Bảo tồn, tôn tạo di tích văn hóa: Chậm, bởi nhiều vướng mắc

10/03/2011 10:44

Mặc dù đã được phê duyệt nhưng nhiều năm qua một số dự án bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh vẫn "dậm chân tại chỗ" hoặc triển khai rất chậm.

Thực tế, có nhiều nguyên nhân xung quanh vấn đề này. 50% dự án đã được triển khai trong số 20 dự án được phê duyệt trong thời gian qua là con số quá ít. Trong số này, một số dự án được tiến hành tu bổ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện, như dự án bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Cuông, dự án bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Kim Liên...

Một số khác như Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, Quảng trường và nghĩa trang Thái Lão... mặc dù đã được khởi công và tiến hành tu bổ được một số công trình nhưng nay tiến độ chậm so với ban đầu. Các dự án còn lại như Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Đền Vua Lê...hiện cũng chưa thể triển khai được mặc dù đã phê duyệt vài năm nay...


Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: Internet

Một trong những nguyên nhân khiến cho các dự án bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh ta triển khai chậm hơn so với kế hoạch, đó là do thiếu vốn. Như ở Dự án Quảng trường và Nghĩa trang Thái Lão, theo phê duyệt ban đầu, dự án có tổng số vốn 300 tỷ đồng nhưng hiện mới được cấp 6 tỷ. Dự án Khu Di tích đền Cờn có tổng số vốn 25 tỷ đồng nhưng nay mới được cấp 5 tỷ.

Dự án Khu lưu niệm Phan Bội Châu dù phần hồ sơ khảo sát đã hoàn thành, các hộ dân liền kề cũng đã đồng ý với kế hoạch di dời nhưng do dự án mới được cấp 3 tỷ (trên kế hoạch 5 tỷ) nên chưa thể giải tỏa mặt bằng để tiến hành tu bổ. Cũng liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, nhiều dự án nay đang lâm vào thế "khó" vì giá đất đền bù liên tục tăng cao trong khi ngân sách chi cho đền bù "dậm chân tại chỗ".

Điển hình như ở dự án đền Cờn, trước kia do người dân đòi giá đền bù khá cao nên phần sân lễ hội đã được đổi sang một vị trí mới. Nay sau nhiều năm chưa có vốn để xây dựng, giá ở khu đất mới lại bị đội cao như phần sân trước kia. Nhiều người đặt câu hỏi nếu dự án còn bị ách tắc thì giá còn chưa biết lên đến mức nào và không biết đến bao giờ mới có thể giải tỏa được.

Việc phụ thuộc vào các nhà tư vấn là các đơn vị ngoại tỉnh cũng là một nguyên nhân khiến cho các dự án bị chậm. Sở dĩ có hiện tượng này là bởi hiện gần như không có một đơn vị nào trong tỉnh có đủ chuyên môn và kinh nghiệm để lập các dự án về tôn tạo các di tích văn hóa. Thiếu nhân lực nội tỉnh, nên gần như 100% các dự án tôn tạo di tích trên địa bàn Nghệ An đều phải thuê công ty tư vấn ngoài tỉnh, do ở xa, điều kiện làm việc trực tiếp với các công trình trong quá trình thi công không nhiều nên hạn chế trong việc đôn đốc công việc.

Quá trình phê duyệt hồ sơ tôn tạo di tích có quá nhiều thủ tục và đồng thời bị chi phối bởi nhiều luật như Luật Di sản Văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Ngân sách... cũng là một trở ngại khiến nhiều nhà tư vấn "ngại" khi đi thẩm định hồ sơ. Đó cũng là lý do vì sao dự án tu bổ đền Hồng Sơn, dự án tu bổ đình Lương Sơn đã có kế hoạch trùng tu nhiều năm nay, nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa được phê duyệt.

Có thể các dự án trên sẽ còn bị kéo dài trong nhiều năm, vì mới đây, để tránh tình trạng lạm phát tăng cao Bộ Kế hoạch và đầu tư đã ra kế hoạch giãn tiến độ cho các dự án kém hiệu quả, tập trung vốn cho các dự án hoàn thành năm 2011 và các dự án quan trọng, cấp bách và không khởi công mới với các dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn đầu tư - ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh cho biết. Về việc huy động xã hội hóa nguồn vốn, ông Thanh cho rằng đó là một giải pháp khó khả thi bởi lâu nay việc đóng góp trùng tu di tích chỉ mới dừng lại ở các di tích dòng họ. Ngay như dự án trùng tu Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, dù đã có nhiều đơn vị đăng ký hỗ trợ nhưng số tiền chuyển về thực tế chưa đáng là bao.

Trước thực tế này, tỉnh và ngành văn hóa cũng cần rà soát lại các dự án và ưu tiên cho những dự án đang làm dang dở và những dự án đã xuống cấp nghiêm trọng, tránh đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, vừa tốn tiền vừa mất nhiều thời gian. Song song với việc trùng tu, các địa phương cũng cần phối hợp trong việc bảo vệ, gìn giữ các di tích, quan tâm công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích, phối hợp với địa phương làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho các di tích, bổ sung các phương án phòng chống cháy nổ, phòng chống bão lụt...


Mỹ Hà

Bảo tồn, tôn tạo di tích văn hóa: Chậm, bởi nhiều vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO