Bánh kẹo tết: Ruột Trung Quốc, vỏ Việt
Càng về cuối năm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ lại có dịp tuồn về TPHCM. Kinh hoàng mứt bẩn Sáng 9-1, cùng đi với Đội quản lý thị trường 2B thuộc Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, PV Báo SGGP chứng kiến cảnh chế biến trên 4 tấn mứt hạt sen trong môi trường vô cùng mất vệ sinh, tại cơ sở sản xuất Mứt Liên, số 621 Phạm Văn Chí, quận 6. Hàng chục thùng chứa hạt sen nổi bọt trắng xóa và bốc mùi hôi thối kinh khủng. Phần lớn nguyên liệu dùng để làm mứt tại đây đều được đựng trong bao bì chứa hóa chất và thức ăn gia súc. Hàng chục chiếc nia đựng mứt sen thành phẩm không hề được che đậy. Không chỉ làm mứt trong môi trường mất vệ sinh, cơ quan chức năng còn phát hiện tại đây có 3 thùng hóa chất công nghiệp được chủ cơ sở dùng để chế biến mứt sen. Cũng tại cơ sở này, cơ quan chức năng còn phát hiện và tịch thu trên 4 tấn mứt trái cây Trung Quốc “3 không” (không xuất xứ, không nhãn mác và không thời hạn sử dụng). QLTT kiểm tra mứt trái cây không có hóa đơn chứng từ tại địa chỉ 621 Phạm Văn Chí, quận 6. Ảnh: KIM NGÂN
Nỗi lo về mứt bẩn và mứt kém chất lượng càng lớn, khi cuối tháng 12-2011, Chi cục QLTT TPHCM phát hiện và tịch thu hàng trăm ký mứt kiwi, nho khô, táo đỏ, trần bì được đựng trong bao bì ghi toàn tiếng Trung Quốc. Tại kho hàng chứa đống mứt vừa bị tịch thu, phóng viên cùng đoàn kiểm tra đều không chịu nổi vì mùi hóa chất xộc vào mũi đến mức buồn nôn và nhức đầu.
Không chỉ có bánh kẹo, trong tuần qua các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ cũng xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Theo ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, chỉ trong 3 tuần, đơn vị này đã tịch thu hàng trăm chai rượu XO, Chivas, Rémy Martin, Vodka… không có hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ.
Công nghệ lên đời hàng Trung Quốc
Theo ghi nhận của chúng tôi, một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay do hám lợi nên nhập hàng Trung Quốc về rồi tái chế sơ, thay đổi mẫu mã, thậm chí dán nhãn tiếng Việt để tung ra thị trường. Đơn cử là tại chợ Bình Tây, nhiều thùng hàng bánh kẹo lớn ghi toàn chữ Trung Quốc nhưng khi bày ra trưng bày thì phần lớn đều được tiểu thương giới thiệu với khách hàng là hàng do các cơ sở trong nước sản xuất. Lý giải về việc “nâng tầm chất lượng” cho bánh mứt tết này, một chủ cơ sở chế biến ở quận 6 phân trần: “Đây chỉ là mặt hàng thời vụ, đầu tư và xây dựng dây chuyền sản xuất làm chi…”.
Theo một cán bộ của Chi cục QLTT TPHCM trên đường Lũy Bán Bích, hàng năm thời điểm này kho hàng của đội thường chật kín thì năm nay chỉ bằng 1/2. Nguyên nhân không phải là do hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc năm nay ít hơn mà do các đối tượng sản xuất, kinh doanh những mặt hàng này ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để qua mặt cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Không những thế, các loại bánh kẹo giả, nhái, kém chất lượng cũng độc hại hơn nhiều vì phần lớn đều được dùng hóa chất công nghiệp để chế biến. Công tác thanh kiểm tra vất vả hơn, nhiều vụ phải mất 1 - 2 tuần để theo dõi. Vì thế, theo ông Đặng Văn Đức, người dân nên cẩn trọng với các loại bánh kẹo nhập khẩu vì lượng hàng này gần đây bị phát hiện không có hóa đơn chứng từ và ngày càng nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo SGGP