Bảo tồn phong tục, tập quán: Phải "gạn đục, khơi trong"

01/11/2014 07:48

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống tạo nên bức tranh văn hoá đa sắc về các phong tục, tập quán. Trong đó tục ma chay, cưới hỏi của mỗi dân tộc lại có nét đặc trưng riêng, tạo nên sự đa dạng, đặc sắc cho mỗi vùng, miền, nhất là ở miền Tây. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại không ít hủ tục, kéo theo những hệ luỵ buồn… Do đó, để bảo tồn bản sắc các dân tộc trong việc cưới, việc tang, phải biết “gạn đục, khơi trong”.

TIN LIÊN QUAN

Lễ hội Xăng Khan của người Thái ở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương cầu mong cuộc sống no đủ và sức khỏe.
Lễ hội Xăng Khan của người Thái ở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương cầu mong cuộc sống no đủ và sức khỏe.

Tục xưa truyền lại

Lên xã rẻo cao Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi may mắn được tham dự một đám cưới của người Mông. Cô dâu Thò Y Pìa, bản Huồi Giảng 1 xúng xính trong bộ váy áo truyền thống. Cô tự hào khi được khoác lên mình bộ váy màu sắc sặc sỡ được làm bằng vải lanh, nhuộm màu chàm đen, trên thân váy trang trí hoa văn, xếp nếp, xòe rộng như đuôi con công. Thò Y Pìa còn được trang điểm bằng những trang sức như: trâm, hoa tai, vòng bạc, cho đến cách búi tóc… Đó cũng chính là của hồi môn của mẹ tặng con gái trước khi về nhà chồng.

Nét độc đáo trong nghi thức đám cưới của người Mông được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Theo thời gian, tục “bắt vợ” của người Mông ít nhiều đổi khác nhưng vẫn giữ được những lễ tục mang tính tượng trưng. Cô dâu Thò Y Pìa và chú rể Vừ Pa Tủa đã có thời gian tìm hiểu nhau và cả hai đều đã “ưng cái bụng”. Cô dâu thuận lòng về nhà trai và được làm vía, làm các thủ tục “nhập ma”. 3 ngày sau, nhà trai cùng ông mối là người đại diện đi hỏi vợ cho chú rể; mang theo những lễ vật truyền thống (gạo, lợn, gà, rượu…). Với người Mông, ông mối sẽ đảm nhiệm việc cúng mâm cơm tổ tiên của nhà trai đưa về nhà gái trong đám hỏi cũng như lễ cưới. Ông mối được lựa chọn là những người uy tín trong bản; người đứng ra tổ chức lễ cưới cho hai người; với ý nghĩa là cầu nối hạnh phúc, mang may mắn đến cho cô dâu, chú rể. Trưởng bản Vừ Bá Dềnh cho biết: “Ngày trước, tục cưới của người Mông còn mang nặng những nghi lễ phức tạp, ông mối nhất thiết phải là người đảm trách nghi lễ này. Bây giờ trai, gái bản tự do tìm hiểu, khi nào ưng nhau mới bàn chuyện cưới xin nên các tập tục cũng được rút gọn. Người Mông giờ không còn thách cưới bạc nén nhiều và không mở tiệc linh đình, tốn kém như trước nữa”.

Cũng như dân tộc Mông, nét đẹp văn hóa tâm linh từ bao đời của ông cha truyền lại trong việc cưới, ma chay của đồng bào dân tộc Thái, đều có ông bà mối, thầy mo. Đến bản Phòng, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, chúng tôi theo chân thầy mo Sên Văn Quản đi làm ông mối cho đôi vợ chồng Moong Y Bình ở bản Chắn. Thầy mo Quản nay đã 80 tuổi, gắn bó với nghề làm mai mối hơn 40 năm nay. Đến nay, thầy mo Quản không còn nhớ đã làm mối, làm vía cho bao nhiêu cặp đôi. Cụ Quản cho biết: Ngày xưa, nguyên tắc chọn ông mối hay bà mối là người có uy tín, hiểu biết về các nghi lễ, nói năng lưu loát và điều quan trọng nhất là phải song toàn cả vợ và chồng, con cái hiền lành và thành đạt trong cuộc sống. Người Thái gọi ông mối, bà mối là “Ạnh lạm”, “Mệ lạm” có vai trò như cha mẹ đẻ, quyết định các vấn đề quan trọng trong suốt cuộc đời của hai vợ chồng. Nay những tập tục về cưới hỏi vẫn được lưu giữ, nhưng có sự thay đổi nhỏ, đó là, người làm mối cho đôi trẻ không quy định là thầy mo, người già trong bản. Bây giờ các gia đình mời người thân quyến có vai vế trong xã hội đến làm chủ hôn”.

Còn trong việc tang của người Thái từ xưa đến nay vẫn giữ được truyền thống, thầy mo là người chủ trì các hoạt động lễ của gia đình có việc tang đó. Hiện nay, việc tang ở trong bản Thái đã được thực hiện theo nếp sống mới nhưng vẫn còn nhiều gia đình giữ tục lệ của bản như: làm tục “non tang, mọp tang” (nằm đường); tức là khi bố, mẹ mất, các con trai nằm giữa đường để xe tang đi qua với ý nghĩa mang theo tội lỗi nơi trần gian để con cháu được sống yên lành; con dâu mặc váy đen để chịu tang bố, mẹ chồng…

“Gạn đục, khơi trong”

Trước đây, bà con người Đan Lai, bản Cò Phạt, thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông quanh năm đói khổ, các phong tục, tập quán lạc hậu đeo bám dai dẳng; mỗi khi có người ốm đau đều mời thầy mo về khài cúng. Không ít người mắc bệnh đã thiệt mạng do quan niệm bệnh tật do con ma rừng làm tội. Chị La Thị Hà, bản Cò Phạt tâm sự: “Năm trước, chồng bị đau bụng dữ dội, nhiều người nói do con ma về làm tội, gia đình đi tìm thầy mo về đuổi. Thầy mo về bắt mổ lợn, gà làm phép hơn một ngày mà vẫn không đuổi được con ma ra khỏi người. May nhờ các anh bộ đội biên phòng đưa ra trạm xá khám, chẩn đoán bị ngộ độc, được tiêm thuốc, truyền dịch uống thuốc nên đã khỏi bệnh…”.

Lên Tri Lễ, xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện rẻo cao Quế Phong, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nghe câu chuyện của những học sinh mới 14, 15 tuổi đã phải làm bố, mẹ… Em Lương Thị T. ở bản Tà Pán, học sinh lớp 9C, học được nửa học kỳ rồi đột ngột nghỉ học. Thầy, cô giáo lặn lội gần nửa ngày đường về bản hỏi thăm mới biết em nghỉ học để lấy chồng. Tục “bắt vợ” khiến tình trạng tảo hôn vẫn còn xẩy ra nhiều ở các bản vùng cao người Mông. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tri Lễ, Bùi Thị Cúc buồn bã: “Năm nào, ở trường cũng có 4-5 trường hợp học sinh người Mông nghỉ học để lấy chồng, lấy vợ, trong đó có những em học khá. Hầu hết phụ huynh đều đồng ý để các em nghỉ học, bởi đa phần họ vẫn còn quan niệm phụ nữ không cần học lên cao, chỉ làm bổn phận lên nương, làm rẫy và sinh con”.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn phát huy nét đẹp văn hoá trong việc cưới, việc tang nói riêng và các phong tục, tập quán của đồng bào các DTTS nói chung còn gặp nhiều khó khăn: sự phát triển kinh tế và quá trình hội nhập đã phần nào làm mai một, phai nhạt tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào; công tác tuyên truyền còn hạn chế bởi giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp… Do đó một số bản, làng vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu. Thiết nghĩ, để bảo tồn những nét đẹp trong phong tục truyền thống cần chú trọng đến nguyên tắc “bảo tồn sống”, tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng.

Hiện nay, khi cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” đã lan toả ở các bản, làng, đến với những buổi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc, thì những hủ tục trong cưới hỏi, ma chay dần bị xoá bỏ. Thế nhưng, ở những bản, làng vùng sâu, xa như xã Nhôn Mai (Tương Dương) những tập tục cũ của đồng bào Mông không dễ gì xoá bỏ. Ông Kha Văn Lương, cán bộ văn hoá xã Nhôn Mai, trăn trở: “Tục của người Mông khi một người đã có vợ chết đi, nếu vợ của người chết đồng ý, người anh/em trai có thể (tự nguyện) lấy em/chị dâu làm vợ. Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình được phổ biến đến từng người dân; nhưng tục lệ đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của người dân mặc dù có giảm dần nhưng trong xã vẫn còn có trường hợp lấy chị/em dâu”...

Những tập tục cưới xin, ma chay của đồng bào các dân tộc các miền núi cao đang góp phần làm phong phú vốn văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam nói chung, ở Nghệ An nói riêng. Bởi vậy, để bảo tồn và phát huy nét đẹp những tập quán tốt đẹp và hạn chế, đi đến loại bỏ một số tập quán không còn phù hợp, thời gian qua UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện các quyết định, quy định, đề án về một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An. Trong đó có nhiều đề án được Sở VH-TT và DL chỉ đạo triển khai đạt hiệu quả như Đề án “Bảo tồn và Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015” của huyện Tương Dương, Đề án “Xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số” ở huyện Quỳ Hợp… Ngoài ra, công tác quy hoạch và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư.

Ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho biết, những năm gần đây đời sống bà con người Mông ngày một khấm khá hơn, các hủ tục lạc hậu cũng dần được xoá bỏ nhờ những đóng góp không nhỏ của trưởng bản. Điển hình như ở bản Huồi Mới 1, mấy năm gần đây nhờ Trưởng bản Lỳ Tông Súa đi đầu thực hiện nếp sống mới, đến vận động từng hộ dân tổ chức việc cưới, việc tang theo nếp sống mới để không tốn kém nên ở Huồi Mới 1, người Mông không còn hiện tượng tảo hôn, không để người chết nhiều ngày trong nhà… Có thể nhận thấy vai trò của người đứng đầu các bản, làng là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần biết cách phát huy tốt vai trò các nghệ nhân, cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn phong tục của dân tộc mình. Bởi các nghệ nhân, các gia đình có truyền thống gìn giữ nét đẹp phong tục, tập quán các dân tộc góp phần quan trọng trong việc định hình, phát huy các giá trị cổ truyền trong đời sống hiện nay.

Đinh Nguyệt - Phạm Ngân

Mới nhất
x
Bảo tồn phong tục, tập quán: Phải "gạn đục, khơi trong"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO