Cần làm rõ việc giao đất tái định cư khi thực hiện dự án Bãi rác Nghi Yên
(Baonghean.vn) -Mặc dù UBND huyện Nghi Lộc đã thành lập Tổ xác minh, nhưng đến thời điểm này, việc bàn giao đất tái định cư cho 39 hộ dân xóm 2, xã Nghi Yên khi thực hiện dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (gọi tắt là Bãi rác Nghi Yên) còn nhiều điều phải làm rõ.
XÁC MINH NHƯNG CHƯA CÓ KẾT QUẢ CUỐI CÙNG
Báo Nghệ An điện tử ngày 23/11/2023 đăng bài: “Ra khu tái định cư hơn 15 năm vẫn chưa có sổ đỏ”, phản ánh dù đã di dời tái định cư để bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng Bãi rác Nghi Yên từ năm 2006; tuy nhiên, đến nay, sau hơn 15 năm, 39 hộ dân xóm 2, xã Nghi Yên (trước đây là xóm 4) vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thực tế, khi Dự án xây dựng Bãi rác Nghi Yên được phê duyệt đầu tư từ năm 2002, Hội đồng bồi thường GPMB đã được thành lập để tiến hành trích đo, trích lục và xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, từ năm 2007, để kịp thời bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, các hộ dân này đã được giao tái định cư trước mà chưa phải nộp tiền, đồng thời cũng không có giấy thông báo nộp tiền nào từ phía cơ quan chức năng. Kể từ đó, họ đã xây dựng nhà cửa và sinh sống ổn định cho đến nay.
Tuy nhiên, những phức tạp bắt đầu nảy sinh khi người dân có nhu cầu làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình, đi làm hồ sơ, thủ tục thì nhận được thông tin phải áp mức giá đất để tính tiền sử dụng đất theo thời điểm hiện tại với số tiền phải nộp có thể rất lớn (vì mức giá đất trong khu dân cư khu vực lân cận hiện khoảng 1 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi 2,5 triệu đồng/m2; trong khi đó, giá đất ở được bồi thường tái định cư năm 2008 chỉ là 35.000 đồng/m2). Chính việc chưa xác định được việc áp mức giá nào để tính tiền sử dụng đất, nên 39 hộ dân này đến nay vẫn chưa được thừa nhận quyền sử dụng đất ở.
Trước những kiến nghị của người dân, ngày 12/5/2023, UBND tỉnh đã có Thông báo số 319/TB-UBND, giao cho UBND huyện Nghi Lộc rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục quá trình thực hiện GPMB dự án Bãi rác Nghi Yên liên quan đến 39 hộ gia đình nói trên. Xác định cụ thể nguyên nhân vì sao 39 hộ dân đã đồng tình và nghiêm túc thực hiện chính sách bồi thường, di dời đến khu tái định cư từ năm 2005 đến năm 2007 nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc làm việc với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án xử lý, báo cáo tham mưu UBND tỉnh theo đúng quy định.
Đến ngày 21/7/2023, UBND huyện Nghi Lộc đã có Quyết định số 2330/QĐ.UBND thành lập Tổ xác minh rà soát hồ sơ, thủ tục giao đất tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng dự án xây dựng Bãi rác Nghi Yên đối với 39 hộ gia đình nói trên. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, hiện nay Tổ xác minh vẫn chưa có kết quả xác minh cuối cùng.
CẦN LÀM RÕ SỰ VIỆC
Từ tập hồ sơ mà UBND xã Nghi Yên cung cấp, đi sâu tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy, có nhiều điểm cần phải làm rõ.
Cụ thể, sự việc 39 hộ dân tái định cư kiến nghị không phải mới phát sinh, mà cách đây hơn 2 năm, khi gặp vướng mắc về vấn đề này, chính quyền địa phương các cấp tại huyện Nghi Lộc cũng đã nhiều lần họp bàn xử lý, nhưng không giải quyết dứt điểm.
Vào ngày 20/9/2021, tại Thông báo số 370/TB-UBND của UBND huyện Nghi Lộc về Kết luận tại buổi làm việc xử lý vướng mắc liên quan khu tái định cư này, lãnh đạo UBND huyện Nghi Lộc đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn, thành lập Tổ công tác, cùng với các thành viên cán bộ Thanh tra, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Nghi Lộc và các phòng, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ công tác thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Bãi rác Nghi Yên.
Ngay sau đó UBND huyện Nghi Lộc cũng đã thành lập Tổ kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ, thu thập các tài liệu liên quan đến công tác GPMB dự án Bãi rác Nghi Yên. Tổ kiểm tra cũng đã làm việc với các cán bộ địa chính xã Nghi Yên thời điểm đó và ngày 8/12/2021 ghi nhận vào biên bản. Tổ kiểm tra đã thu thập được 16 văn bản liên quan đến công tác GPMB và tái định cư của dự án. Về việc cho phép các hộ chậm nộp tiền sử dụng đất, các ý kiến trả lời rằng: Thời điểm đó có họp bàn và thống nhất cho các hộ được chậm nộp tiền sử dụng đất và được nhận đất tại khu vực tái định cư để bàn giao đất triển khai dự án kịp tiến độ. Dù vậy sau đó, UBND huyện Nghi Lộc cũng không ban hành một kết luận nào.
Lật mở lại hồ sơ mà UBND xã Nghi Yên cung cấp, chúng tôi nhận thấy, tại Thông báo số 93/TB.UBND, ngày 29/3/2006, kết luận của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó tại buổi làm việc với Hội đồng Bồi thường GPMB của dự án, đối với một số kiến nghị của người dân liên quan đến tiền sử dụng đất tại khu tái định cư: “Các hộ phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đã được đền bù đối với đất ở, không phải nộp chi phí đầu tư hạ tầng; trong trường hợp số tiền phải nộp vượt quá số tiền được đền bù thì được chậm nộp - theo sự quy định của Hội đồng Bồi thường, ngoài ra một số trường hợp đặc biệt khác (có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn…) thì việc chậm nộp tiền sử dụng đất do Hội đồng Bồi thường GPMB quyết định”.
Vậy nhưng, tại Văn bản số 4023/UBND.ĐC ngày 21/7/2006 về việc giao đất tái định cư Dự án Bãi rác Nghi Yên, trên cơ sở ý kiến của các sở liên quan, đặc biệt là việc ghi nợ tiền sử dụng đất, UBND tỉnh trả lời: “Theo quy định của Nghị định số 198/2004/NĐ.CP ngày 3/12/2004 và Nghị định số 17/2006/NĐ.CP ngày 27/1/2006 thì việc giao đất có thu tiền sử dụng đất không thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất”.
Sau đó, vào ngày 11/12/2007, tại Văn bản số 8181/UBND-CN về việc xử lý bồi thường GPMB tại Bãi rác Nghi Yên (lần thứ 6), UBND tỉnh sau khi nhận được công văn đề nghị giải quyết các vướng mắc trong việc đền bù GPMB tại dự án này của UBND huyện Nghi Lộc cũng đã có ý kiến: “Do Dự án xây dựng Bãi rác Nghi Yên có tính đặc thù riêng nên UBND tỉnh đồng ý cho UBND huyện Nghi Lộc thực hiện cấp đất tái định cư theo quy định tại Công văn 4023 ngày 21/7/2006 nói trên” (tức là không được ghi nợ tiền sử dụng đất).
Đặc biệt, tại hồ sơ lưu trữ của UBND xã Nghi Yên cũng như từ phía 39 hộ dân, không hề có giấy thông báo nộp tiền sử dụng đất, chính vì thế người dân không có căn cứ nào để hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 15, Nghị định 198/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, áp dụng vào thời điểm đó, đã quy định thời hạn nộp tiền sử dụng đất là: “Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất và các khoản nộp khác, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải nộp đủ số tiền sử dụng đất và các khoản nộp khác tại địa điểm nộp tiền theo đúng thông báo”.
Vấn đề mấu chốt là thời điểm 2007, ngoài 8 hộ “ăn theo” (tức là các hộ gia đình còn sống chung với bố mẹ) đã nộp tiền sử dụng đất mỗi suất 17.250.000 đồng, thì 39 hộ này dù chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn được giao đất, chuyển đến khu tái định cư xây dựng nhà cửa và sinh sống ổn định từ đó đến nay. Vậy, ai và cơ quan chức năng nào đồng ý cho phép 39 hộ dân chuyển đến khu tái định cư để bàn giao mặt bằng cho dự án, khi chưa nộp tiền sử dụng đất? Điều này rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ.