Bảo vệ an toàn tuyến đê Tả Lam: Vẫn còn nhiều vướng mắc
Đê Tả Lam là tuyến đê quan trọng bảo vệ an toàn cho các huyện: Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Tp Vinh và đoạn đường sắt thống nhất Bắc - Nam, Quốc lộ 1A. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho tuyến đê này được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu khi mùa mưa bão đang đến gần.
(Baonghean) - Đê Tả Lam là tuyến đê quan trọng bảo vệ an toàn cho các huyện: Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Tp Vinh và đoạn đường sắt thống nhất Bắc - Nam, Quốc lộ 1A. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho tuyến đê này được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu khi mùa mưa bão đang đến gần.
Tuyến đê ven sông Lam là tuyến đê chắn lũ dài nhất với 169,34 km, được chia thành 2 cấp tuyến đê Tả Lam cấp III dài 68,22km và tuyến đê cấp IV dài 101,12 km. Tuyến đê này được xây dựng với cao trình đê cao hơn mức lũ hoàn nguyên 1978 từ 0,4 đến 1,8m, với chiều rộng mặt đê từ 3 đến 5m, và hầu hết đều có mái phía trong và ngoài đê. Trên bề mặt đê, tính đến nay đã có 22,799 km được kiên cố nhiều đoạn đã có cơ đê, được trồng cây chắn sóng, và 17 hệ thống kè bảo vệ, cùng nhiều hệ thống khác như: cống, cửa khẩu qua đê... Tuy nhiên, trên thực tế dù luôn thường xuyên được đầu tư nâng cấp, tu bổ, thế nhưng những ẩn họa trong thân đê và nền đê như: mối, sủi, sạt trượt, ao hồ ven chân đê... vẫn còn tồn tại, khiến cho công tác bảo vệ đê luôn đặt trong tình trạng thường trực. Theo thiết kế tuyến đê Tả Lam chỉ chống được mức lũ tương ứng tần suất P=1,05%, tương đương mức lũ hoàn nguyên năm 1978.
Địa điểm sạt lở tại xã Hưng Lam đang được khẩn trương kè chân đê, tu bổ.
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn đê điều chưa được xử lý triệt để.
Trên toàn tuyến đã xác định có 8 điểm trọng điểm xung yếu cần được tập trung bảo đảm. Trọng điểm Yên Xuân (đoạn qua xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên) từ Km74+600-Km78+600, được xác định là khu vực trọng điểm loại I, bởi đê nằm trên nền cát thô, dày từ 5-13m, trong năm thường chịu nắng hạn kéo dài khoảng 6 tháng, nên đất trở nên háo nước, dễ bị phá vỡ kết cấu khi có mưa, vì thế đã nhiều lần xẩy ra sủi nghiêm trọng, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được triệt để. Hơn nữa tại khu vực này, dòng chảy của đoạn sông biến đổi phức tạp, hình thái sông không ổn định, nhất là khi cầu Yên Xuân được mở rộng thêm 3 nhịp về phía Nam, trong khi có lũ, dòng chảy xoáy cuộn tại các lạch sâu gần bờ tả, gây ra sạt lở hệ thống kè bảo vệ bờ. Tại đoạn qua xã Hưng Phú, Hưng Khánh (huyện Hưng Nguyên), từ Km80+600-Km82+650 thân đê trực diện với hợp lưu của hai nhánh sông Lam và sông La, dòng chảy thẳng góc với đê nên thường xuyên gây xói lở chân đê, đặc biệt trong mùa lũ càng xói lở mạnh hơn. Phía trong đê khu vực này lại có nhiều ao, hồ sát chân đê, nên thường gây tình trạng sủi, và mạch nước, gây nguy cơ sụt lở. Trong khi chưa thể đầu tư xây dựng được một hệ thống đê kiên cố, vững chắc bằng bê tông, và kè mái đê, kè bảo vệ chân đê, thì việc xác định khu vực trọng điểm đã giúp cho các đơn vị chức năng có thể tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ đê ở từng thời điểm. Bình thường, đối với những khu vực thường bị xói lở, thì phương án kỹ thuật chủ yếu là dùng rọ thép đựng đá hộc thả vào các đoạn bị sạt lở, hay đóng cọc tre vào các điểm bị sạt lở, bị sủi đất. Vào thời điểm nước lũ lên cao, thì các khu vực trọng điểm này cũng được chú trọng hơn, như tập trung nhân lực và các phương tiện, các loại đá, cát, rọ thép, cọc tre... để sΩn sàng hộ đê khi cần thiết.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhung - Chi cục Phó Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh thì, hiện nay, với những diễn biến phức tạp của mưa lũ, việc bảo vệ an toàn cho các tuyến đê là điều tối cần thiết. Thế nhưng, việc đảm bảo an toàn cho các tuyến đê còn gặp phải rất nhiều vướng mắc. Trong đó, kinh phí để tu bổ, nâng cấp hệ thống kè bảo vệ tại các tuyến đê xung yếu, cũng như nâng cao tần suất chống lũ cho đê, còn khó khăn. Vì vậy, dù UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ sông Cả theo Quyết định số 6009/QĐ.UBND-NN ngày 31/12/2008, nhưng đến nay vẫn chưa thi công, nên hiện tại tuyến đê Tả Lam chỉ đảm bảo chống được mức lũ tương ứng tần suất P=1,05% nếu lũ lớn hơn thì sẽ rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm an toàn hành lang đê điều đang diễn ra tràn lan ở nhiều nơi, cũng là một vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ đê. Ngay như trên tuyến đê dọc sông Lam đoạn từ cầu Bến Thủy đến cầu Yên Xuân, nhiều hộ dân ngang nhiên xây nhà, quán ngay trên thân đê, làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn cho đê. Nhiều năm qua, Hạt Quản lý đê điều Hưng Nguyên I đã kiểm tra và lập biên bản xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm, chủ yếu như: xây dựng quán, nhà, tập kết đất đá, cát sỏi trong hành lang bảo vệ đê... Ngoài ra, việc hút cát, sạn một cách vô tội vạ cũng là một nguyên nhân khiến dòng chảy của sông bị thay đổi, tác động trực tiếp đến sự an toàn của tuyến đê làm cho công tác bảo vệ đê trở nên khó khăn hơn, nhất là trong điều kiện mùa mưa lũ đang đến gần.
Đặng Cường - Phạm Bằng