Báo động tình trạng sử dụng xung điện, mìn đánh bắt thủy, hải sản

02/07/2014 11:15

(Baonghean) - Sử dụng xung điện, mìn để đánh bắt thủy, hải sản đã được pháp luật nghiêm cấm, nhưng việc đánh bắt mang tính hủy diệt này vẫn đang còn tiếp diễn trên địa bàn tỉnh ta khiến nguồn lợi thủy sản bị tận diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Trên đồng kích điện …

Hôm chúng tôi về Yên Thành trời mưa như trút, dòng kênh chính phục vụ nước tưới cho 4 huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương “đóng” nước, nhiều người mang kích điện nặng trĩu lùng sục “chích điện” tận diệt cá, cua. Anh Nguyễn H - một tay “chích điện” có tiếng ở Tăng Thành - Yên Thành cho biết: Cứ mỗi khi “đóng” nước ở dòng kênh đào này là chúng tôi phải nhanh chóng có mặt để kích cá. Nguồn nước chảy trực tiếp từ sông Lam về thường kích được cá to, chưa đầy buổi sáng mà tôi đã thu được 1,5 yến cá các loại. Cá kích điện bắt được từng nào thì khách trên bờ mua ngay đến đó, lý do là cá tự nhiên từ sông Lam về thường rất ngon, không giống như cá nuôi.

Chúng tôi quan sát thấy cứ một người sử dụng kích điện thì có 2 người đi theo trên bờ để phục vụ, người mang theo giỏ đựng cá, người thay phiên nhau để kích cá. Anh Thái P ở Xuân Thành kể: Trước đây chúng tôi thường sử dụng quăng chài, thả lưới, kéo vó để bắt cá, nhưng giờ sử dụng kích điện thì tiện lợi hơn. “Đánh” bằng kích điện, luồng điện có tác dụng trong phạm vi 2 đến 2,5 mét. Người đánh chỉ việc làm vợt dẫn điện bằng kim loại và kiếm cây sào dài tầm 3 mét, cứ khua vợt là cá “đơ” ra “chết” lâm sàng nổi lềnh bênh.

Những người đánh bắt cá bằng xung điện không lén lút, nhưng chẳng thấy ai kiểm tra, xử lý. Đêm xuống đội quân này còn kích điện ở các ao làng, kênh mương nhỏ trên đồng ruộng. Hôm về xã Nam Thành (Yên Thanh) chúng tôi thấy khoảng trên 10 “sát thủ” cõng trên lưng bình điện nghênh ngang đi tìm tôm, cá. Bình thường chỉ là chiếc ắc quy 12V nhưng khi được kích lên thành dòng điện từ 220V- 250V, có thể giật chết người. Vì thế mà “sục” kích đến đâu cá chết nổi trắng bụng đến đó. Nguyễn N. (người xã Nam Thành) kể: Nhà 6 miệng ăn, nhưng chỉ có 4 sào ruộng không đủ sống nên sắm bộ xung điện trên 500.000 đồng để kiếm ăn. Theo N thì hành trình từ khoảng 8 giờ tối vòng khắp các cánh đồng và kênh mương, đến tận 5 giờ sáng hôm sau. Đêm nào may mắn cũng được gần 7-10 kg cá. N nói thêm: Trước đây, trên các dòng kênh nhỏ dẫn nước ở Nam Thành, các loại cá trắm, chép, mè tự nhiên khá nhiều, nhưng nay bị đánh kích quá mức đến nỗi cá thia cũng chẳng còn. Nhìn vào giỏ của N thấy cả cua nhỏ và lươn, rắn cũng được lấy về để cho vịt ăn. Được biết riêng ở xã Nam Thành có khoảng trên 70 kích điện, theo phản ánh của những người dân thì: Nhiều người đi kích cá còn dẫm nát các ruộng lúa của dân, thậm chí thấy chủ nhà sơ hở còn nhảy cả vào ao nuôi để kích cá trộm.

Các “sát thủ” vai mang kích điện đang tận diệt cá, cua ở xã Xuân Thành - huyện Yên Thành.
Các “sát thủ” vai mang kích điện đang tận diệt cá, cua ở xã Xuân Thành - huyện Yên Thành.

Trong số nhiều người sử dụng kích điện thì ở xã Nam Thành - Yên Thành thì nguy hiểm nhất là hiện nay nhiều người ngoắc trực tiếp điện lưới trên cột xuống, hoặc trong nhà kéo ra ngoài ao rồi “châm” cá. Họ dùng dây điện dài từ 700 -1000 mét cứ gặp chỗ có đường điện lưới dây trần là “đấu” dây trực tiếp thả xuống ao kiếm cá. Năm trước ở Nam Thành có trường hợp dây điện bị hở, Nguyễn L đã bị điện giật ngã nhào, người làng vớt lên mặt mày tím tái tưởng chết.

Theo các chuyên gia về môi trường thì “Đánh bắt cá bằng xung điện là thảm hoạ của sự huỷ diệt đối với các loài thuỷ sinh. Hàng triệu vi khuẩn có lợi sẽ chết, làm giảm tính đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái... Đối với con người đừng tưởng phạm vi an toàn của xung điện ở dưới nước bán kính là 2m. Đứng dưới dòng nước cách chỗ xung điện 10- 15 m vẫn ảnh hưởng đến thần kinh và huỷ diệt hồng cầu.

Dưới biển nổ mìn

Ở ngước ngọt là vậy, còn dưới biển, lâu nay tình trạng ngư dân ở một số địa bàn tỉnh ta sử dụng chất nổ (mìn) để đánh bắt hải sản là khá phổ biến, nhưng việc ngăn chặn và xử lý xem ra chưa ráo riết và quyết liệt.

Hôm chúng tôi về Cửa Hội - phường Nghi Hải, đang tắm dưới làn nước biển trong xanh thì bỗng nghe tiếng bùm... bùm... bùm… Hoảng hốt chúng tôi chạy lên bờ hỏi mấy chủ quán bán hàng đặc sản. Ông Nguyễn K, một chủ quán hải sản cho biết: Đó là tiếng mìn nổ đánh bắt cá trên biển, chúng tôi nghe quen tai rồi, cứ tầm chập tối là mìn nổ liên hoàn. Tôi cố dõi mắt nhìn ra khơi thấy mấy chấm lờ mờ trên biển, theo ông K đó là những con thuyền đánh mìn. Tôi thắc mắc: Nghe tiếng mìn nổ đánh bắt cá ngoài biển sao các ngành chức năng lại không ra xử lý. Ông K lý giải: Biết là thuyền đó nổ mìn nhưng ra tới nơi là họ đã “quẳng” đồ xuống biển phi tang rồi. Ông K còn hướng dẫn cho tôi tỉ mỉ, trong nhiều loại tàu thuyền, thì chủ yếu “thuyền te” hay nổ mìn đánh bắt cá. “Thuyền te” có nghĩa là một chiếc thuyền bình thường, công suất cỡ từ 10-15 CV, trước mũi thuyền có 2 cây sào gắn lưới mỗi khi mìn nổ cá chết phơi trắng bụng nổi trên biển là giăng “te” ra nhủi cá rất hiệu quả không sót bất kể con cá nào dù nhỏ nhất. Loại thuyền te này tập trung ở bến lạch giáp ranh phường Nghi Thủy và phường Nghi Tân.

Chúng tôi đi qua Cảng Cửa Lò, vòng theo con đường nhỏ chật chội tìm đến được khu vực bến lạch phường Nghi Thủy và Nghi Tân. Tàu thuyền chen kín cả khúc sông, quả thật, trong số nhiều tàu thuyền thì loại “thuyền te” ở đây khá nhiều. Đầu mũi thuyền đều được gắn 2 cây bạch đàn nối với te lưới. Ông Trần T - một người dân ở sát cửa lạch khối 5, Nghi Thủy khẳng định như đinh đóng cột: “Đã đi “thuyền te” thì hầu hết là có mìn. Ông T còn chỉ cho tôi chiếc “thuyền te” có 3 - 4 người đang chuẩn bị đồ nghề để ra lộng nhưng lại không có lưới. Thấy tôi ngạc nhiên, ông T nói: Họ chủ yếu là ra biển đánh mìn kiếm cá cho nhanh chứ làm gì thả lưới. Tôi nhờ một ngư dân chở thuyền thúng tiến gần chiếc “thuyền te”, theo quan sát thấy mọi đồ nghề đều được giấu trong “hầm”, có mấy người trên thuyền to tiếng: “Chụp cái chi mà chụp…”. Theo người dân bản địa cho hay: Không thể biết được họ đem mìn lên tàu khi nào, họ cất giấu rất tinh vi, chỉ biết là họ hoạt động gần bờ, nghe tiếng mìn nổ liên hoàn đích xác là “thuyền te” đang đánh mìn.

Mỗi thuyền te thường mang mìn chia khoảng 3 - 4 lần nổ, mỗi quả mìn nặng khoảng 0,2 kg. Ông Nguyễn H - một ngư dân ở Nghi Hải kể: Thấy những ngư dân đánh mìn trên biển chúng tôi rất bức xúc, không chỉ gây hủy hoại ngư trường, làm nghề biển thiếu tính bền vững, ảnh hưởng an toàn đến những tàu thuyền hành nghề khác. Nhiều ngư dân thắc mắc với chúng tôi rằng: Không hiểu sao hàng chục chiếc “thuyền te” thường xuyên mang mìn ra lộng để đánh bắt cá lại “lọt” được qua sự kiểm soát của Đồn Biên phòng Cửa Lò. Và nếu được kiểm tra tận gốc từ những con thuyền đầy “nghi vấn” này ngay tại bến lạch xuất phát thì chắc chắn những con thuyền này không thể đưa được mìn ra khơi nổ vô tội vạ. Nguyên nhân việc sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản còn là chi phí đi biển tăng cao, điều kiện đánh bắt có nhiều bất lợi, chưa kể ý thức của một số ngư dân coi đánh mìn trên biển đỡ vất vả mang lại hiệu quả cao, vì vậy họ bất chấp hiểm nguy tính mạng cứ ra biển là mang theo mìn.

Thượng tá Nguyễn Văn Thành -Trưởng Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò thừa nhận: Tình trạng nổ mìn đánh bắt hải sản trên biển là có thật, tuy nhiên Đồn quản lý trên 600 tàu thuyền lớn nhỏ gặp không ít khó khăn bởi việc mua bán, vận chuyển thuốc nổ thường được tổ chức rất tinh vi, có khi việc vận chuyển mua bán trực tiếp trên biển chủ yếu thuyền thúng ở các khu vực bãi ngang “tăng bo” đưa mìn ra cho “thuyền te” nên không thể kiểm soát nổi. Đến thời điểm này đã hạn chế được nổ mìn khu vực gần bãi tắm ở Cửa Lò, nhưng vẫn còn tình trạng nổ mìn ở khu vực Cửa Hội và các vùng biển giáp ranh với Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Bất cập là vậy, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay Đồn Biên phòng Cảng Cửa Lò không phát hiện và xử lý được vụ nào mà chỉ bắt được duy nhất 1 vụ buôn bán 0,5kg mìn trên bờ.

Để ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, kích điện, các ngành địa phương liên quan cần triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia tố giác. Phối hợp rà soát, sàng lọc, xác định đối tượng có hành vi sử dụng vật liệu nổ khai thác hải sản để có các biện pháp đấu tranh ngăn chặn.

Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định:

Điều 15: Phạt từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản.

Điều 16: Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ vật liệu nổ trên tàu cá hoặc các phương tiện nổi khác xảy ra trên biển; Phạt từ 20 đến 25 triệu đồng đối với hành vi sử dụng vật liệu nổ để khai thác thủy sản trên biển.

Hình thức phạt bổ sung:

a. Tịch thu vật liệu nổ với các hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 điều này.

b. Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng và buộc khôi phục lại công trình hoặc tài sản, công cụ khai thác thủy sản bị phá hỏng do hành vi sử dụng vật liệu nổ gây ra đối với hành vi quy định tại Khoản 2 điều này.

Vương Trần

Mới nhất
x
Báo động tình trạng sử dụng xung điện, mìn đánh bắt thủy, hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO