Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá làng

12/12/2014 09:41

(Baonghean) - Văn hóa làng là yếu tố được hình thành, bổ sung và phát triển cùng với lịch sử lâu đời của dân tộc, góp phần tạo nên sự đa dạng trong nền văn hóa Việt. Hiện nay, trước xu thế hội nhập và phát triển văn hóa làng đang đứng trước sự mai một, hiện tượng đó đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Sự biến đổi của làng quê

Từ khi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được triển khai đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, với nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, các chương trình đang nghiêng về việc phát triển kinh tế, chưa tập trung đầu tư nhiều cho văn hóa. Hầu hết các xã triển khai đề án nông thôn mới có quy hoạch giống nhau. Trong quá trình quy hoạch, không gian nông thôn bị phá vỡ, nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể chưa được quy hoạch lưu giữ và phát huy đúng tầm vóc. Đội ngũ quản lý văn hóa còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hóa ở địa phương. Công tác chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới còn chạy theo thành tích, do đó, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Thực trạng này đã kéo theo nhiều biến đổi văn hóa làng, xã.

Cây đa, giếng làng ở xã Xuân Lâm (Nam Đàn). Ảnh: Bùi Văn Dũng
Cây đa, giếng làng ở xã Xuân Lâm (Nam Đàn). Ảnh: Bùi Văn Dũng

Cảnh quan đặc trưng nông thôn truyền thống cây đa, bến nước, sân đình... gần như bị thu hẹp. Diện tích đất nông nghiệp cũng bị thu hẹp, diện tích đất ở, kinh doanh tăng nhanh, các công trình công cộng đã làm mờ nhạt không gian cư trú và không gian sản xuất vốn khá rõ ràng ở nông thôn trước kia. Những hình thức quần tụ mới, khu công nghiệp mới, “phố làng” mới tập trung dân cư theo nghề nghiệp như những hộ làm kinh doanh, buôn bán hoặc những hộ làm dịch vụ, những hộ làm trang trại xuất hiện ngày một nhiều, phổ biến ở Diễn Hồng (Diễn Châu), làng ở Hưng Đông, Hưng Hòa (Thành phố Vinh), làng ở Nghi Tân, Nghi Hương (Thị xã Cửa Lò)...

Không gian của các công trình như nhà văn hóa, chợ, cổng làng, đường làng ngõ xóm... được xây dựng, sửa sang khiến cho các làng mang dáng dấp đô thị. Không gian và cảnh quan hiện tại của làng là không gian đan xen giữa làng và phố, giữa hiện đại và truyền thống, giữa làng nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hầu hết các làng trên địa bàn tỉnh đều hướng đến cơ cấu kinh tế mở kết hợp sản xuất, buôn bán và dịch vụ. Một số làng vẫn giữ nghề nông truyền thống, nhưng đưa thêm yếu tố công nghiệp và thương nghiệp vào. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế chủ yếu là hoạt động nông nghiệp tự cung, tự cấp, sản xuất hàng hóa và hình thức sản xuất hiện nay chủ yếu là kinh tế hộ.

Biến đổi kinh tế kéo theo biến đổi lối sống, nhiều làng, xóm hiện nay hình thành lối sống độc lập theo phố; cùng đó, lối sống công nghiệp coi trọng tốc độ và hiệu quả, lối sống thị trường cọi trọng sự hưởng thụ và sòng phẳng... đang là hiện tượng phổ biến ở nông thôn. Hiện nay, việc đầu tư khôi phục di tích được đẩy mạnh, nhưng bị chi phối bởi nhiều yếu tố như cảnh quan thực tế, nhu cầu hiện tại của người dân, thiết kế di tích hiện nay có ít nhiều thay đổi cả về cảnh quan chung và từng chi tiết. Bên cạnh đó, việc xây dựng thiết chế văn hóa trong nông thôn mới chưa thật đồng bộ giữa cơ sở vật chất và con người. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang nhưng sử dụng chưa hiệu quả. Phương thức và cơ chế hoạt động còn mang tính hình thức. Việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa chưa tốt, nhiều lãng phí, nhiều nhà văn hóa thôn được đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng xây xong chỉ phục vụ cho một số cuộc họp. Vì thiếu nội dung sinh hoạt nên người dân cũng không xem nhà văn hóa là điểm sinh hoạt, nơi vui chơi giải trí cho người dân...

Cùng với sự phát triển kinh tế theo hướng nông thôn mới, tại các địa phương đã để lại nhiều tồn tại như: Tình trạng người lao động thiếu việc làm lại là hiện tượng phổ biến ở nông thôn. Tỷ lệ dân sống ở vùng nông thôn giảm và đang có hiện tượng một bộ phận dân cư không nhỏ tuy sống ở nông thôn, nhưng không còn là nông dân vì không còn đất canh tác, thậm chí không có việc làm; cùng với quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu - nghèo cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 12,5% (năm 2013), nhưng tỷ lệ này ở vùng nông thôn cao hơn; mối quan hệ tốt đẹp về “tình làng, nghĩa xóm” được cha ông ta xây dựng từ bao đời đang chịu sự chi phối bởi tác động của kinh tế thị trường.

Hiện tượng nhà sát nhà, kín cổng, cao tường, cửa đóng, then cài; sự bận rộn trong làm ăn khiến người dân nông thôn ít có thời gian để tiếp xúc với nhau, làm cho mối quan hệ xóm giềng có phần phai nhạt. Hiện nay, rất nhiều cán bộ xã không được đào tạo chuyên sâu về văn hóa, nhưng đảm nhiệm phụ trách văn hóa, vì thế đã có những ảnh hưởng không tốt đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới; sự du nhập nhanh của nhiều luồng văn hóa bên ngoài khiến tình hình an ninh của các làng trở nên khó kiểm soát. Tệ nạn xã hội gia tăng, làm cho nhiều vùng quê không còn bình yên. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều làng đã trở thành khu công nghiệp, đất nông thôn lên giá nhanh chóng, dẫn đến những mâu thuẫn nội tại cần giải quyết thấu đáo.

Truyền thống và hiện đại

Việc phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới là yêu cầu được các cấp, ngành, địa phương đặt ra. Nhưng giải pháp căn bản chính là nội tại của mỗi làng, xóm. Do đó, cần nâng cao trách nhiệm của người dân đối với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa làng, bởi người dân vừa là đối tượng hưởng thụ, là những chủ thể sáng tạo văn hóa. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa và xây dựng thiết chế văn hóa. Quá trình đó, cần nhân rộng những mô hình văn hóa gia đình, câu lạc bộ văn hóa làng, dòng họ đặc trưng của từng vùng miền… Các giải pháp cần gắn với hoạt động cụ thể trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, làng văn hóa, dòng họ văn hóa, tổ dân cư văn hóa; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ quản lý văn hóa, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới, các huyện, xã cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm huy động tối đa nguồn lực để xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với văn hóa tiến bộ. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế quản lý thực hiện nếp sống văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới. Phục hồi, tôn tạo các di sản văn hóa: Lãnh đạo các địa phương cần phối hợp với Ban Quản lý di tích danh thắng Nghệ An để phân loại, đánh giá lại các di tích tại các làng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đánh giá di tích để lập quy hoạch tu bổ, phục dựng di tích. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng. Cần thiết lập quy hoạch tổng thể cho không gian làng dựa trên cơ sở thực tế từng địa phương, cũng như việc tìm ra mô hình kiến trúc nhà ở thực sự hợp lý cho nông thôn hiện đại.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới là điều kiện cần thiết ở mỗi làng quê trên địa bàn tỉnh. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để văn hóa làng truyền thống được phát huy giá trị trong xây dựng nông thôn mới đang là bài toán khó với mỗi làng quê. Điều này, đòi hỏi mỗi làng quê cần chọn lọc những tinh hoa văn hóa, dựa trên nguyên tắc kế thừa, giao lưu và phát triển. Theo đó, “gạn đục khơi trong” để phát huy những yếu tố tích cực, lược bỏ các mặt hạn chế, làm cơ sở cho việc tiếp thu các giá trị văn hóa mới một cách thiết thực. Có như vậy mới vừa phát huy hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới vừa bảo tồn đúng hướng các giá trị văn hóa làng truyền thống.

Lê Hiếu

Mới nhất
x
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO