Bao giờ có trường mới?
(Baonghean) - Cơ sở vật chất dành cho giáo dục mầm non nói riêng, các cấp học nói chung đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương vùng khó hiện nay. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhiều trường mầm non phải đối mặt với thực trạng cả cô và trò đang thấp thỏm học trong những phòng học xuống cấp. ước mong một ngôi trường trên kín dưới bền bao giờ thành hiện thực?
Những phòng học cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng ngay gần trung tâm xã của Trường Mầm non Đồng Văn 1 (Đồng Văn-Tân Kỳ) là nơi vui chơi, học tập của hơn 300 cháu và cô giáo từ nhiều năm qua. Đợt rét vừa rồi, bữa ăn trưa của các cháu vẫn phải diễn ra trên mảnh sân nhỏ bên ngoài. Không có chút lửa nào để sưởi ấm, để chống lại những đợt buốt giá, cô và trò trường Đồng Văn 1 chỉ còn cách duy nhất là ngồi thật sát vào nhau. Cô giáo Hồ Thị Hà, người đã có thâm niên dạy 22 năm ở trường nói như thanh minh: "Trời lạnh nhưng cũng đành phải cho các cháu ăn ngoài trời cho an toàn, chứ ở trong phòng học đều đã xuống cấp. Nếu chẳng may ngói rơi xuống thì…", cô Hà ngừng lại giữa câu như một thoáng có lỗi.
Những lớp học xập xệ này nguyên là trạm y tế của xã trước đây, được nhường lại cho trường khi chuyển sang địa điểm mới. Tuy nhiên, từ khi chuyển đến, do không có kinh phí, trường chưa sửa chữa được nhiều. Thế nên, không chỉ cảnh quan chung mà trong các lớp học vẫn còn nguyên cấu tạo của một cơ sở khám chữa bệnh. Sàn nhà được trát bằng xi măng sần sùi, giữa phòng học là những cột gỗ đã bắt đầu bị mối mọt. Cám cảnh nhất là bốn bức tường, dù các cô giáo đã cố trang trí các bức ảnh và trưng bày đồ chơi nhưng vẫn không che được sự xuống cấp, loang lổ. Nhóm trẻ 5 tuổi, do thiếu phòng học nên phải ngăn đôi phòng. Vách là một tấm nhựa ọp ẹp, tưởng chừng chỉ cần xô nhẹ một cái là có thể đổ bất cứ chỗ nào. Mái lợp cũng là vấn đề nan giải, do nhà đã xây quá lâu nên toàn bộ hệ thống rui mè đều đã xuống cấp, có nơi mái bị hổng một lỗ lớn. Giữa các lớp học, dây điện mắc lòng vòng bốn bức tường…
![]() |
Học sinh ở bán trú trong những phòng học tạm được cải tạo từ Trạm y tế xã Đồng Văn (Tân Kỳ) |
Nói về cơ sở vật chất của Trường Mầm non Đồng Văn 1 hiện nay, cô giáo Chử Thị Hoài Thu Hiệu trưởng nhà trường buồn lắm. Lý do thứ nhất là bởi cô lo cho an toàn của học sinh. Hơn nữa cô ngại nhắc đến các danh hiệu thi đua vì trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp thế kia thì dù tập thể giáo viên có nỗ lực thế nào thì cũng bất lực. Ngoài ra, trường cũng đang thiếu lớp trầm trọng vì trường hiện có 13 nhóm lớp nhưng tại điểm chính chỉ có 5 lớp, trong đó có 1 lớp đang phải học tại nhà văn hóa của xóm, còn lại 8 lớp khác thì đang phải chia ra tại hai điểm trường Kẻ Khiêng và Đồng Loong, cách điểm trường chính 6 – 7 cây số. Về thiệt thòi cho giáo viên điểm lẻ thì ai cũng biết, bởi ở đó vừa xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn vừa không có điều kiện sinh hoạt nghiệp vụ thường xuyên. Nhưng học trò học ở điểm lẻ thì càng vất vả hơn vì các cháu không được học bán trú, không có sân chơi và nhiều đồ chơi ngoài trời. Còn điểm học tại nhà văn hóa xóm thì cũng cơ cực bởi lịch học phải phụ thuộc vào hoạt động của thôn xóm. Như hôm tôi đến, nhóm lớp 3 tuổi, hai lớp phải học gộp với nhau vì nhà văn hóa phải dùng để thu lệ phí xe máy. Học chung với nhà văn hóa nên các thầy cô cũng không có điều kiện để trang trí, kẻ vẽ, trưng bày đồ chơi. "Xóm cũng thấy bất tiện vì nếu tổ chức hoạt động thì học sinh lại phải nghỉ học" – ông Nguyễn Sỹ Hội, xóm trưởng xóm Vĩnh Đồng trăn trở.
Trước thực trạng này, nhà trường cũng đã nhiều lần đề xuất lên chính quyền xã, lên phòng giáo dục cấp kinh phí để nâng cấp. Tuy vậy mọi kiến nghị đều chưa có giải đáp. Nhà trường cũng đã nghĩ tới vấn đề kêu gọi xã hội hóa nhưng Đồng Văn là một xã nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 60%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên để vận động, thu tiền của dân không phải dễ. Khó khăn lắm trường mới vận động được phụ huynh góp tiền để làm mái tôn nơi các cháu làm chỗ ăn hiện nay. Kinh phí cấp thường xuyên mỗi năm cũng chỉ 25 – 30 triệu đồng, phải chắt chiu tiết kiệm lắm mới đủ để mua sắm đồ dùng dạy học và các khoản chi thường xuyên. Việc trang trí lớp và làm đồ chơi, nhà trường động viên giáo viên tự sáng tạo.
Ông Phạm Công Lý – Chủ tịch xã Đồng Văn than thở: "Hiện toàn xã Đồng Văn có 6 trường từ mầm non đến cấp II. Vậy nên, để đầu tư cho 6 trường cùng một lúc là rất khó, kinh phí của xã thì hạn hẹp. Hiện mỗi năm xã chi từ 150 – 200 triệu đồng để sửa chữa cho các nhà trường, nhưng do nguồn kinh phí ít nên mỗi năm chỉ tập trung sửa từ một đến hai trường, ưu tiên cho những trường thuộc vùng sâu, vùng xa. Đồng Văn cũng chưa có trường học nào đạt chuẩn". Mùa mưa rét vẫn đang kéo dài, mơ ước một lớp học kiên cố, một ngôi trường có đầy đủ cơ sở vật chất vẫn quá xa vời với những học sinh nghèo nơi đây.
Nặng lòng rời Trường Mầm non Đồng Văn, chúng tôi về Trường Mầm non Nam Cường (Nam Đàn). Được xây dựng từ lâu với không biết bao nhiêu trận lũ lụt tàn phá, mặc dù hàng năm xã đã huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để khắc phục sửa chữa nhưng đến nay, Trường Mầm non Nam Cường đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Hiện nhiều mảng tường và mái ngói đã mục nát, rạn nứt, lớp học về mùa mưa thường xuyên bị thấm, dột, nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng của cô và trò. Từ đầu năm học 2013 - 2014 đến nay, nhà trường đã phải cho học sinh nghỉ học 3 lần để tránh mưa, lụt. Và cứ mỗi lần mưa to, lũ về, các cô giáo trong trường lại phải tất tả vận chuyển đồ dùng dạy học, trang thiết bị sang gửi ở trường Tiểu học bên cạnh. Ông Lê Trung Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: “Thực tế trường mầm non ở đây xây dựng từ rất lâu, trường có số cháu đông, kinh phí của xã không thể làm được, chỉ dắm dói tạm bợ nên trong năm học này các cháu đã phải nghỉ học 3 đợt, mỗi đợt từ 10 - 15 ngày, rất mong các ngành các cấp, các nhà hảo tâm tài trợ, quan tâm hơn nữa để xây dựng trường mầm non cho các cháu học hành ổn định”.
Là trường có số lượng học sinh khá đông với 280 cháu ở 10 nhóm lớp, trong khi đó cơ sở vật chất chỉ có 6 phòng học xập xệ nên nhà trường phải mượn thêm 4 phòng của trường tiểu học. Riêng Ban Giám hiệu nhà trường phải làm việc chung một phòng với bảo vệ. Cùng với đó, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học cũng rất thiếu thốn. Hơn thế, trường còn thiếu tới 7 giáo viên mới đảm bảo yêu cầu đối với quy mô và số lượng học sinh, đúng theo tiêu chuẩn 1,5 cô/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, tận tâm với sự nghiệp trồng người, đội ngũ cán bộ quản lý cũng như các cô giáo ở đây đã nỗ lực vươn lên, thi đua dạy tốt, học tốt, nhờ vậy mà tỷ lệ huy động trẻ đến trường vẫn đạt cao, đặc biệt khối lớp mẫu giáo đạt 100% chỉ tiêu huy động. Cô giáo Trần Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Cường tâm sự: “Dù khó khăn nhưng khối đoàn kết trong nhà trường luôn thống nhất, thương yêu đùm bọc lẫn nhau và cán bộ giáo viên luôn thương yêu con trẻ, xây dựng được chương trình quỹ tình thương, giúp đỡ những trẻ nghèo trong nhà trường”.
Giáo dục mầm non có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và năng lực phát triển trí tuệ cho trẻ, là nơi đào tạo đầu đời những thế hệ tương lai cho đất nước, nhưng với điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, xuống cấp, nhân lực còn thiếu như hiện nay, liệu sự nỗ lực của cô và trò Trường Mầm non Nam Cường, Trường Mầm non Đồng Văn 1 sẽ trụ vững được bao lâu? Trong khi đó, với những địa phương còn nhiều khó khăn như Nam Cường, Đồng Văn thì việc đầu tư xây dựng bằng nội lực là rất khó.
Xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu), cách Thị trấn Cầu Giát không xa (chỉ hơn 2 km) về phía Tây Nam nhưng đến thời điểm này vẫn là một xã có nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất cho giáo dục còn quá quá tuềnh toàng, tạm bợ. Trường Tiểu học Quỳnh Lâm A có 21 phòng học được bố trí rải rác ở 3 địa điểm và điểm chung đều là nhà tạm cấp 4. Điểm chính gần trường THCS có 9 phòng học được đầu tư xây dựng những năm 1990, điểm thứ 2 ở xóm 11 có 10 phòng, cách UBND xã gần 5 km được xây dựng từ những năm 1970 và điểm thứ 3 ở xóm 16 có 2 phòng hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2013, do ảnh hưởng của bão số 10 nên mái 1 phòng học tại điểm trường xóm 11 đã bị sập.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là trong thời gian dài, xã chưa quan tâm và dành nguồn lực đầu tư tương xứng cho giáo dục nên không có lộ trình đầu tư sửa chữa, nâng cấp dẫn đến hiện nay một loạt trường lớp, từ mầm non cho đến tiểu học, trung học cơ sở cùng lúc xuống cấp trầm trọng. Mặt khác, do địa bàn xã khá rộng, trải dài trên hàng chục km nên xã rất khó trong bố trí, quy hoạch. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người còn thấp (chưa đến 13 triệu đồng/người/năm), điều kiện đất đai cằn cỗi, “chiêm khê mùa úng” nên việc huy động sức dân và nguồn lực khác rất hạn chế.
Thầy Trần Ngọc Thụ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Lâm A cho biết: so với các địa phương khác, mặc dù điều kiện trường lớp nghèo nàn nhưng rất may là con em Quỳnh Lâm vẫn đến lớp học hành đầy đủ, nghiêm túc, không có tình trạng bỏ học giữa chừng; tỷ lệ huy động học sinh và phổ cập giáo dục tiểu học luôn đạt 100%. Nhà trường vẫn duy trì được nề nếp và phong trào thi đua “dạy tốt học tốt”, khuôn viên “xanh –sạch – đẹp”…. Tuy vậy, do cơ sở vật chất quá tạm bợ, các điểm trường quá xa nhau nên việc đảm bảo nề nếp thực sự rất khó. Đã vậy, các điểm trường đều chưa có nhà vệ sinh, chưa có tường bao nên rất bất tiện đối với giáo viên, nhất là giáo viên nữ…
Bà Bùi Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm cho biết: Trước thực trạng cơ sở vật chất trường lớp quá yếu kém, đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã đề ra mục tiêu xây dựng 4/4 trường đều đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên đến nay hơn nửa nhiệm kỳ trôi qua, chưa có trường nào đạt chuẩn và với điều kiện hiện tại rất khó để hoàn thành chỉ tiêu trên.
Bữa ăn ngoài trời lạnh giá của cô trò Trường Mầm non Đồng Văn 1 (Tân Kỳ), những mái ngói, bức tường sẵn sàng sụp đổ ở Trường Mầm non Nam Cường (Nam Đàn), Tiểu học Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu) và đó chỉ là 3 ví dụ trong rất nhiều hình ảnh đáng buồn khác. Để các em được học trong những ngôi trường an toàn, đảm bảo, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự chung tay của nhân dân và sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Nhóm PV - CTV