Báo động ô nhiễm 'bức tử' di tích kênh Nhà Lê

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Những năm gần đây, kênh Nhà Lê thường xuyên xuất hiện tình trạng đen kịt, bốc mùi hôi thối. Chính quyền địa phương đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, chỉ có thể đặt ra nghi vấn do các tài xế xe bồn chở chất thải lén lút xả xuống kênh và nước rò rỉ từ bãi rác gần đó.

Lòng kênh đổi màu

Ngày cuối tháng 10, giữa cơn mưa lớn, dòng nước kênh Nhà Lê đoạn qua xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) lại bắt đầu đổi màu. Dòng nước đen kịt từ một con mương đổ xuống, hòa với nước của dòng kênh khiến chẳng bao lâu, cả đoạn kênh dài biến thành màu đen, bốc lên mùi hôi nồng nặc. Đây là tình trạng xuất hiện thường xuyên trong những năm gần đây, đặc biệt là vào những ngày mưa.

Khu vực ô nhiễm kéo dài vài km, đặc biệt là xung quanh tượng đài kênh Nhà Lê, nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 1A. Xung quanh đây, có khá nhiều hộ dân sinh sống, vì thế tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.

“Trước đây, trẻ con vẫn thường xuống kênh để tắm vào mùa Hè. Những năm gần đây thì nước thường xuyên có màu đen, không ai dám tới gần nữa. Mỗi lần nước đổi màu, những hộ dân sống dọc kênh rất khổ vì mùi hôi thối”, anh Hoàng Văn Bắc (37 tuổi) nói.

BNA_C1.jpg
Mương nước chảy từ khu xử lý rác thải ra bên ngoài, sau khi người dân phản ánh đã được chặn lại, nước vì thế đã trong hơn. Ảnh: Tiến Hùng

Kênh Nhà Lê đoạn qua huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc, được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2016. Đây là một hệ thống giao thông đường thủy quan trọng nối các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, con kênh này trở thành tuyến đường vận tải thủy hữu hiệu đưa hàng hóa, vũ khí... qua trọng điểm đánh phá miền Trung, được coi như tuyến “đường mòn Hồ Chí Minh trên sông” về đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Suốt gần 10 năm hoạt động bám tuyến, bám kênh, với 1.350 cán bộ, công nhân viên, lao động, thanh niên xung phong, dân công... tham gia chiến đấu trên mặt trận rà phá bom mìn, nạo vét tuyến luồng, chống phong tỏa, chỉ tính riêng địa bàn Nghệ An có 130 người đã anh dũng hy sinh.

Để tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ ngành đường thủy đã anh dũng hy sinh và một con kênh huyền thoại đã đi vào lịch sử, năm 1996, ngành Giao thông vận tải Nghệ An chọn địa điểm núi Thần Vũ, gần nơi an táng 130 liệt sĩ trên địa bàn xã Nghi Yên làm nơi dựng Đài tưởng niệm kênh Nhà Lê. Dù là đoạn kênh có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất, nhưng những năm gần đây, dòng kênh ở khu vực này gần như đã bị ô nhiễm nặng.

Ông Trần Công Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Yên cho biết, dòng kênh này không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà còn là nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 400 ha đất canh tác trên địa bàn xã. “Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Mỗi lần như thế, chúng tôi đều tổ chức kiểm tra, tìm nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguồn ô nhiễm. Chỉ có thể đặt ra các nghi vấn”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, lần ô nhiễm nghiêm trọng và kéo dài nhất xảy ra vào trung tuần tháng 4/2021. Ngay sau khi phát hiện dòng kênh chuyển qua màu đen, bốc mùi hôi thối, chính quyền địa phương xã Nghi Yên và huyện Nghi Lộc đã lập đoàn để điều tra nguyên nhân.

“Trên đoạn kênh này thời điểm đó có một cửa hàng kinh doanh xăng dầu, có hộ dân chăn nuôi lợn số lượng lớn rồi các cửa hàng ăn uống. Nhưng đi kiểm tra thì không phát hiện hiện tượng xả thải. Chúng tôi cũng đặt nghi vấn nguồn thải bức tử dòng kênh xuất phát từ Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên cách đó không xa, nhưng thời điểm kiểm tra thì đường ống xả thải của khu này không thực hiện xả thải”, ông Hòa nói.

bna_c3.jpg
Người dân cho biết, nhiều lần chứng kiến xe bồn chở chất thải dừng trên cầu vượt rồi lén lút nối vòi xả xuống kênh gây ô nhiễm. Ảnh: Tiến Hùng

Ngoài ra, cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Yên, có nhiều thời điểm dòng kênh bị ô nhiễm, xuất phát từ việc xe bồn lén lút xả thải. “Có những đợt, khi chúng tôi đi điều tra thì người dân cho biết, buổi tối trước khi dòng kênh bị ô nhiễm thì có tình trạng một số tài xế xe bồn chở chất thải dừng ngay trên cầu vượt, lợi dụng đêm tối ít người qua lại nên nối vòi, xả chất thải xuống dòng kênh. Có lần thì người dân phát hiện xe chở “bã bia” lén lút xả xuống. Tuy nhiên, do chính quyền không trực tiếp phát hiện được nên không thể xử lý”, ông Trần Công Hòa nói thêm.

Sớm xử lý dứt điểm nguồn nước thải rò rỉ từ bãi rác

Trong đợt ô nhiễm vào cuối tháng 10 vừa qua, lần theo nguồn nước đen, người dân phát hiện dòng nước này chảy ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Nhiều người dân bức xúc vì cho rằng, khu xử lý rác thải lợi dụng trời mưa, lén lút xả nước thải chưa qua xử lý khiến dòng kênh bị “bức tử”.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên thừa nhận, dòng nước có màu đen xuất phát từ bên trong khu xử lý. “Sau khi người dân phản ánh, chúng tôi cũng đã làm việc với họ. Tuy nhiên, nguồn nước đó không phải do chúng tôi. Mà là từ khu vực lò đốt của Công ty cổ phần Galax”, vị này nói và cho hay, những lò đốt rác do gây ô nhiễm môi trường, nên từ 3 năm trước đã bị UBND tỉnh yêu cầu dừng hoạt động, nhưng vẫn còn sót lại lượng lớn mùn. Mỗi lần mưa lớn, nước từ khu vực này chảy tràn ra, thông qua một con mương trong khu xử lý chất thải rắn đổ ra kênh Nhà Lê. Ngay sau khi nhận được phản ánh, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên đã cho người đắp đất, ngăn dòng nước thải tràn ra bên ngoài.

bna_c4.jpg
Một đoạn kênh Nhà Lê cạnh vị trí tượng đài bị ô nhiễm. Ảnh: Tiến Hùng

Theo người dân, thì đó không phải lần đầu, bà con phát hiện dòng nước đen chảy ra từ khu xử lý rác thải này. Lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc cũng cho biết, hoạt động của Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân xã Nghi Yên và vùng lân cận.

Do đó, nhiều hộ dân bức xúc, phản ánh nhiều ý kiến đến các cơ quan có thẩm quyền. Trong các cuộc họp, người dân trên địa bàn cũng thường xuyên phản ánh vấn đề này. Mới đây nhất, trong cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội diễn ra ở xã Nghi Yên, người dân một lần nữa phản ánh tình trạng ô nhiễm xuất phát từ khu xử lý chất thải này.

Ông Phạm Văn Toàn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, khu xử lý rác này chủ yếu bằng chôn lấp, sinh ra nước rỉ, mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong tổng 8 ô chôn lấp, hiện nay có 5 ô đã đầy. Vì vậy, thời gian tới phải tìm được nhà đầu tư, xử lý khắc phục tình trạng này, không để tình trạng xử lý rác bằng chôn lấp diễn ra lâu dài.

Còn ông Vũ Văn Phượng - Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị thành phố Vinh (đơn vị vận hành bãi rác ở xã Nghi Yên) cho biết, Khu xử lý rác thải Nghi Yên đến nay đã vận hành hơn 10 năm, thời gian qua đã có các biện pháp nhằm cải thiện, xử lý ô nhiễm môi trường như phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng, tuy nhiên, vấn đề này không thể giải quyết một cách triệt để. Hiện tại, về phía Công ty sẽ cố gắng hơn nữa, tận dụng mọi khả năng để giảm thiểu ô nhiễm cho người dân; thời gian tới không thể duy trì chôn lấp rác thải, mà cần lựa chọn công nghệ mới đạt tiêu chuẩn mới có thể giảm thiểu ô nhiễm...

bna_c2.jpg
Khu xử lý rác thải chủ yếu bằng chôn lấp, nhưng các hố chôn lấp cơ bản đã đầy. Thường xuyên xuất hiện tình trạng rò rỉ nước thải ra bên ngoài. Ảnh: Tiến Hùng

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2019, sau khi đoàn kiểm tra liên ngành có kết luận, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị thành phố Vinh hơn 760 triệu đồng vì hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra khu xử lý chất thải này sau nhiều phản ánh từ người dân. Quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện Công ty này xả nước thải chưa qua trạm xử lý ra bên ngoài. Cơ quan công an sau đó cũng đã tiến hành lấy mẫu để giám định các mẫu nước thải này. Hiện nay, đoàn cũng đã gia hạn thời gian kiểm tra để đưa ra kết luận.

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.