Bao giờ Vinh có vùng rau an toàn?

26/02/2015 09:25

(Baonghean) - Đầu năm 2015, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chương trình "Nông nghiệp từ trái tim", nói về hai "làng thần kỳ" sản xuất rau sạch của Nhật Bản (một tại Nhật Bản, một tại Đà Lạt). Nhìn hình ảnh nông dân hồn nhiên ăn rau tươi ngay trên những cánh đồng ngút ngàn xanh mà mong tới một ngày, Thành phố Vinh cũng có những làng rau tương tự...

Ở Nhật Bản, "làng thần kỳ" là danh xưng của làng Kawakami, thuộc quận Minamisaku, tỉnh Nagano. Làng Kawakami là vùng đất cằn cỗi, 2/3 thời gian trong năm tuyết phủ nên đời sống người dân hết sức nghèo khó và lạc hậu, từng được xem là nơi nghèo nhất Nhật Bản giai đoạn thập niên 60 - 70 của thế kỷ 20. Để có được sự thay đổi "thần kỳ" đó vào khoảng năm 1980, trưởng làng đã kêu gọi người dân sản xuất rau theo một tiêu chuẩn chung, nếu ai vi phạm sẽ bị cấm sản xuất. Sau 20 năm áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hàng trăm hộ dân chung một kỹ thuật canh tác, rau của làng Kawakami an toàn đến độ có thể ăn tươi ngay tại vườn. Và vì vậy, rau sản xuất ở đây trở nên nổi tiếng, không đủ cung cấp cho thị trường, người dân trở nên giàu có bậc nhất Nhật Bản với thu nhập bình quân trên 250.000 USD/hộ/năm trong khi chỉ làm việc 4 tháng mỗi năm.

Trồng rau súp lơ xanh trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hưng Lộc.
Trồng rau súp lơ xanh trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hưng Lộc.

"Làng thần kỳ" ở Đà Lạt là tên mới được đặt cho thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Theo phóng sự của Đài Truyền hình Việt Nam, vào năm 2012, ông Hironosi Tsuchiya, Giám đốc Quỹ đầu tư hợp tác Capital tại Việt Nam sau nhiều lần lui tới Đà Lạt, nhận thấy nơi đây là vùng đất trù phú, khí hậu thích hợp cho canh tác rau quanh năm, nhưng người nông dân có thu nhập chưa cao và khá vất vả. Ông Hironosi Tsuchiya đã nghĩ đến làng Kawakami, và trở về vận động nông dân nơi đây đến Đà Lạt trồng rau. Hai nông dân, chủ của Công ty Lacue tại làng là Masahito và Takaya Hanaoka đã quyết định tới Đà Lạt tìm hiểu. Sau khi khảo sát, hai nông dân Nhật Bản này nhanh chóng hợp tác với một doanh nghiệp địa phương lập liên doanh An Phú Lacue. Từ đầu tháng 2/2014, Công ty An Phú Lacue trồng thử nghiệm 13 loại giống rau, trong đó chủ lực là giống xà lách Mỹ mà người làng Kawakami thường canh tác.

Việc sản xuất, phân phối rau đã thành công và được nhân rộng ra nhiều hộ nông dân của địa phương. Các sản phẩm rau ở Đạ Nghịt cung cấp chủ yếu cho các cửa hàng bán đồ Nhật, phục vụ người Nhật. Đồng thời, đáp ứng được điều kiện về chất lượng và an toàn theo tiêu chuẩn Nhật Bản để xuất khẩu ngược về nước này. Và từ cuối năm 2014, ngoài xuất khẩu rau về Nhật Bản, Công ty An Phú Lacue còn xuất sang Malaysia, Singapore và mở rộng sang các thị trường khác. Việc áp dụng tiêu chuẩn từ giống, kỹ thuật chăm bón không thuốc trừ sâu đến quy trình thu hái và bảo quản đáp ứng đủ tiêu chuẩn đã giúp Đạ Nghịt trên đường trở thành “làng thần kỳ” thứ hai của Nhật Bản tại Việt Nam.

Đó là chuyện về những "làng thần kỳ" được Đài Truyền hình Việt Nam thông tin. Còn ở Thành phố Vinh, từ khá lâu, việc phát triển sản xuất nông nghiệp ven đô cũng đã được đánh giá là có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần cung ứng thực phẩm tươi sống hàng ngày cho người dân thành phố. Chính vì vậy, từ cuối năm 2013, lãnh đạo Thành phố Vinh đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững các vùng rau an toàn để giải quyết song song hiệu quả kinh tế lẫn hiệu quả xã hội dân sinh. Theo đề án này, sẽ ưu tiên cho chương trình sản xuất, mở rộng và phát triển vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu đến khoảng giữa năm 2017 sẽ tạo ra vùng sản xuất rau an toàn ổn định, với quy mô tối thiểu khoảng 50ha trên địa bàn các xã Nghi Ân, Nghi Liên, Hưng Đông, Nghi Kim...; có hệ thống phân phối thông suốt, hiệu quả, được người tiêu dùng chấp thuận và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường thành phố.

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án đang gặp khó khăn: Rau an toàn sản xuất chưa có thương hiệu, chưa được người tiêu dùng biết đến. Theo báo cáo kết quả triển khai đề án rau an toàn Thành phố Vinh, đến hết năm 2014, diện tích vùng rau an toàn đạt được 7,9 ha, trong đó loại cây trồng chủ yếu là ớt chỉ thiên, một số diện tích nhỏ là cải thảo, bí đỏ Nhật, xà lách tây. Ở xã Hưng Lộc được đầu tư 2.500 m2 nhà lưới để trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo ông Võ Văn Chương, trú tại xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc (1 trong 3 hộ dân tham gia nhận nhà lưới trồng rau an toàn), sau khi được Trạm Khuyến nông thành phố tổ chức tập huấn, cung ứng giống rau, hỗ trợ kinh phí làm đất, qua sản xuất, thu nhập từ rau có cao hơn các loại cây trồng trước đó như ngô, lạc. Tuy nhiên, còn rất nhiều bất cập gây khó khăn cho người sản xuất. Đó là hệ thống hạ tầng chưa đảm bảo nên rau hay bị ngập úng; lưới che phủ quá dày nên ảnh hưởng tới sự quang hợp của rau... và điều đáng nói nhất là khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm.

Ông Chương nói: "Rau sản xuất được chúng tôi đều tự đưa ra chợ tiêu thụ. Dù người dân rất muốn mua rau sạch nhưng ra đến chợ thì rau nào cũng như nhau, giá cả cũng vậy. Đây là điều đáng băn khoăn vì đầu tư sản xuất rau an toàn lớn hơn rất nhiều so với sản xuất rau thông thường, chúng tôi là người thực hiện mô hình, có sự hỗ trợ chứ nếu làm đại trà thì sao có lãi, làm sao nhà nông có thể yên tâm đầu tư sản xuất rau an toàn...".

Theo một số cán bộ Phòng Kinh tế của Thành phố Vinh, đã có một số doanh nghiệp liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất, tuy nhiên vẫn gặp rất nhiều khó khăn do các vấn đề năng lực chuyên môn và khả năng tài chính. Trong khi người dân vẫn chưa chịu khó, chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, mang tư tưởng độc canh, không tích cực chủ động trong chống hạn, chăm sóc cây trồng và còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở còn thiếu sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, chưa thực sự là "bà đỡ" cho người dân và doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh cho biết: “Hiệu quả từ sản xuất rau an toàn đã bước đầu được khẳng định, là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, trong triển khai đề án sản xuất rau an toàn bền vững tại TP. Vinh còn có những khó khăn, đó là người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu đã ngoài độ tuổi lao động, khó tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiệu quả lao động thấp; hệ thống cơ sở hạ tầng còn bất cập, tạm bợ chưa đảm bảo để ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi như hạn hán và lụt lội, trong khi kinh tế thành phố còn khó khăn nên chưa có sự đầu tư tương xứng... Chính vì vậy, chính quyền thành phố đang hướng đến việc kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện đề án rau an toàn thành phố. Và trọng tâm là hướng đến các doanh nghiệp Nhật Bản. “Thông qua Hiệp hội cầu nối Nhật - Việt, đã có một số doanh nghiệp Nhật Bản hội tụ đầy đủ những yếu tố như vậy quan tâm và đang lập dự án đầu tư...”.

Ở Thành phố Vinh, có không ít hộ gia đình dù diện tích đất ở hạn chế nhưng vẫn dành ra một khoảnh nhỏ để trồng rau sạch; có không ít gia đình không còn đất thì mua vật liệu trồng rau trên các tầng cao, ban công, thậm chí là ở hành lang đường giao thông. Qua đó có thể thấy nhu cầu rau sạch trong đời sống thường nhật của người dân là một nhu cầu hết sức bức thiết. Đi thực tế các vùng thực hiện sản xuất rau an toàn tại các xã Nghi Ân, Hưng Đông, Nghi Liên, Hưng Lộc... để thấy, để nghe những bất cập trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm lại nhớ về hình ảnh hai “làng rau thần kỳ”, mà mong sao tới ngày Thành phố Vinh cũng có những làng rau tương tự.

Theo tìm hiểu, một trong những doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp của Thành phố Vinh mà ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh nói tới là Công ty Yabumae và cộng sự, có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Ngày 26/8/2014, ông Eiichi Yabumae – Giám đốc Công ty Yabumae và cộng sự đã gửi thư tới Giám đốc Sở Ngoại vụ đề xuất về dự án nông nghiệp. Trong thư ông Eiichi Yabumae viết: "... Khi ở Vinh, tôi đã nảy ra ý tưởng việc xuất khẩu rau sang Nhật Bản sẽ rất hứa hẹn, vì điều kiện khí hậu và nguồn nhân lực. Một người đàn ông mà theo tôi biết là xóm trưởng của một làng ngoại ô (chúng tôi đã gặp nhau tại sảnh hội trường thành phố) đã chia sẻ với chúng tôi cũng ý tưởng này. Tôi đã thu thập bất kỳ thông tin nào mà tôi có thể có tại Tokyo và phân tích chúng. Kết quả là tôi được thuyết phục rằng dự án nông nghiệp này rất khả thi nếu được thực hiện tại thành phố này. Sau đó, tôi đã nghiên cứu chi tiết hơn và khoảng sáu tháng, một kế hoạch được hình thành. Tôi gửi kèm theo thư này tóm tắt dự án và có thể coi đây là “Đề cương Dự án phát triển trang trại phục vụ xuất khẩu tại ngoại ô Vinh”.

Có thể nói hiện tại dự án này còn đang sơ khai. Tuy nhiên nó lại cho thấy khung mà dự án nên đi theo. Nghĩa là loại rau nên được sản xuất, kỹ thuật nông nghiệp nào nên được áp dụng, quy mô cần thiết của trang trại, máy móc và nhà xưởng, giá xuất khẩu các loại rau, thu nhập của người nông dân, chi phí sản xuất mỗi năm, chi phí vận chuyển, công nghệ, chi phí nhập khẩu và giá bán, vốn đầu tư ban đầu… đều được làm rõ...

... Nếu cơ quan ông ủng hộ, theo tiến trình tự nhiên, công ty nghiên cứu và phát triển sẽ mở cửa cho các chuyên gia nông nghiệp vào tỉnh ông và kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến sẽ trở thành tài sản chung của tỉnh. Do đó, nếu ông quan tâm đến dự án này, nếu ông cho rằng các điều kiện đã chín muồi và nếu ông có bất kỳ câu hỏi, ý kiến hay yêu cầu gì, xin liên hệ với tôi. Hiện nay, người ta nói rằng cửa sổ kinh doanh đang thổi từ Nhật Bản sang nước ông. Vì thế, nếu các ông quyết tâm thì các nhà đầu tư sẽ theo các ông...".

Sau khi nhận được thư của ông Eiichi Yabumae, Sở Ngoại vụ đã đề nghị UBND Thành phố Vinh xem xét đề xuất. Sau đó, giữa chính quyền Thành phố Vinh và Công ty Yabumae đã có sự liên lạc, để mở ra mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

Hà Giang

Mới nhất
x
Bao giờ Vinh có vùng rau an toàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO