Bảo tồn đi đôi với khai thác

21/10/2014 09:44

(Baonghean) - Cũng như nhiều địa phương khác, TP Vinh hiện đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng hiện có trên địa bàn.

TIN LIÊN QUAN

Việc bảo tồn đã khó, việc phát huy các di sản lại càng khó hơn. Khó từ kinh phí cho đến tư duy, cách làm. Và thế là sa vào cái vòng luẩn quẩn là không bảo tồn tốt thì không khai thác, phát huy được giá trị cả về tinh thần lẫn vật chất, mà không phát huy được thì lại không có nguồn thu, kinh phí để trùng tu, duy tu và bảo dưỡng di tích.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do các di tích lịch sử-văn hóa và các danh lam, thắng cảnh đang hiện diện trên địa bàn thành phố đều ở mức “thường thường bậc trung”. Ít có, mà nói đúng ra là không có những di tích tầm cỡ nổi tiếng trong nước và trên thế giới như Hà Nội, Huế, Ninh Bình… nên khả năng tạo sự chú ý và thu hút du khách là không cao. Thậm chí có những di tích mà ngay người dân sở tại cũng không nắm bắt đầy đủ thông tin cũng như ý nghĩa lịch sử, văn hóa chứ đừng nói đến khách thập phương. Cho nên, rất khó khai thác, phát huy được những giá trị vốn có để có nguồn thu từ việc bán vé tham quan, và các dịch vụ khác phục vụ cho việc duy tu, bảo tồn. Vì thế, kinh phí dành cho việc bảo tồn, duy tu các di tích hầu như chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Mà ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực này luôn ở trong tình trạng “giật gấu vá vai”.

Để khắc phục được vấn đề này thì phải thay đổi tư duy, cách làm ngay từ đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực này. Trước hết là phải loại bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại vào ngân sách thành phố mà phải chủ động tìm kiếm kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau. Nên nhớ, dân ta tuy chưa giàu, nhưng với những việc có ý nghĩa, có giá trị về mặt tinh thần, tâm linh thì hầu như không mấy ai tiếc công, tiếc của. Vấn đề là phải biết cách khơi dậy tinh thần, tấm lòng của dân sở tại. Vì ai ai cũng rất tự hào là khi nơi chốn mình sinh sống có những công trình, di tích gây ấn tượng, thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Cho nên, di tích nằm ở địa bàn nào thì tập trung kêu gọi sự tham gia, đóng góp công sức của người dân nơi đó vào việc tu bổ tôn tạo, bảo vệ và khai thác các giá trị của di tích đó. Vì người được hưởng lợi trực tiếp là người dân sở tại nên họ phải là những người có trách nhiệm đầu tiên.

Mặt khác, cũng phải tuyên truyền cho người dân hiểu, việc góp công, góp của vào bảo tồn di tích cũng như là góp vốn vào một công trình, một dự án để thu lợi lâu dài về sau ở trên nhiều phương diện. Việc này nên làm thí điểm ở một di tích cụ thể để rút kinh nghiệm rồi sau đó mới nhân ra diện rộng. Khi lựa chọn được rồi thì việc thực hiện việc tu bổ di tích phải được thực hiện một cách đồng bộ từ tu bổ kiến trúc, nội thất tới tôn tạo cảnh quan sân vườn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, phòng chống cháy, trộm, cải tạo hệ thống đường đi lối lại trong và xung quanh di tích, xây dựng các khu quản lý và dịch vụ... Để có thể trở thành một địa điểm tham quan, du lịch đáng chú ý trong chuỗi các điểm đến nằm trong các tua của ngành Du lịch. Nghĩa là phải làm hoàn chỉnh một địa điểm rồi mới thực hiện việc kết nối với ngành Du lịch để tạo ấn tượng với du khách ngay từ ban đầu. Và cũng từ công trình thí điểm đó, việc thuyết phục các doanh nghiệp du lịch tham gia cùng đầu tư tu bổ, tôn tạo rồi khai thác sẽ trở nên dễ dàng hơn vì họ đã thấy được khả năng thu lợi. Đi cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích bằng hình ảnh và những cuốn sách cẩm nang về di tích để phục vụ du khách. Và cũng là để người dân sở tại hiểu rõ hơn giá trị nhiều mặt của di tích, có ý thức giữ gìn, bảo vệ và tham gia đầu tư, khai thác di tích cùng các danh thắng sẵn có. Cách hay nhất để tăng tính hấp dẫn của di tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan là tổ chức các hoạt động văn hoá, nhất là văn hóa tâm linh có liên quan đến di tích ngay tại di tích.

Tóm lại, muốn bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các danh thắng trên địa bàn TP Vinh thì phải có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập như đã nói ở trên. Và biện pháp hay và hiệu quả là phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cộng đồng thông qua việc bảo tồn đi đôi với khai thác các giá trị của di tích. Để đôi bên cùng có lợi, thành phố thì bảo vệ được các di tích mà không phải bỏ ra quá nhiều kinh phí từ ngân sách, còn người dân vừa được hưởng lợi cả về tinh thần lẫn vật chất.

Duy Hương

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Bảo tồn đi đôi với khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO