Bao giờ Di tích đền Vua Lê được trùng tu?
Đền Vua Lê nằm ở xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên được xây dựng từ giữa thế kỷ XV. Đây là một trong 4 ngôi đền cổ lớn và nổi tiếng của Nghệ An với những nét kiến trúc chạm trổ độc đáo mà không phải ngôi đền nào cũng có được. Trải qua bao thăng trầm, biến động của thời gian, đền Vua Lê bị xoá sổ, những gì còn lại hiện nay trong khuôn viên chỉ là mấy tảng đá kê và một cây cột bị rỗng ruột. Vốn là ngôi đền lớn gồm 23 gian có cả 98 cây cột, trong đó 64 cây cột chính có đường kính lên đến 60 cm.
(Baonghean) - Đền Vua Lê nằm ở xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên được xây dựng từ giữa thế kỷ XV. Đây là một trong 4 ngôi đền cổ lớn và nổi tiếng của Nghệ An với những nét kiến trúc chạm trổ độc đáo mà không phải ngôi đền nào cũng có được. Trải qua bao thăng trầm, biến động của thời gian, đền Vua Lê bị xoá sổ, những gì còn lại hiện nay trong khuôn viên chỉ là mấy tảng đá kê và một cây cột bị rỗng ruột. Vốn là ngôi đền lớn gồm 23 gian có cả 98 cây cột, trong đó 64 cây cột chính có đường kính lên đến 60 cm.
Có thể nói đền Vua Lê là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của Nghệ An. Nghệ thuật chạm trổ ở đây đã đạt đến trình độ điêu luyện, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Bên cạnh đó là các bức chạm lộng với các đề tài truyền thống như long, ly, quy, phượng, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long tranh châu và các đề tài mang đậm phong cách dân gian như hình tượng vũ nữ nhạc công, tiên hạc, đánh cờ, mục tử... với nét chạm tinh tế uyển chuyển, đã làm cho các bức chạm thêm phần sống động. Đây là một trong những công trình kiến trúc gỗ đẹp nhất và mang đậm dấu ấn của phong cách kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ XV.
Đền Vua Lê đã xuống cấp.
Trong những năm 1930 - 1945, đền Vua Lê là nơi hội họp của làng và là địa điểm gặp gỡ, trao đổi về tình hình hoạt động cách mạng của một số cán bộ, đảng viên. Năm 1954, do lụt bão đã làm sụp đổ mất 2 toà và năm 1968, máy bay Mỹ thả bom làm tốc toàn bộ mái những toà nhà còn lại. Sau gần 4 năm phơi mưa, phơi nắng, không được tu sửa, nâng cấp nhiều đồ gỗ bị mục nát cho đến năm 1972 xã đã tháo dỡ hoàn toàn. Thời kỳ đó những đồ gỗ của đền còn sử dụng được thì đưa làm nhà trường, nhà kho, một số thì bị mất mát, đền Vua Lê trở thành phế tích.
Đến năm 1986, thể theo nguyện vọng của bà con nhân dân, xã Hưng Khánh đã vận động quyên góp tiền của để khôi phục lại đền Vua Lê. Tuy nhiên, sau khi khôi phục, đền Vua Lê cũng mới chỉ đáp ứng được phần nào về việc thờ tự. Từ khi đền được khôi phục, hàng năm vào ngày 22/8, xã Hưng Khánh đều tổ chức Lễ hội Đền Vua Lê. Đây là lễ hội mang tính đặc trưng của người dân xứ Nghệ. Một niềm vui nữa đã đến với người dân Hưng Khánh là năm 1998 đền Vua Lê được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Thế nhưng, kể từ khi được công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia cho đến nay, đền Vua Lê dường như bị quên lãng, chưa hề được quan tâm để trùng tu, nâng cấp cải tạo. Vì vậy, hiện nay đền đang có dấu hiệu xuống cấp. Nhìn những mái ngói đã ố màu cũ nát theo thời gian và xung quanh cây cỏ mọc um tùm, bao phủ, ai cũng xót xa.
Ông Hoàng Văn Ái - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết thêm: Qua nhiều lần kiến nghị của địa phương, đến năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết công trình tu bổ tôn tạo di tích đền Vua Lê giai đoạn 1 bao gồm 19 hạng mục. Trong đó phục dựng lại nhà trung điện, hạ điện, nhà tả vu, nhà hữu vu, tu bổ lại nhà thượng điện và xây dựng mới một số công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí của dự án này là trên 9 tỷ đồng.
Tuy vậy, sau hơn 1 năm chờ đợi, đền Vua Lê mới được tu sửa, nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở phần cổng và xây mới được bờ rào phía trước với kinh phí 200 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Ái, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh, kiến nghị: Khi công trình này đã được quy hoạch rồi thì dự án nên sớm được triển khai. Để đền Vua Lê có được quy mô xứng đáng với di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, di tích này cũng nằm trong quy hoạch trung tâm văn hoá của xã, vì vậy chúng tôi mong muốn di tích sớm được triển khai xây dựng để đáp ứng sự mong mỏi của đảng bộ, chính quyền cũng như toàn thể bà con nhân dân xã nhà.
Tuy nhiên, với việc triển khai nhỏ giọt như hiện nay, nhiều người đặt câu hỏi, không biết đến bao giờ công trình tôn tạo, tu bổ đền Vua Lê mới hoàn thành?
Hồng Sơn (Đài Hưng Nguyên)