Bao giờ hát ví phường vải thành sản phẩm du lịch?

06/01/2014 11:38

(Baonghean) - Từ lâu người dân Nam Đàn đang nung nấu, bảo tồn loại hình hát ví phường vải để phục vụ du khách. Tuy nhiên, để hát ví phường vải trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách thì rất nhiều việc phải làm.

Hát ví phường vải đã trở thành một bộ phận thân thiết trong đời sống tinh thần của người dân Nam Đàn. Hát ví phường vải trải qua nhiều thăng trầm và có lúc tưởng chừng như bị lãng quên. Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ XX, hát ví phường vải ở đây được khôi phục lại, nhưng sau đó do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường nên hát ví phường vải gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, chúng tôi đã về Xuân Hòa, thăm CLB Hát ví phường vải do bác Đinh Xuân Tình – Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã kiêm chủ nhiệm CLB. Thuận lợi của CLB là có nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Hai (năm nay 90 tuổi) cùng tham gia sinh hoạt và bà là “linh hồn” của CLB.

Hát ví phường vải biểu diễn ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh : Xuân Tám
Hát ví phường vải biểu diễn ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh : Xuân Tám

Được đánh giá là một trong những CLB hoạt động hiệu quả nhất của Nam Đàn, thế nhưng đến thời điểm này CLB vẫn hoạt động theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Mặc dù có Ban Chủ nhiệm nhưng vẫn chưa xây dựng được một quy chế hoạt động cụ thể, vì lý do không có kinh phí. Mỗi lần tham gia biểu diễn, các cụ trong CLB phải tự lo từ A đến Z. Trao đổi với nghệ nhân Nguyễn Thị Hai biết được niềm trăn trở, day dứt của bà là làm thế nào để CLB được sự quan tâm của chính quyền địa phương, dù chỉ là một bữa liên hoan nho nhỏ sau những thành công của CLB; làm thế nào để huy động kinh phí cho CLB có thể sinh hoạt định kỳ, dù chỉ mỗi tháng một lần; làm thế nào để lớp trẻ ngày càng yêu thích hát ví phường vải giống như các cụ ngày xưa… Còn với cụ bà Hồ Thị Mão thì niềm đam mê của các thành viên trong CLB có thừa. Những đợt tập luyện chuẩn bị cho Liên hoan tiếng hát Làng Sen hay biểu diễn nhân ngày Người cao tuổi, các cụ vẫn cần mẫn tập ngày, tập đêm với mong ước làm sao truyền dạy được nhiều làn điệu cho lớp con cháu, sáng tác được những lời mới… khi đó hát ví phường vải mới có thể đi vào cuộc sống, mới phát huy hết những cái hay, cái đẹp của giai điệu quê hương.

Trao đổi với ông Trần Văn Sinh (cán bộ văn hóa xã Xuân Hòa) được biết, thực ra thời gian qua chính quyền địa phương cũng chưa có cơ chế, chính sách hay hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của CLB. Một phần do kinh phí của xã hạn hẹp, một phần cán bộ văn hóa xã cũng chưa tham mưu, đôn đốc, sát sao trong vấn đề này. Vì thế trong quá trình hoạt động CLB còn gặp rất nhiều khó khăn. Sắp tới, với vai trò trách nhiệm của mình, cán bộ văn hóa xã sẽ tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền hỗ trợ kinh phí để CLB hoạt động thường xuyên hơn.

Còn ở CLB hát ví phường vải Kim Liên – Nam Đàn – nơi có số lượng nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân dân gian nhiều nhất tỉnh, thế nhưng hiện chỉ còn 10 người, tình trạng sinh hoạt cũng không mấy sáng sủa. Mỗi năm tổ chức sinh hoạt định kỳ đôi ba lần; lúc nào có hội diễn, liên hoan lại cùng nhau ngồi ôn lại những trích đoạn, lời cổ. Hỏi về nỗi niềm, trăn trở bác Trần Văn Tư (năm nay 85 tuổi) chủ nhiệm CLB giãi bày: Các thành viên trong CLB tuổi đều đã cao, kinh phí hoạt động không có mặc dù đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên cấp xã, cấp huyện nhưng đâu vẫn nguyên đấy. Tuy nhiên, niềm đau đáu nhất của bác Tư đó là các nghệ nhân ngày một già đi, rồi cũng đến lúc phải về cõi vĩnh hằng, thế nhưng việc truyền dạy cho lớp trẻ còn lắm gian nan. Bởi niềm đam mê của họ không thắng nổi “nỗi lo cơm áo gạo tiền”. Thời xưa các cụ đi hát, đi nhởi phường vải vì xã hội thời đó không bon chen, có sao mặc vậy, có sao ăn vậy. Thế nhưng, thời nay xã hội đã phát triển, đã đi lên, đường làng, ngõ xóm đều bê tông hóa và người dân cũng phải cố chạy theo cái công nghiệp hóa, hiện đại hóa ấy, nên bắt buộc người ta phải nghĩ đến việc phát triển kinh tế. Nghĩ cho cùng cũng không thể trách được lớp trẻ, mà chỉ buồn, buồn vì phường vải ngày càng ít người tham gia hát. Rồi mai này lớp chúng tôi “về với cát bụi” liệu có duy trì nổi CLB phường vải nữa hay không?

Đem vấn đề này trao đổi với ông Lê Xuân Tám – Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện được biết: Năm 2006, UBND huyện Nam Đàn đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy hát ví phường vải trong dân ca Nghệ - Tĩnh”, với mục đích bảo tồn, phát huy hát ví phường vải để loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước khi tới tham quan Nam Đàn. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đề án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như làn điệu chưa hấp dẫn lớp trẻ; đội ngũ làm chuyên môn có tâm huyết, hiểu biết sâu về hát ví phường vải còn quá ít, sự tiếp cận giữa cái mới và cái cũ của các thế hệ còn khập khiễng. Mặc dù thời gian qua đã hình thành một số CLB dân ca ví phường vải nhưng hoạt động chưa liên tục, thường xuyên, đang theo kiểu mùa vụ, tự phát, lúc nào có hội diễn thì tham gia luyện tập nên chưa có độ chín trong nghề; Và một nguyên nhân muôn thủa là kinh phí hoạt động của các CLB còn bị động, chủ yếu phụ thuộc vào chính thành viên sinh hoạt trong CLB, chưa có một nguồn nào hỗ trợ (dù rất ít) từ chính quyền địa phương.

Để khôi phục, nhân rộng hát ví phường vải, hàng năm ngành VHTT huyện lựa chọn hạt nhân, thành lập đội tuyển, đưa hát ví phường vải vào tham gia các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh như “Liên hoan tiếng hát làng Sen”, “Liên hoan đàn và hát dân ca” … Đến nay, đã có nhiều địa phương khôi phục và phát triển hát ví phường vải như Xuân Hòa, Nam Giang, Nam Thanh, Khánh Sơn, Nam Tân, Nam Lộc, Nam Nghĩa. Điển hình là CLB Hát phường vải “Hoàng Thị An” xã Kim Liên thu hút đông đảo hội viên đủ lứa tuổi, hoạt động có nền nếp góp phần lớn vào việc sưu tầm, gìn giữ câu ví quê hương. Đặc biệt, hàng năm trong Liên hoan tiếng hát Làng Sen tổ chức nhân dịp Lễ hội Làng Sen, Trung tâm VHTT huyện đề ra quy chế: các đội tham gia phải có tiết mục hát ví phường vải.

Thời gian tới, Nam Đàn tiếp tục khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia hát ví phường vải gắn với các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tiếp tục nâng cao hình thức, chất lượng, nội dung diễn xướng tạo sự hấp dẫn, thu hút lớp trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Đưa việc xem biểu diễn hát ví phường vải vào một trong những nội dung chương trình tham quan du lịch tại Khu di tích Kim Liên và các di tích, danh thắng khác trong huyện. Hy vọng, khi Dân ca xứ Nghệ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì hát ví phường vải Nam Đàn nói riêng, dân ca Nghệ Tĩnh nói chung sẽ là sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế khi tới Nam Đàn, Nghệ An.

Thanh Thủy

Mới nhất

x
Bao giờ hát ví phường vải thành sản phẩm du lịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO