Báo Nga: Một chiếc Mistral có thể làm hại hàng trăm chiếc Rafale

01/12/2014 11:36

Vụ bê bối từ việc Pháp đình chỉ chuyển giao tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral cho Nga đang khiến Paris mất uy tín với tư cách là nhà cung cấp vũ khí tin cậy.

TIN LIÊN QUAN

Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin, ngày 1/12, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian sẽ đến New Delhi, gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.

Nếu thỏa thuận bán cho Ấn Độ 126 máy bay chiến đấu Rafale được ký kết, Paris hy vọng sẽ nhận được ít nhất 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, New Delhi không vội vã đi đến quyết định cuối cùng, không chỉ vì chi phí khổng lồ của giao dịch.

Vụ bê bối từ việc Pháp đình chỉ chuyển giao tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral cho Nga đang khiến Paris mất uy tín với tư cách là nhà cung cấp vũ khí tin cậy.

Theo Tiếng nói nước Nga, rắc rối trong giao dịch với Mistral cực kỳ bất lợi cho Pháp. Theo ước tính khác nhau, chỉ riêng tiền phạt do sai phạm hợp đồng với Nga đã có thể đạt tới 3-10 tỷ euro.

Máy bay chiến đấu Rafale

Máy bay chiến đấu Rafale

Tuy nhiên, dường như với Pháp, áp lực của Mỹ còn lớn hơn nhiều so với tất cả thiệt hại về kinh tế và uy tín đất nước.

Tiếng nói nước Nga nhận định, sự phụ thuộc của Pháp vào tình hình chính sách đối ngoại như vậy không thể không khiến cho Ấn Độ quan ngại.

"Việc từ chối chuyển giao tàu Mistral cho Nga chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến hình ảnh của Pháp với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí đáng tin cậy" - Phó Giám đốc Trung tâm phân tích tình hình mua bán vũ khí thế giới Vladimir Shvarev nhận định.

"Trước hết, điều đó sẽ ảnh hưởng đến các chương trình đang được thảo luận và được thiết kế cho nhiều năm. Đó là những chương trình như xuất khẩu máy bay chiến đấu Rafale" - ông Shvarev nói.

"Đây là chương trình lâu dài, bao gồm bán máy bay chiến đấu, bảo trì và cung cấp phụ tùng thay thế. Nếu Ấn Độ mua Rafale, nước này sẽ phụ thuộc vào Pháp trong nhiều thập kỷ tới" - ông Shvarev cho hay.

Rất dễ hình dung rằng nếu Mỹ muốn gây áp lực đối với Ấn Độ - chẳng hạn, khi có bất đồng nào đó về hợp tác trong WTO - họ có thể ép Paris chấm dứt thực hiện hợp đồng Rafale.

Khi đó, không quân Ấn Độ sẽ có nguy cơ thiếu đồng bộ máy bay chiến đấu hiện đại.

Brazil và Trung Quốc đã nếm trải nguy cơ tương tự. Theo các phương tiện truyền thông quốc tế, các nhà ngoại giao của những nước này bắt đầu hoài nghi về triển vọng hợp tác quân sự-kỹ thuật với Pháp.

Trước đó, hồi đầu tháng 9 năm nay, một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, New Delhi đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái giữa các bên trong thương vụ Mistral.

Nguồn tin này cũng cho biết với một hợp đồng có trị giá lên tới hàng tỷ USD và đã được thanh toán, thì việc trì hoãn ngưng triển khai do yếu tố chính trị tác động là điều không thể chấp nhận được.

Cũng cần lưu ý rằng, tình hình khó khăn của nước Pháp lại là thời cơ để các nước láng giềng trong EU tận dụng.

Thụy Điển đã đánh tiếng với New Delhi về tính ưu việt của máy bay chiến đấu Gripen của mình.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon gần đây đã phát biểu trên tờ Times of India rằng trong trường hợp từ bỏ hợp đồng với Pháp, Vương quốc Anh sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu đa chức năng Eurofighter cho Ấn Độ.

Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm 2 động cơ với cánh hình tam giác thuộc thế hệ 4,5 do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo, đây cũng chính là tiêm kích hiện đại nhất đang được Không quân Pháp sử dụng.

Máy bay được trang bị các hệ thống điện tử hàng không hiện đại, đặc biệt là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) RBE2 có khả năng phát hiện máy bay tàng hình.

Ngoài ra còn có hệ thống chiến tranh điện tử Spectra được quảng cáo sẽ giúp Rafale hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không đối phương.

Với thiết kế khí động học khá ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp.

Khi thao diễn ở tốc độ siêu âm, không khí đi qua cánh máy bay sẽ bị dồn nén lại và tạo nên hiệu ứng như bức màn che phủ.

Rafale còn có thể thực hiện động tác "rắn hổ mang" ở trạng thái động cơ gần như không hoạt động.

Mặc dù có kích thước khá khiêm tốn: dài 15,27m; sải cánh 10,8m; cao 5,34m; tầm hoạt động đạt tới 1.800 km; trọng lượng rỗng 9.060 kg nhưng Rafale lại có khả năng mang theo tới 9,5 tấn vũ khí.

Các loại vũ khí này gồm: tên lửa không đối không, không đối đất, chống radar, không đối hạm, bom hàng không có điều khiển;

Theo các chuyên gia, các thông số này của Rafale còn vượt trội cả tiêm kích hạng nặng Su-30 của Nga.

Tuy nhiên, hồi tháng 10 vừa qua, Đại sứ Nga tại Ấn Độ cho rằng Rafale có thể dễ dàng bị các tiêm kích Sukhoi của không quân Trung Quốc (dù đó là những chiếc Sukhoi nhái do Trung Quốc sản xuất) bắn hạ như... muỗi.

(Tổng hợp - Tri thức trẻ)

Mới nhất

x
Báo Nga: Một chiếc Mistral có thể làm hại hàng trăm chiếc Rafale
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO