Bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân

07/04/2015 14:42

(Baonghean) - Việc sửa đổi Bộ Luật dân sự năm 2005 là hết sức cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Theo kế hoạch, thời gian tới, các cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của người dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Phát huy quyền làm chủ

Bộ luật Dân sự năm 2005 là văn bản pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn các quan hệ xã hội trong giao lưu dân sự. Bộ luật này cũng là nền tảng pháp lý cho hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, các quan hệ dân sự đã có những thay đổi đáng kể và nhanh chóng, nên Bộ luật Dân sự năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự là điều cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước. Ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh cho rằng, Bộ Luật dân sự có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội và trong nhân dân. Vì vậy, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự được thể hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Thượng tá Hồ Bá Võ, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra (Công an Nghệ An)  góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Thượng tá Hồ Bá Võ, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra (Công an Nghệ An) góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo Bộ luật Dân sự là thể chế hóa và tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành để bảo đảm Bộ luật Dân sự thực sự phát huy được vai trò cơ bản: Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự.

Triển khai Nghị quyết số 857 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 550 về việc lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ngay sau đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai lấy ý kiến nhân dân với nhiều hình thức như góp ý bằng văn bản, thư điện tử; lấy ý kiến bằng hình thức tổ chức hội nghị, phát tờ rơi... Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ các cấp tùy vào điều kiện thực tế của địa phương để lựa chọn hình thức góp ý và tuyên truyền rộng rãi để nhân dân được biết và phát huy quyền làm chủ của mình.

Đảm bảo quyền con người, quyền công dân

Một trong các vấn đề được nhiều người tập trung góp ý kiến là “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trọng Điệp, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, hiện tại chưa đủ các điều kiện cần thiết để đưa điều này vào Bộ luật Dân sự vì hiện tại thực hiện xét xử các tranh chấp dân sự mặc dù đã được pháp luật quy định rõ ràng cụ thể trong các tranh chấp cụ thể nhưng Tòa án vẫn xét xử sai. Như vậy là có các quy định cụ thể nhưng khi xét xử có nhận thức, vận dụng pháp luật lại khác nhau nên dẫn tới mỗi nơi giải quyết một cách.

Tuy nhiên Thượng tá Hồ Bá Võ, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra (Công an tỉnh) lại cho rằng, trong thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp người dân bị tòa án từ chối thụ lý vụ việc với lý do các vấn đề chưa được đưa vào điều luật. Trong tình huống này thì các đương sự sẽ không biết kêu vào đâu để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp này, Tòa án không được từ chối thụ lý giải quyết vụ, việc mà phải áp dụng “Quy định tương tự của pháp luật”, “áp dụng tập quán pháp” để giải quyết. Vì trong một số trường hợp cụ thể, tập quán pháp là một nguồn của Luật Dân sự.

Bên cạnh đó, vấn đề lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, theo quy định tại Điều 491, Bộ luật Dân sự thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Trường hợp các bên thỏa thuận thì lãi suất không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác. Về vấn đề này, ông Nguyễn Giang Nam, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật (Ủy ban MTTQ tỉnh) cho rằng không hợp lý và cần quy định mức lãi vay cụ thể đối với từng loại vay nhằm đảm bảo mức lãi suất vay của các chủ thể dân sự phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và tránh được việc cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Trọng Điệp, thì việc quy định mức trần lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định là hợp lý, nhằm ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi và tạo ra sự thống nhất về xác định lãi suất. “Không nhất thiết phải quy định một mức trần lãi suất trong Bộ luật Dân sự vì nó không phù hợp với sự phát triển năng động của nền kinh tế đang phát triển của nước ta”, luật sư Điệp cho biết thêm.

Một vấn đề cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp là về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Dự thảo Bộ luật Dân sự chỉ quy định 2 đối tượng chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự đó là pháp nhân và cá nhân, loại trừ 2 đối tượng là hộ gia đình và tổ hợp tác. Theo bà Hoàng Thị Hường, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH thì dự thảo quy định vấn đề này là phù hợp, vì các thành viên của hộ gia đình thay đổi nên việc xác định quyền và nghĩa vụ khi có tranh chấp gặp khó khăn.

Hơn nữa, hiện nay có gần 80% tổ hợp tác không đăng ký chứng thực và các quy định hiện hành gây khó khăn trong việc xác định tư cách pháp lý của tổ hợp tác, phân định trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác và trách nhiệm dân sự của từng thành viên tổ hợp tác. Về vấn đền này, một số người lại cho rằng, hộ gia đình và tổ hợp tác là những chủ thể thực sự hiện nay, tham gia rất nhiều vào các quan hệ pháp luật. Không thể vì sự thay đổi của các thành viên trong gia đình mà không quy định dẫn đến việc họ không thể tham gia các quan hệ pháp luật dân sự. Điều này rõ ràng đã tự làm khó Nhà nước, trước hết là Tòa án khi giải quyết các quan hệ pháp luật dân sự mà có các thành viên này tham gia.

Cùng với nhiều nội dung liên quan đến quyền nhân dân, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, hình thức sỡ hữu, về thời điểm xác lập quyền sở hữu... là những vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục tổ chức tiếp nhận ý kiến góp ý của người dân để tổng hợp trình Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới.

Nguyên Hưng

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật lần này giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.

Mới nhất

x
Bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO