Bảo tàng xô Viết Nghệ Tĩnh – Địa chỉ đỏ trên thành cổ Vinh
(Baonghean) - Nói đến Nghệ An là nói đến quê hương Xô viết, quê hương Bác Hồ kính yêu. Cứ mỗi dịp đến Nghệ An, ít ai lại không nhớ về Kim Liên thăm quê hương Bác, vào thành cổ Vinh tham quan Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh (XVNT.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là bảo tàng trưng bày chuyên đề về một sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc khi Đảng ta mới ra đời, đó là cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931. Đây cũng là một trong ba bảo tàng được thành lập sớm nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Điều đó nói lên vị trí, vai trò khá đặc biệt của Bảo tàng XVNT trong sự nghiệp xây dựng phát triển văn hóa nói chung và sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa nói riêng, đồng thời góp phần tạo ra một điểm nhấn trong phát triển kinh tế du lịch của Nghệ An.
Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động, Bảo tàng XVNT đã phấn đấu không ngừng và trưởng thành về mọi mặt, trở thành một thiết chế văn hóa nổi bật trong họat động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa xứ Nghệ. Với tinh thần XVNT, các cán bộ bảo tàng đã in dấu chân mình trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc và cả nước ngoài sưu tầm được gần 15.000 hiện vật, tài liệu, trong đó có 1/3 là tài liệu, hiện vật gốc. Đến nay, Bảo tàng XVNT đã lập hồ sơ xếp hạng và đã có 47 di tích XVNT được công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, trong đó có 39 di tích ở Nghệ An, 8 di tích ở Hà Tĩnh và một số di tích cấp tỉnh khác. Nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy tác dụng rất tốt. Bảo tàng XVNT đã thực hiện 7 lần chỉnh lý, bổ sung nhà trưng bày, phục vụ hơn tám triệu lượt khách trong nước quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và cán bộ lãnh đạo các cấp. Đồng thời, cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm khoa học, thi tìm hiểu về XVNT, xuất bản được nhiều công trình nghiên cứu, tài liệu khoa học và nhiều bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Ngoài hoạt động tại chỗ, Bảo tàng đã chủ động, sáng tạo, vượt khó, tổ chức nhiều đợt trưng bày lưu động, nói chuyện truyền thống, giao lưu văn hóa, thi tìm hiểu lịch sử XVNT khắp nơi trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, từ vùng núi cao đến hải đảo, tích cực tham gia chủ trương đưa văn hóa về cơ sở. Cơ sở vật chất của Bảo tàng được quan tâm đầu tư xây dựng, từ đống hoang tàn sau chiến tranh, đến nay Bảo tàng đã khá khang trang, đẹp đẽ, trang thiết bị khá hiện đại, đáp ứng được yêu cầu phục vụ tham quan, nghiên cứu, tổ chức các hoạt động văn hóa.
Như chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa thế hệ ông cha và con cháu hôm nay, Bảo tàng XVNT đã trở thành một địa chỉ đỏ rất đỗi quen thuộc với du khách muôn phương, có ý nghĩa giáo dục truyền thống “ đi đầu, dậy trước” của xứ Nghệ, tô thắm thêm biểu tượng anh hùng của quê hương Bác Hồ kính yêu. Với những thành tích đạt được, tập thể và các cá nhân của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã được tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng 3, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nghệ An…
Phát huy truyền thống nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, để ngọn lửa XVNT luôn rực cháy trong tâm hồn mỗi người dân xứ Nghệ, lan toả mạnh mẽ đến đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đoàn thể, sự ủng hộ của các ngành và nhân dân, mỗi cán bộ nhân viên của Bảo tàng XVNT cần phấn đấu nâng cao hơn nữa năng lực, trí tuệ, phẩm chất và phong cách làm việc mới, tạo nên những chuyển biến sâu sắc trong toàn bộ hoạt động của Bảo tàng, đưa hoạt động của Bảo tàng lên tầm cao mới, xứng đáng với tinh thần và khí phách của những chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng.
Nguyễn Xuân Thủy