Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi: Bài 2: Người dân còn thờ ơ...

22/07/2011 10:20

Tính đến 30/6/2011, tổng số trẻ dưới 6 tuổi ở toàn tỉnh là 303.405 trẻ (số liệu do Sở LĐTBXH cung cấp), trong khi đó số thẻ BHYT được cấp là 294.402 (số liệu của BHXH tỉnh). Như vậy vẫn còn hơn 9 ngàn trẻ dưới 6 tuổi ở tỉnh ta chưa có thẻ BHYT...

Xem Kỳ 1: Một chính sách lớn...

Tại Bệnh viện Nhi Nghệ An, số lượng bệnh nhi dưới 6 tuổi chiếm gần 80% số bệnh nhi đến khám và điều trị tại viện. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, số bệnh nhi dưới 6 tuổi tới khám là 55.714, số điều trị là 9.952, trong đó có nhiều em mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo. Thế nhưng trong khoảng 400 trường hợp đến đăng ký khám, chữa bệnh mỗi ngày thì có tới 15-20 trường hợp trẻ dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT.


Tại khu vực làm thủ tục của BV Nhi chúng tôi gặp một bà mẹ bế con nhỏ đang xin khám bệnh cho con. Chị là Hoàng Thị Thảo, làm nghề cắt tóc ở xã Nghi Khánh, Nghi Lộc.

Quầy làm thủ tục KCB cho trẻ dưới 6 tuổi ở Bệnh viện Nhi Nghệ An


Khi nghe nhân viên trong quầy hỏi thẻ BHYT của cháu bé chị lắc đầu: không có. Thắc mắc vì sao chị chưa làm thẻ BHYT cho con ( cháu Trần Thảo Hoàng Anh, 11 tháng tuổi), chị trả lời: Vì em không biết, chưa nghe nói đến chính sách này. Chính vì vậy chị cũng không đem theo bất cứ giấy tờ nào như giấy khai sinh, chứng sinh của con để hưởng chế độ bảo hiểm.


Xem qua danh sách xin cấp thẻ BHYT trong tháng 6 của huyện Đô Lương, chỉ riêng xã Tân Sơn cũng đã thấy có rất nhiều trẻ sinh từ những năm 2005, 2006, 2007... bây giờ mới xin cấp ( hoặc đổi) thẻ, như trường hợp các cháu: Đào Thị Minh Lý, sinh ngày 17/10/2005 ở Xóm 1, cháu Nguyễn Thị Thuỳ Dương sinh ngày 8/4/2006 ở xóm 5, cháu Nguyễn Kim Phúc sinh ngày 22/4/2006 ở xóm 1... Ông Trần Văn Công, cán bộ chính sách xã Ngọc Sơn ( Đô Lương) cho biết, ở xã gần như 100% trẻ em trong độ tuổi đã được cấp thẻ, nhưng thực sự để đạt được kết quả ấy cũng không hề đơn giản. Dù đã tuyên truyền, vận động nhưng nhiều người dân vẫn có tâm lý xuê xoa, xem nhẹ. Chỉ khi cần thì mới đến "kêu".


Cũng không ít bậc cha mẹ không biết đến Luật BHYT và các chính sách liên quan đến quyền lợi của con, em mình. Theo anh Hoàng Công Trứ- Phó trưởng phòng LĐTBXH huyện Yên Thành thì phần lớn các trường hợp chậm làm thẻ ở huyện thường rơi vào các gia đình giáo dân, những trường hợp bố mẹ đi làm ăn xa ít quan tâm đến các chính sách xã hội và ít có thời gian quan tâm tới con cái. Có nhiều trường hợp thực sự vì hoàn cảnh và trình độ nhận thức nhưng cũng không ít người thờ ơ, không cần biết. Ngay cả khi có biết, nhiều bậc cha mẹ vẫn không làm thẻ cho con hoặc làm rồi cũng quên và đánh mất thẻ.

Theo các y, bác sỹ ở Bệnh viện Nhi Nghệ An, không phải tất cả các trường hợp không có thẻ BHYT đến khám đều là do phụ huynh chưa làm thẻ, hoặc không biết đến chính sách này. Có không ít trường hợp hiểu rất rõ nhưng vẫn " lách luật" vì đem theo giấy khai sinh cho tiện, đỡ mất công tìm thẻ. Nhiều trường hợp khi con cái đau ốm, đến cơ sở khám chữa bệnh hoặc khi phải chuyển tuyến yêu cầu cần đến thẻ BHYT thì bố mẹ mới chạy đôn chạy đáo đi làm thẻ.

Ngay tại buổi làm việc với Phòng LĐTBXH Đô Lương, chúng tôi chứng kiến trường hợp cháu Nguyễn Thị Gia Nhi, sinh ngày 20/10/2010 ở Khối 8 Thị trấn theo bố mẹ đi làm ăn xa, đến nay trở về quê, chẳng may cháu bị sốt cao phải nhập viện tuyến trên nên gia đình phải đến Phòng LĐTBXH năn nỉ cán bộ ở đây làm giúp thẻ BHYT cho cháu. Theo anh Trần Hữu Thưởng, cán bộ của Phòng thì đây là những trường hợp đột xuất nhưng cũng không hiếm gặp và cũng khó có thể nói " không" mặc dù biết là sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành cũng như BHXH.


Cá biệt, có nhiều vùng, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, đến cả việc khai sinh cho con người dân cũng không để ý thì nói gì đến chuyện làm thẻ. Nhiều người dân không hiểu hết được ý nghĩa của tấm thẻ, giữ thói quen khi con đau ốm tự đi mua thuốc cho tiện hoặc cho đi bệnh viện khám dịch vụ. Cũng không ít người tỏ vẻ e dè vì sợ nếu đăng kí BHYT tại địa phương sẽ mất thời gian làm thủ tục chuyển tuyến khi chẳng may con bị bệnh nặng. Cũng có những người mang tâm lý "chưa có bệnh thì chưa lo". Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến sự thờ ơ của chính quyền địa phương và cán bộ chính sách. Việc tuyên truyền, hướng dẫn chưa chu đáo, cộng thêm với công tác kiêm nhiệm ở địa phương quá nặng nề khiến cho nhiều nơi, các chính sách của Nhà nước chưa thực sự đến với người dân. Mặt khác, một số cán bộ địa phương khi lập danh sách làm thủ tục cấp thẻ đã muộn, nhưng khi có thẻ rồi lại chậm trễ trong việc phát thẻ đến tay người dân.


Do đó điều quan trọng là mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và hiểu đúng ý nghĩa của một chính sách lớn để chung tay cùng xã hội chăm lo tốt hơn cho con em mình.

(Còn nữa)


Thùy vinh

Mới nhất
x
Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi: Bài 2: Người dân còn thờ ơ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO