(Baonghean.vn) - Mỗi mùa Trung thu, thị trường Việt Nam tiêu thụ hàng nghìn tấn bánh trị giá cả nghìn tỉ đồng nhưng không ít trong số đó tập trung ở khu vực thành phố. Với trẻ em nông thôn, bánh trung thu vẫn là niềm ao ước.
Năm nào cũng vậy, cứ tới dịp tết Trung thu, chị Hoa ở Xuân Thành – Yên Thành không quên mua cho 3 đứa con của mình những món quà. Tuy nhiên, quà ở đây chỉ là quả thị, chiếc kẹo mút xanh xanh đỏ đỏ hay có khi là gói bim bim. Bởi theo như chị tâm sự, ngày 2 buổi đầu tắt mặt tối bán thịt lợn ngoài chợ cùng lắm kiếm được trăm bạc nhưng đủ khoản lo. Nào thức ăn, mua sắm đầu năm cho con, rồi chi tiêu cho cuộc sống, nói chung là đủ thứ bà rằn... Chiếc bánh trung thu đối với mấy đứa trẻ nhà chị Hoa là thứ xa xỉ, chúng mới chỉ được nhìn thấy trên ti vi.
Không riêng gì nhà chị Hoa, nhiều hộ nông dân ở vùng nông thôn cuộc sống còn khó khăn, thế nên, bánh trái đối với con trẻ là niềm mơ ước. Bánh trung thu Kinh Đô, Bibica hay Hữu Nghị cũng có nhưng ở vùng thị trấn, còn đâu đối với chợ quê thì vì cầu không có nên cùng lắm chỉ có mấy loại bánh của các cơ sở tư nhân không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém phẩm cấp.
Thiếu thốn là vậy nhưng trẻ con ở quê không thiếu trò trong những dịp trung thu. Không khí náo nức, chộn rộn của trẻ nhỏ cách đó cả mấy ngày. Dù bận bịu, không có nhiều điều kiện nhưng bao giờ tới ngày đó, các tổ chức đoàn thể kiểu gì cũng thông báo trên loa phát thanh xóm về chương trình vui tết trung thu cho các cháu. Trong ánh trăng rằm sáng vằng vặc, tại nhà văn hóa xóm, sau khi ăn cơm tối thật sớm, các cháu tề tựu đông đủ, nào là duyệt nghi thức đội, rước đèn, biểu diễn văn nghệ, và cuối cùng là vui phá cỗ.
Ông Khoa- Xóm trưởng xóm Tân Xuân (Xuân Thành - Yên Thành) cho biết; không thể so được với thành phố nhưng vùng nông thôn giờ cũng dành nhiều sự quan tâm tới trẻ em. Ngày tết trung thu, ban cán sự xóm cũng với đoàn thanh niên đều bàn bạc chương trình, đảm bảo cho các cháu một cái tết ý nghĩa, tươi vui. Nhiều hộ có điều kiện cũ ng góp thêm vào để lo cho các cháu. Tuy nhiên, nói về bánh trung thu, ông nói không nhiều trẻ được bố mẹ mua cho vì giá quá cao so với mức sống của bà con. Xóm thì cũng không lo nổi vì kinh phí có hạn. “Trẻ con nông thôn trăng thì thừa nhưng thiếu bánh. Cuộc sống chật vật, ngày đủ 3 bữa cơm với nhiều gia đình còn khó nói chi tới bánh trung thu với giá vài cân gạo/chiếc.” – Ông Khoa nói.
![]() |
Bánh Trăng vàng bạch kim (hãng Kinh Đô) có giá 1,2 triệu đồng/hộp
Hiện trên địa bàn thành phố Vinh, nhiều quầy hàng lưu động bày bán bánh trung thu, nhiều nhất là dọc đường Quang Trung, đường Lê Mao (phía đối diện Công viên trung tâm)... Các cửa hàng cửa hiệu được dựng lên với màu sắc hình ảnh bắt mắt. Thoa – nhân viên bán hàng hãng bánh Kinh Đô trên đường Quang Trung cho biết, chúng em chỉ việc đứng bán và hưởng hoa hồng còn sản phẩm, quầy kệ do phía nhà phân phối thực hiện. Bọn em bán được 2 tuần rồi, doanh số hàng ngày đạt khoảng 3-4 triệu đồng, thứ 7 và chủ nhật khách mua nhiều hơn, doanh số có khi là 7 triệu đồng/ngày. Riêng Kinh Đô có uy tín trên thị trường với khoảng gần trăm mã bánh nướng, bánh dẻo; nhiều loại bánh có giá cả triệu đồng, chủ yếu là khách mua đi biếu thôi chị à.
Cầm hộp bánh Trăng vàng bạch kim, Thoa cho biết hộp này có giá 1,2 triệu đồng/hộp... Hỏi có giảm giá không thì cô nói chị mua vài triều tiền hàng thì mới được giảm còn không là nguyên giá.
Ở thành phố là vậy, còn với vùng nông thôn, về Yên Thành ngày chủ nhật vừa rồi, dọc Tỉnh lộ 538 đoạn qua thị trấn dài vài cây số nhưng không có cửa hàng nào chuyên bán bánh trung thu, một vài cửa hàng tạp hóa cũng bày bán nhưng chủ yếu là hàng “bình dân” của Hữu Nghị, Kinh Đô nhưng cũng đã 40-70.000 đồng/chiếc. Bà Liễu - chủ cửa hàng ở Chợ Gám (Xuân Thành) cho hay, bánh trung thu bán rất chậm, để ít hôm nữa nhập bánh gia công giá rẻ thì mới có khách mua.
Quả thực với giá đó, với phân khúc sản xuất như vậy, các nhà sản xuẫt vẫn nhằm vào đối tượng thượng lưu, có thu nhập khá, bỏ ngõ thị trường nông thôn. Đến bao giờ, trẻ em vùng nông thôn (đang chiếm tỷ lệ không nhỏ), bánh trung thu không còn là niềm mơ ước?