Bảo tồn đàn voi ở Nghệ An: Việc làm cấp thiết!

26/06/2013 14:12

Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh có đàn voi tự nhiên và sinh cảnh sống tốt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đàn voi ở Nghệ An đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Từ năm 1995 đến nay,  ít nhất đã có 9 con voi (trong đó 8 con voi đực, 1 con cái) bị bắn hoặc giết chết bằng mìn, bị giết để lấy ngà. Việc bảo tồn đàn voi đang hết sức cấp thiết. Việc bảo vệ người dân trước sự tấn công của voi, cũng như nâng cao kiến thức, ý thức của người dân trong việc bảo tồn đoàn voi cũng cấp thiết không kém...Khi  voi rừng về… bản

(Baonghean) - Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh có đàn voi tự nhiên và sinh cảnh sống tốt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đàn voi ở Nghệ An đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Từ năm 1995 đến nay, ít nhất đã có 9 con voi (trong đó 8 con voi đực, 1 con cái) bị bắn hoặc giết chết bằng mìn, bị giết để lấy ngà. Việc bảo tồn đàn voi đang hết sức cấp thiết. Việc bảo vệ người dân trước sự tấn công của voi, cũng như nâng cao kiến thức, ý thức của người dân trong việc bảo tồn đoàn voi cũng cấp thiết không kém...

Khi voi rừng về… bản


Nắng tháng 6 chang chang, con đường từ trung tâm xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn vào bản Cao Vều hun hút khói bụi. Dọc đường vào bản, anh Phan Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, đùa rằng, lâu nay, người dân Cao Vều xác định nghề chính là trồng rừng, và trồng rừng cũng để nuôi voi. “Hầu hết người dân trong vùng đều đã từng giáp mặt với voi. Chuyện voi về “thăm” nương rẫy, lán trại là chuyện thường như cơm bữa”, anh Đức vừa kể vừa chỉ tay về đống phân voi to tướng nằm chềnh ềnh bên mép đường nhựa và cho biết rằng, cách đây mấy hôm, đàn voi đã qua khu vực này nhưng may mắn không làm ai bị thương.

Trong ngôi nhà khang trang của Trưởng bản Cao Vều 1 Nguyễn Văn Châu, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện khá ly kỳ về voi. Trước đây, mỗi năm đàn voi thường kéo nhau về bản 2 - 3 lần vào các mùa măng, mùa mía, nhưng từ mấy năm nay, voi về liên tục, không theo quy luật nào. Ban ngày đang yên bình là thế nhưng ban đêm, chúng có thể về tận nhà dân để tìm muối, ăn măng, ăn mía. Nếu gặp người, chúng sẵn sàng nổi giận, quật chết.



Dấu chân voi trong vườn trưởng bản.

Giữa tháng 4 vừa qua, đàn voi về phá hoại cánh rừng nguyên liệu của gia đình trưởng bản Châu, cách nhà chừng 100 mét. Sau đó, chúng di chuyển sang khu vực khe Ráy, quật chết anh Lương Văn May (SN 1982) ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương, một phu gỗ đang đi bắt cá dưới khe. Trước đó, đêm 27/5/2011, khi đang ngủ trong lán ở khu vực rừng Bãi Cồi, anh Vi Văn Sinh (41 tuổi) ở xã Lục Dạ, Con Cuông và 2 người khác phát hiện có tiếng động lạ. Tưởng là trâu bò đến phá lán, anh Sinh và mọi người dậy đuổi thì bị những con voi rừng quật, 2 người chạy thoát, riêng anh Sinh bị voi giẫm chết.

Tại xóm Bãi Lim, thuộc khu vực Cao Vều, người dân còn nhớ trận “đại chiến” giữa đàn voi và những người dân ở đây vào năm 2006. Đợt đó, đàn voi gồm 5 con voi lớn bất ngờ về bản húc đổ nhà và giẫm nát vườn tược của một người dân, sau đó, trên đường di chuyển chúng đã phá hoại hết ruộng mía, đồi chè trên đường đi. Người dân cùng nhau khua chiêng, gõ mõ, thắp đuốc dầu suốt đêm để đuổi voi. Trong trận chiến hôm đó, đàn voi đã bỏ đi nhưng anh Nguyễn Hữu Thân bị quật gãy xương sườn, gãy chân, phải xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu…



Vợ chồng bà Huệ diễn tả lại cảnh người dân Cao Vều đốt đuốc đuổi voi trong đêm.

Chuyện giáp mặt với voi rừng của người dân vùng Cao Vều xảy ra như cơm bữa. Nếu như trước đây, voi rừng chỉ về ở khu vực bãi Lim, dốc Dài, đồi Thông Bá, mé đồi Cao Vều 1,… thì nay đàn voi về tận nhà dân, đi lững thững giữa đường nhựa như trâu bò và sẵn sàng tấn công nếu bắt gặp người.

Bà Nguyễn Thị Huê, công nhân Lâm trường Anh Sơn, nhà ở cạnh con đường nhựa từ trung tâm xã Phúc Sơn vào Cao Vều chỉ tay về phía đồi keo của gia đình và cho biết rằng, cách đó ít ngày, đàn voi đi qua, hai ông bà phải thức dậy thắp đuốc dầu sáng trưng và nín lặng chờ đợi chúng đi qua chứ không dám ra đuổi vì sợ bị tấn công. “Những gia đình ở quanh đây, trong nhà ai cũng có đuốc dầu, đuốc nứa để sẵn sàng đuổi voi. Nhiều nhà thấy voi, phải bật điện sáng trưng, nổ xe máy, dùng vung nồi gõ liên hồi để voi không vào nhà”, bà Huê cho biết.

Theo anh Phan Văn Đức, trước đây đàn voi thường sợ ánh sáng, sợ tiếng khua chiêng gõ mõ nhưng hiện nay, chúng tỏ ra “chai lì” và hung dữ hơn rất nhiều. Trong lúc đi tìm thức ăn, nếu bị làm phiền bằng tiếng xe máy, đèn điện, thì chúng sẽ sẵn sàng quay lại để tấn công. Nhiều người dân đã bị voi đuổi trong tình huống như vậy.

Cuối năm 2012, trên đường đi tiếp xúc cử tri từ bản Cao Vều về qua đoạn dốc dài, anh Đức gặp đàn voi, dù cố gắng bật sáng đèn xe máy, nổ máy lớn nhưng vẫn bị voi đuổi theo. “Hôm đó, đàn voi 3 con lao thẳng vào xe máy khiến tôi phải quay xe bỏ chạy. Nếu chậm chân thì chắc chắn đã bị chúng quật chết”, anh Đức rùng mình nhớ lại.

Giải pháp nào bảo tồn đàn voi ở Nghệ An?

Ông Trần Xuân Cường - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, Nghệ An có 3 khu vực hiện được “khoanh vùng“ là có voi (khoảng 13-17 con): Vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát, vùng lõi và vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, vùng lõi và vùng đệm khu rừng đặc dụng Pù Hoạt. Tại những khu vực này đều đã xảy ra xung đột giữa voi - người và gây ra những thiệt hại về tài sản, hoa màu và cả tính mạng của người dân. Ở bản Bu và bản Kìa Nà, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, đàn voi nhiều lần xuất hiện, giẫm nát hoa màu và phá hoại rừng trồng của dân; Tại bản Thỉn, bản Lục Sơn thuộc xã Lục Dạ và khu vực Lâm trường huyện Con Cuông, đàn voi quật ngã các biển báo hai bên đường Thác Kèm, phá mét của Lâm trường Con Cuông, húc đổ xe máy và phá hoa màu của dân bản; Tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, đàn voi đã về tàn phá hoa màu của các đội viên tổng đội TNXP số 2; ở huyện Tương Dương, đàn voi thường về vùng rừng của xã Thạch Giám.



Voi rừng Pù Mát.

Nghệ An được đánh giá là một trong những khu vực có sinh cảnh tốt nhất cho voi rừng sinh sống. Theo khảo sát của Vườn quốc gia Pù Mát, ở Nghệ An đã phát hiện 62 loài thức ăn của voi, trong đó có 51 loài cây rừng và 11 loài cây trồng. Nhiều khu vực rừng ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong từ lâu nay đã trở thành điểm sống lí tưởng cho đàn voi.

Trong ba khu vực được khoanh vùng có voi ở Nghệ An thì Vườn quốc gia Pù Mát được ghi nhận là có số lượng quần thể voi lớn nhất và là quần thể voi có khả năng phát triển, vì kích thước đàn lớn (3-5 cá thể tại khu vực Khe Thơi và 5 cá thể tại khu vực Cao Vều) và trong đàn có voi con. Không chỉ có sinh cảnh sống phù hợp và hệ thực vật làm thức ăn cho voi phong phú mà Nghệ An cũng là nơi đàn voi rừng tự nhiên đang sinh sản. Năm 2011, tại khu vực rừng Bãi Lim thuộc vùng Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, người dân từng phát hiện voi đẻ con và báo cho lực lượng chức năng.

Được đánh giá là có khả năng phát triển, song đàn voi rừng ở Nghệ An trong thời gian qua đã suy giảm nhanh chóng vì tình trạng săn bắn để lấy ngà hay tình trạng người dân đặt mìn giết voi để trả thù. Theo “Báo cáo đánh giá hiện trạng voi châu Á và xung đột voi và người tại Vườn quốc gia Pù Mát”, từ 1995 đến nay đã có ít nhất 9 con voi bị bắn hoặc giết chết bằng mìn. Vào ngày mồng 3 Tết âm lịch năm 1996, người dân vùng Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn đã đặt mìn giết chết 3 con voi khi chúng về tàn phá hoa màu, mùa màng; ít năm sau đó, cũng gần khu vực rừng Cao Vều, cơ quan chức năng phát hiện 2 con voi đực bị giết để lấy ngà. Mới đây nhất, cuối năm 2010, tại khu vực giáp ranh giữa Cao Vều và huyện Thanh Chương, 1 con voi đực cũng bị giết với đôi ngà đã bị cưa mất.

Việc đàn voi bị suy giảm vì con người, ngoài nguyên nhân săn bắn để lấy ngà thì nguyên nhân chính là do sự xung đột voi – người trong khu vực mà chúng sinh sống và tìm kiếm thức ăn. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, việc đàn voi thường xuyên ra khỏi rừng, phá hoại hoa màu, rừng trồng và thậm chí là tấn công người dân đến từ nhiều nguyên nhân. Chủ yếu nhất là do đàn voi thiếu thức ăn, thiếu muối nên chúng phải đi tìm. Nơi cư trú, sinh cảnh sống của voi bị con người tác động quá nhiều, một số cánh rừng trước đây là nơi voi sinh sống và tìm thức ăn nay đã bị tàn phá khiến chúng phải tìm đến các khu dân cư để tìm thức ăn, muối khoáng. Nguyên nhân nữa, voi là loài vật rất thông minh, khi bị con người trêu ghẹo hoặc giết chết thì những con khác trong đàn sẽ tìm cách trả thù, gây xung đột với con người. Bên cạnh đó, có thể kể đến nguyên nhân sinh lí như vào mùa voi động đực nhưng các đàn voi này thiếu voi đực hoặc thiếu voi cái khiến chúng giận dữ.

Thực trạng đó cộng với việc một số cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học cũng chưa được trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản trong công tác bảo tồn đối với loài voi, chưa có các hoạt động nghiên cứu khoa học để làm cơ sở đưa ra các giải pháp phát triển bền vững quần thể voi hoang dã; nhận thức của cộng đồng địa phương nơi có đàn voi sinh sống còn hạn chế, trình độ hiểu biết pháp luật thấp nên chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc bảo tồn voi. Họ chưa được trang bị kiến thức để tránh được sự xung đột voi - người,... đã khiến cho đàn voi ngày càng bị suy giảm trong khi sự xung đột giữa voi và người ngày càng tăng thêm.

Trước thực trạng đàn voi ngày một suy giảm, sự xung đột voi - người tăng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có giải pháp bảo tồn đàn voi, hạn chế rủi ro đối với người dân khi bị voi tấn công. Thiết nghĩ, Đề án bảo tồn voi mà Chính phủ vừa phê duyệt là cơ sở, điều kiện quan trọng để Nghệ An thực hiện giải pháp bảo tồn đàn voi.

Đứng trước thực trạng đàn voi rừng tự nhiên ở Việt Nam đang suy giảm nghiêm trọng, cuối tháng 5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2020” với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững những quần thể voi hoang dã và voi nhà hiện có ở Việt Nam. Cùng với Đắk Lắk và Đồng Nai thì Nghệ An là địa phương sẽ có các hạng mục dự án được thực hiện với mục tiêu bảo tồn và phát triển đàn voi rừng, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, ngăn chặn tình trạng săn bắn, giết hại voi và các loài động vật nguy cấp, quý hiếm theo quy định hiện hành. Đồng thời, tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại voi; nâng cao kỹ năng phòng, chống xung đột voi - người; ngăn chặn tình trạng xâm canh, xâm cư trong khu vực được quy hoạch bảo tồn voi,...


Vinh - Khoa

Mới nhất
x
Bảo tồn đàn voi ở Nghệ An: Việc làm cấp thiết!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO