Bảo hiểm cây lúa: Chia sẻ rủi ro với nông dân

13/03/2012 16:18

(Baonghean) - Để hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành uyết định 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 cho 3 sản phẩm nông nghiệp là cây lúa, vật nuôi và thuỷ sản tại 21 tỉnh, thành phố.

Đây là chính sách lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra cho người sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Ở Nghệ An, bảo hiểm cho cây lúa được triển khai thí điểm tại 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp, đồng thời chỉ đạo các huyện có thí điểm tổ chức thành lập BCĐ các cấp huyện, xã để cùng phối hợp với Công ty Bảo Việt Nghệ An (đơn vị được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm).



Tham gia bảo hiểm cho cây lúa, nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Ảnh: Xuân Hoàng


Sau một thời gian triển khai, ngày 1/3/2012 (tròn một năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 315/QĐ-TTg), Ban chỉ đạo Chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Yên Thành tổ chức Lễ ký kết hợp đồng bảo hiểm cây lúa vụ đông xuân 2012 tại xã Long Thành.

Tại buổi lễ, nông dân của xã Long Thành được trao "Giấy chứng nhận bảo hiểm cây lúa". Ông Nguyễn Đình Khuẩn mừng rỡ: "Nghề trồng lúa cũng đầy rủi ro, cấy lúa xuống ruộng rồi thì lo lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh. Thậm chí có năm lúa chín đến nơi rồi mà lũ lụt ập đến mất trắng. Giờ được bảo hiểm cho cây lúa, nông dân chúng tôi sẽ yên tâm để đầu tư sản xuất, vì đã được Nhà nước sẻ chia những vụ mùa mất mát". Ông Thái Văn Nhàn - Trưởng xóm Văn Trai cho biết: "Xóm có 165 hộ, thì 100% các hộ đều tham gia bảo hiểm cho cây lúa, người dân chúng tôi rất mừng, vì những hộ nghèo còn được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cây lúa. Xóm lâu nay vốn nghèo khó giờ đã bớt nỗi lo khi mùa lũ tới".

Ông Nguyễn Văn Dương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành trao đổi: Yên Thành có trên 18.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 5000 ha lúa thường bị ngập úng, rất cần tham gia bảo hiểm. Với nỗ lực của BCĐ các cấp, đến nay Yên Thành đã có 7.060 hộ dân tham gia bảo hiểm cây lúa, chủ yếu là các hộ nghèo và hộ cận nghèo. (chiếm trên 15% tổng số hộ tham gia).

Tuy nhiên, một số người dân chưa hiểu hết chủ trương chính sách của bảo hiểm cây lúa và vẫn còn một số vướng mắc trong qúa trình đền bù thiệt hại cho dân. Như chị Trần Thị Ngà ở Nam Thành-Yên Thành phân trần: "Chúng tôi muốn là nếu bị thiệt hại ở sào lúa nào thì phải được bồi thường ở sào lúa đó, nhưng hiện tại lại thấy bảo hiểm tính quân bình chung tổng thiệt hại của cả xã nếu năng suất giảm mới đền bù.Tuy nhiên, gia đình vẫn sẽ tham gia bảo hiểm 6 sào ruộng, vì Nam Thành hay bị lũ lụt, lỡ mà có mất toàn xã thì gia đình tôi vẫn có cơ hội được đền bù".


Chúng tôi về xã Diễn Lâm - Diễn Châu, được chứng kiến bà con đang háo hức tập trung làm thủ tục bảo hiểm cây lúa tại 2 HTX Nam Lâm và Bắc Lâm. Ông Đậu Xuân Hường - Chủ tịch UBND xã Diễn Lâm chia sẻ: "Diễn Lâm có 3.150 hộ dân gieo cấy trên 600 ha lúa, đến thời điểm này đã hoàn thành thủ tục bảo hiểm cây lúa được trên 60%, ban chỉ đạo cấp xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động đối với các hộ không thuộc diện hộ nghèo tham gia". Bà Hoàng Thị Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho hay: "Thời điểm này, Diễn Châu có trên 90% số xã đang triển khai làm thủ tục bảo hiểm cho cây lúa. Ban chỉ đạo cấp huyện, xã đang tích cực tuyên truyền đến với người dân hơn nữa để số hộ không thuộc hộ nghèo tham gia bảo hiểm.


Theo ông Phan Bá Trung - Giám đốc Công ty Bảo Việt Nghệ An, Bảo hiểm nông nghiệp là một lĩnh vực khá mới mẻ nên quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Công ty đã phối hợp với BCĐ các cấp, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giải đáp với bà con những vấn đề liên quan đến bảo hiểm cây lúa như: Chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm của Nhà nước, hướng dẫn, trợ giúp BCĐ các cấp trong việc tổ chức cho các hộ dân tìm hiểu, tính toán phần phí bảo hiểm hộ dân còn phải nộp trên diện tích lúa, các loại rủi ro thiên tai, dịch bệnh được bảo hiểm,... Công ty đã viết chương trình phần mềm để phục vụ thống kê, in ấn, đã in giấy chứng nhận bảo hiểm cho 20.668 hộ trồng lúa.

Đến thời điểm này, trong 21 tỉnh, thành trên toàn quốc được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp thì Nghệ An là tỉnh dẫn đầu cả về kết quả, chất lượng và tiến độ thực hiện. Thời gian tới, Công ty sẽ kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, BCĐ Chương trình thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp Trung ương hoàn thiện các văn bản, biểu mẫu, phần mềm, cơ chế chính sách, thù lao, nghiên cứu bổ sung, mở rộng phạm vi bảo hiểm,... để đáp ứng tốt hơn quyền lợi cho bà con nông dân và cho cả bộ máy các cấp tham gia triển khai chương trình".


Văn Trường

Mới nhất
x
Bảo hiểm cây lúa: Chia sẻ rủi ro với nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO