Bảo đảm an toàn hồ đập mùa mưa bão
Mùa mưa bão đang đến, vấn đề đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh đang thực sự trở thành mối lo ngại khi hầu hết đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, một số hồ có nguy cơ vỡ rất cao khi mưa lũ về. Trong khi đó, nguồn vốn để nâng cấp, tu sửa trong những năm vừa qua hết sức khó khăn; công tác quản lý, vận hành tại các địa phương còn rất nhiều hạn chế.
(Baonghean) - Mùa mưa bão đang đến, vấn đề đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh đang thực sự trở thành mối lo ngại khi hầu hết đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, một số hồ có nguy cơ vỡ rất cao khi mưa lũ về. Trong khi đó, nguồn vốn để nâng cấp, tu sửa trong những năm vừa qua hết sức khó khăn; công tác quản lý, vận hành tại các địa phương còn rất nhiều hạn chế.
Với hệ thống 625 hồ đập, tổng dung tích hơn 387 triệu m3, tỉnh ta là một trong những địa phương có số lượng hồ đập nhiều nhất cả nước. Trong số đó, có khoảng 100 hồ đập do các công ty thủy lợi quản lý, số còn lại được giao về cho các địa phương quản lý. Các hồ nước này, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho 39.000 ha đất sản xuất, phục vụ dân sinh, còn đóng vai trò điều tiết lũ bảo vệ vùng hạ du. Tuy nhiên, do được xây dựng khá lâu, cộng với thiếu kinh phí để nâng cấp, sửa chữa nên nhiều hồ đập đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn hiện có hơn 100 hồ đập lớn nhỏ, trong đó đa phần do địa phương quản lý. Những hồ đập này được xây dựng từ những năm 70 - 80 đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Ông Lê Công Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hệ thống hồ đập do địa phương quản lý hầu hết có dung tích nhỏ, dưới 2 triệu m3, đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc điểm của các hồ đập này là được đắp bằng thủ công nên chất lượng công trình không được đảm bảo. Do trải qua một thời gian quá lâu không được sửa chữa nên đang xuống cấp nghiêm trọng.
Đập Cây Đa (xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn) bị xuống cấp nghiêm trọng.
Xuống cấp nghiêm trọng nhất trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có thể kể đến đập Cây Đa (Nghĩa Trung). Với dung tích khoảng 1 triệu m3, đập Cây Đa có nhiệm vụ tưới cho khoảng 300 ha đất sản xuất của người dân trên địa bàn xã Nghĩa Trung và điều tiết nước từ thượng lưu đổ về khi mùa mưa lũ đến. Nhưng hiện nay, thân đập đang bị xuống cấp, hệ thống bờ kè chân đập đã bị sạt lở.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đập được xây dựng từ năm 1972 nên đến nay lòng hồ bị bồi lắng, mái thượng lưu bị sạt lở nhiều. Bên cạnh đó, thân đập có rất nhiều tổ mối, mỗi khi nước dâng cao là thấy rõ, nước chảy qua các tổ mối này rất nhiều. Mặt thân đập ngày trước rộng khoảng 7 mét, 2 chiếc ô tô có thể cùng đi nhưng giờ chỉ còn khoảng hơn 3 mét. Vì vậy, độ an toàn của đập trong mùa mưa lũ là không cao và nếu vỡ đập thì hơn 400 hộ dân của 5 xóm sống dưới vùng hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng lớn”.
Trên địa bàn huyện Yên Thành, hiện đang có khoảng trên 200 hồ đập, chủ yếu là do địa phương quản lý. Do cũng xây dựng từ lâu nên hiện trạng chung của hệ thống hồ đập trên địa bàn huyện là xuống cấp, sạt lở thượng lưu nghiêm trọng.
Tại đập Nhà Trò (Tân Thành), đá lát chân đập đã bị bong tróc, không còn liên kết, mặt đập theo thiết kế là 4 mét nhưng hiện nay chỉ còn 1 mét. Thân đập có rất nhiều tổ mối, chỗ rò, khi nước lũ đổ về thì nguy cơ vỡ đập là rất cao. Thực tế, trên địa bàn huyện, những năm qua đã có nhiều đập bị vỡ. Riêng trong đợt mưa lũ năm 2012 vừa qua, Yên Thành có trên 12 hồ đập bị xói lở, sạt lở, vỡ thân đập. Đặc biệt, đê Vũ Giang vỡ vào đêm 6/9/2012 đã làm cô lập nhiều xóm ở 2 xã Khánh Thành và Long Thành, gây thiệt hại hàng trăm ha lúa, hoa màu và nhiều tài sản của người dân.
Tình trạng hồ đập xuống cấp cũng đang là một mối lo ngại cho chính quyền và người dân ở nhiều địa phương khác. Theo tổng hợp của Chi cục Thủy lợi, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 500 hồ đập đang ở mức cần phải được nâng cấp, sửa chữa ngay. Đa phần trong số này do địa phương quản lý và có dung tích dưới 2 triệu m3.
Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, một số hồ đập trên địa bàn tỉnh đã được nâng cấp, tu sửa nhiều hạng mục quan trọng. Tính từ năm 2005 trở lại đây, hơn 140 hồ đập đã được cấp kinh phí để sửa chữa, nâng cấp. Những hồ đập có độ an toàn thấp, nguy cơ vỡ cao được ưu tiên để sửa chữa.
Vì thế, những hồ có dung tích lớn trên 5 triệu m3 thì đến nay cơ bản đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đối với các hồ nhỏ, có dung tích dưới 2 triệu m3 thì đang ở tình trạng mất an toàn cao. Ông Phạm Hữu Văn - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi cho biết: Nhu cầu cần được nâng cấp, sửa chữa hệ hống hồ đập trên địa bàn tỉnh ta là đang rất lớn.
Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên chỉ mới tập trung tại các công trình ách yếu. Vừa qua, tỉnh đã có Quyết định số 2291 ngày 7/6/2013 về việc cấp 8,4 tỷ đồng cho các huyện để tu sửa 29 hạng mục của các công trình ách yếu, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Hiện nay, các nhà thầu đang tập trung thi công, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/8/2013.
Mùa mưa bão đang đến, công tác đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh đang được các ngành, địa phương quan tâm. Hiện nay, các công ty thủy lợi và địa phương đã xây dựng được phương án PCLB, trong đó đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập trong mùa mưa lũ. Đối với các hồ đập do các công ty thủy lợi quản lý, thường xuyên cử cán bộ túc trực, theo dõi 24/24 để có phương án xử lý khi có vấn đề xảy ra. Còn đối với các hồ đập do địa phương quản lý, các địa phương đã xây dựng được phương án “4 tại chỗ”, trong đó công tác di dời những hộ dân sống dưới vùng hạ lưu được quan tâm đặc biệt.
Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành các hồ đập hiện nay vẫn còn tồn tại hạn chế, nhất là đối với các địa phương quản lý. Hiện nay, những cán bộ được cắt cử theo dõi các hồ đập chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với mưa lũ. Do đó, khi xảy ra sự cố, các địa phương còn lúng túng trong công tác ứng cứu. Công tác chuẩn bị phương tiện, vật tư để phòng chống lụt bão còn chưa đầy đủ, kịp thời nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cho những cán bộ quản lý, vận hành hồ chứa tại các địa phương cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, các địa phương cần tiến hành chặt tỉa cây, xác định được các tổ mối, chỗ rò rỉ để xử lý kịp thời. Phương án tích nước, xả nước cần được xây dựng một cách cụ thể, khoa học, đúng quy trình nhằm đảm bảo an toàn đến mức cao nhất cho các hồ đập trong mùa mưa lũ.
Phạm Bằng