để nguội rồi mới ngào đường. Trước khi ngào đường, bà tôi đâm gừng tươi chắt lấy ít nước để khi đun đường tan chảy bà cho nước gừng vào đánh đều, đến khi mật đường chảy sợi thì cho bánh vào đảo đều nhanh tay. Khi lớp đường bọc đều bên ngoài vỏ bánh tạo nên độ bóng cho lớp vỏ vàng ươm thì đổ ra rổ, để nguội là ăn được.
Món bánh cà của bà cũng rất ấn tượng với lũ trẻ con trong xóm quê tôi. Mỗi lần bà làm bánh là chúng kéo đến chờ những mẻ bánh đầu tiên được bà cho nếm thử, đứa nào đứa nấy xuýt xoa khen ngon, lúc đó bà móm mém cười trông bà thật hiền hậu và hạnh phúc làm sao. Còn bà con chòm xóm trong câu chuyện hoàn huyên ngày Tết, vừa uống nước chè xanh vừa thưởng thức bánh cà của bà, ai cũng gật gù khen bà thật khéo tay...
Bài, ảnh: Lê Hoa