Báo động tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng súng kíp tự tạo

29/03/2012 17:33

(Baonghean) - Những ngày cuối tháng 3/2012, người dân xã Mường Lống (Kỳ Sơn) bàn tán xôn xao về cái chết của anh Lầu Vả Chênh (35 tuổi, cư trú tại bản Mường Lống 2). Chỉ vì mâu thuẫn với các thành viên trong gia đình, anh Chênh đã tìm đến cái chết bằng những phát đạn súng kíp. Sự việc tự tử bằng súng kíp của Lầu Vả Chênh thêm một lần nữa báo động về tình trạng trôi nổi của các loại súng tự tạo trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

(Baonghean) - Những ngày cuối tháng 3/2012, người dân xã Mường Lống (Kỳ Sơn) bàn tán xôn xao về cái chết của anh Lầu Vả Chênh (35 tuổi, cư trú tại bản Mường Lống 2). Chỉ vì mâu thuẫn với các thành viên trong gia đình, anh Chênh đã tìm đến cái chết bằng những phát đạn súng kíp. Sự việc tự tử bằng súng kíp của Lầu Vả Chênh thêm một lần nữa báo động về tình trạng trôi nổi của các loại súng tự tạo trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.


KỲ Sơn là một trong những địa bàn phức tạp về sản xuất và sử dụng các loại súng tự tạo, trong đó cơ bản là súng kíp. Thực ra, trước đây, trong tâm thức của đồng bào các dân tộc thiểu số, súng kíp là một loại công cụ sản xuất. Bởi sống giữa núi rừng hoang sơ, tồn tại nhờ nương rẫy và săn bắt thú rừng nên có lúc khẩu súng kíp trở thành "vật bất ly thân" của những người đàn ông vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông.



Công an huyện Anh Sơn thu giữ các loại vũ khí nguy hiểm

Đối với dân tộc Mông, chiếc súng kíp thể hiện bản lĩnh của người đàn ông qua những "chiến lợi phẩm" thu được từ những cuộc đi săn. Nói như vậy để thấy rằng súng tự tạo đã gắn bó lâu đời với không ít bà con vùng cao nên việc vận động mọi người tự giác giao nộp cho các cơ quan chức năng không phải là chuyện dễ dàng và thực hiện trong ngày một ngày hai.


Trong thời gian gần đây, điều kiện kinh tế- xã hội các huyện vùng cao bước đầu đã có những khởi sắc do chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng với những kết quả tích cực của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đời sống mọi mặt của bà con đã có nhiều đổi thay đi lên, không ít gia đình và bản làng đã đẩy lùi được cảnh đói nghèo, lạc hậu. Nhận thấy súng kíp và các loại súng tự tạo khác có thể gây mất an ninh trật tự nên các cấp chính quyền và ban ngành chức năng đã đề ra chủ trương vận động nhân dân tự giác giao nộp. Bởi lẽ, nếu để diễn ra tình trạng trôi nổi của các loại súng tự tạo trước hết đe dọa đến sự sinh tồn của các loại động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Nhưng quan trọng hơn hết là ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, đe dọa đến tính mạng của bà con nhân dân.

Thực hiện chủ trương vận động giao nộp vũ khí, thời gian qua các ngành chức năng đã thu được những kết quả nhất định. Thiếu tá Hoàng Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn) cho biết: "Trong năm 2011, chúng tôi đã vận động bà con nhân dân trên địa bàn 2 xã Mỹ Lý và Bắc Lý giao nộp hơn 200 khẩu súng kíp". Ở huyện Tương Dương, theo số liệu gần đây, các lực lượng chức năng đã thu giữ 123 khẩu súng tự tạo, 7 nòng súng và 48 kíp nổ. Thực hiện Chỉ thị 13/CT-UB của UBND tỉnh về việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trái phép, từ đầu năm đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương ở khu vực biên giới vận động nhân dân giao nộp 138 khẩu súng tự chế, 66 nòng súng, 2 súng quân dụng CKC, 1 đầu đạn rocket, 1 quả đạn pháo, 6kg thuốc nổ, 3 kíp nổ, 25 dao, kiếm các loại...


Những con số nêu trên chỉ là kết quả bước đầu, trên thức tế các loại súng tự tạo vẫn còn trôi nổi trong nhân dân. Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn vẫn còn xẩy ra tình trạng dùng súng tự tạo để giải quyết mâu thuẫn. Cụ thể như trường hợp cách đây khoảng 3 năm tại xã Mường Típ, do uống rượu say dẫn đến cãi vã, xô xát, hai anh em Cụt Văn Thanh và Cụt Văn Thân đã về nhà lấy súng tự tạo để đe dọa hai anh em Học Phò Kèn và Học Phò Hoàng. Rất may, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Típ đã kịp thời có mặt và can thiệp nên không xẩy ra án mạng.

Cách đây chưa lâu, trên địa bàn xã Huồi Tụ, do tranh chấp đất đai giữa hai hộ gia đình, hai bên dùng súng kíp để giải quyết mâu thuẫn, nhưng các chiến sỹ trong Đội Xây dựng cơ sở số 1 (thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn) đóng trên địa bàn có mặt và kịp thời thu giữ 2 khẩu súng kíp. Đó là chưa kể đến những tai nạn bất thường như trường hợp xẩy ra hồi năm ngoái trên địa bàn xã Bắc Lý. Hai người đàn ông vác súng vào rừng đi săn. Đêm tối, rừng rậm, người này nhầm tưởng người kia là con mồi nên chĩa đèn vào nhau rồi nổ súng. Hậu quả là một người tử vong ngay tại chỗ do trúng một viên đạn vào đầu, và vụ tử tử của Lầu Vả Chênh ở Mường Lống mới đây cũng liên quan đến súng kíp.


Tình trạng sử dụng súng kíp phức tạp đòi hỏi việc thu giữ và vận động nhân dân giao nộp cần phải tiếp tục được thực hiện một cách khéo léo và quyết liệt. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đậu Sỹ Hùng, Đội trưởng Đội Xây dựng cơ sở số 1 (Kỳ Sơn) cho biết: "Vận động bà con giao nộp súng tự tạo không phải là việc dễ dàng, bởi nó là vật dụng gắn bó từ lâu đời nên không dễ gì họ từ bỏ. Khi mình giám sát chặt chẽ đến từng bản làng, từng gia đình, bà con lại đưa súng vào rừng giấu ở trong các lán trại.

Do đó, phải vừa kiên trì vận động, thuyết phục, vừa đẩy mạnh công tác giám sát". Cách làm của Đồn Biên phòng Mường Típ cũng được đánh giá là hiệu quả, bên cạnh việc thu giữ, đơn vị triển khai xây dựng những mô hình "điểm". Tức là chọn những gia đình cán bộ thôn bản, già làng và những người uy tín trong cộng đồng không chế tạo, cất giữ và sử dụng các loại súng tự tạo. Khi những người có uy tín gương mẫu thực hiện, bà con trong bản sẽ tự giác làm theo.


Còn theo kinh nghiệm của Thiếu tá Hoàng Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn): "Thực hiện phương châm "Bám bản, bám làng, kiên trì vận động", bà con các dân dân tộc sẽ nhận ra tác hại và tự giác giao nộp súng tự tạo".


Công Kiên

Mới nhất
x
Báo động tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng súng kíp tự tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO