Bảo vệ khoáng sản: Cần phương thuốc chữa "lời nguyền tài nguyên"
Nói tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, là sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế, tài nguyên khoáng sản đang rơi vào tay tư nhân chứ không phải Nhà nước. Đó là nhận định của phần lớn các chuyên gia khoáng sản khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về thực trạng “doanh nghiệp đào mỏ, tận diệt tài nguyên không thương tiếc.”
Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì tài nguyên khoáng sản đang rơi vào tay tư nhân chứ không phải Nhà nước. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Vậy làm sao để các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tuân thủ theo đúng chiến lược phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, chống tham nhũng và bảo vệ môi trường? Thêm vào đó, cơ quan chức năng cần làm gì để đất nước sớm thoát khỏi “lời nguyền tài nguyên” như câu hỏi đặt ra của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước rằng: "Chảy máu tài nguyên - chả nhẽ mình bó tay?"
Ám ảnh “lời nguyền tài nguyên”
Mở đầu câu chuyện “lời nguyền tài nguyên” trong một buổi trò chuyện với báo chí diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua, tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nhấn mạnh: “Nói tài nguyên là sở hữu toàn dân nhưng thực chất chỉ là sở hữu của một nhóm lợi ích.”
Theo tiến sỹ Sơn, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chỉ biết đào mỏ theo tư duy “dê làm khổ bò” (nghĩa là dễ thì làm, khó thì bỏ), thực tế này đã dẫn tới việc doanh nghiệp chỉ khai thác phần nổi, gây lãng phí tài nguyên và gia tăng ô nhiễm môi trường cho người dân khuc vực.
Trong khi đó, “cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa kiểm soát được sản lượng khoáng sản doanh nghiệp kê khai là bao nhiêu. Thành ra, lượng khoáng sản thực mà doanh nghiệp rút ruột được vẫn là những ẩn số. Đây cũng là điều tất yếu khi người dân sống quanh các khu mỏ càng nghèo, càng khổ bao nhiêu thì tỷ lệ nghịch với nó là độ giàu có theo hướng mũi tên lên thẳng của các chủ mỏ, doanh nghiệp,” tiến sỹ Sơn lo lắng.
Đồng tình quan điểm trên, kỹ sư Nguyễn Đồng Hưng, Chánh văn phòng Tổng hội Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng, việc quản lý tài nguyên theo phương pháp sở hữu toàn dân là cái nảy sinh ra lợi ích nhóm đáng sợ nhất, bởi mọi nguồn thu dân không hay biết, trong khi việc đánh giá trữ lượng tài nguyên khoáng sản không rõ ràng.
Có thể lấy ví dụ như tại tỉnh Yên Bái - một trong những tỉnh sở hữu nhiều mỏ đá quý nhất cả nước, nhìn vào những dãy núi bạt ngạt đá trắng, nhiều người tin rằng nguồn khoáng sản này sẽ đem lại nguồn thu khổng lồ cho địa phương. Thế nhưng, nhiều năm nay, việc lập báo cáo đánh giá trữ lượng và hồ sơ xin cấp phép khai thác đều do các doanh nghiệp khai khoáng thực hiện và đề xuất khi lập dự án đầu tư.
“Không lẽ đây là một sai sót trong công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng?” kỹ sư Hưng đặt câu hỏi.
Qua câu chuyện thất thu khoáng sản, tiến sỹ Đào Trọng Hưng, chuyên gia môi trường Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, nhấn mạnh nhiều năm nay Việt Nam đang tồn tại lỗ hổng lớn trong khâu xác định trữ lượng. Ông cho rằng không thể nói có đá quý, có khoáng sản theo cách gọi nước ta có rừng vàng biển bạc được, mà phải căn cứ vào số liệu cụ thể để quản lý từng điểm, khu vực.
Tiến sỹ Đào Trọng Hưng cũng cho biết hiện một số địa phương vẫn đang duy trì quyền lực cấp mỏ theo cơ chế “xin-cho,” mặc dù Luật Khoáng sản năm 2010 đã đưa ra cơ chế minh bạch hơn là đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc thực hiện cơ chế này vẫn gặp nhiều khó khăn vì theo luật, nhiều mỏ vẫn được cấp phép mà không phải đấu giá.
Về áp lực tài chính, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, theo quy định hiện nay, 70% thuế tài nguyên đang được nộp cho địa phương, 30% nộp cho Trung ương, song việc sử dụng các khoản thu-chi này như thế nào thì lại thiếu minh bạch. Thêm vào đó, tình trạng cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan (trong đó 50% giấy phép do địa phương cấp) là vi phạm pháp luật.
“Chính điều này đã dẫn đến tình trạng tham nhũng, gây ô nhiễm môi trường, xuất khoáng sản lậu vẫn còn rất nghiêm trọng và tình trạng chênh lệch giàu nghèo tăng lên ở các địa phương có khai thác khoáng sản,” ông Doanh nói.
Cần “siết” quản lý mỏ, minh bạch nguồn thu
Trước tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản thiếu bền vững như hiện nay, trong một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm với đất nước, trách nhiệm với con cháu trong quản lý tài nguyên và khai thác khoáng sản.
"Bây giờ phương thức khai thác chưa hiệu quả thì cứ để đó, con cháu chúng ta sau này thông minh hơn sẽ khai thác. Đã là khoáng sản thì phải khai thác cho hiệu quả để phát triển bền vững đất nước," Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Ở góc độ nhà khoa học, tiến sỹ Đào Trọng Hưng, chuyên gia môi trường Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, cho rằng để hoạt động khai khoáng thật sự mang lại hiệu quả, góp phần phát triển bền vững, Việt Nam cần phải đảm bảo yêu cầu minh bạch nguồn thu của doanh nghiệp.
Những quả núi bạt ngàn đá quý ở tỉnh Yên Bái nay đã bị doanh nghiệp san phẳng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
“Giả sử như 20 năm sau doanh nghiệp họ đóng mỏ hết thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm, trong khi tài nguyên đã cạn kiệt mà ảnh hưởng môi trường thì vẫn còn đó và hậu quả thiên tai, lũ quét sẽ đổ lên đầu ai?” tiến sỹ Hưng nêu lên mối lo ngại.
Tiến sỹ Hưng cũng nhấn mạnh, việc doanh nghiệp tư kê khai sản lượng khai thác khoáng sản là việc làm rất hiện đại, cởi mở theo cách làm của các nước tiên tiến. Tuy nhiên, với nước ta, chỉ dựa vào tính tự giác của doanh nghiệp thôi thì chưa đủ mà cần phải có sự giám sát cùng với việc thực thi các chính sách, nghị định và thể chế rõ ràng.
Ngoài ra, để tránh thất thu khoáng sản, theo tiến sỹ Hưng, việc quản trị tốt tài nguyên khoáng sản ở cấp địa phương cũng phải đảm bảo thực hiện các đánh giá một cách liên tục và đầy đủ nhằm điều chỉnh các chiến lược chính sách cho phù hợp.
Dẫn chứng “lời nguyền khoáng sản,” chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch trong khai thác tài nguyên khoáng sản để chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm những hệ luỵ, bức xúc trong xã hội.
Theo ông Doanh, để phát triển bền vững từ ngành khai khoáng, nước ta cần tham gia vào sáng kiến minh bạch trong khai thác khoáng sản (EITI). Đây là một sáng kiến được Liên Hiệp Quốc công nhận nhằm thúc đẩy minh bạch nguồn thu, chống tham nhũng và bảo vệ môi trường trong quá trình doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Tú, Trưởng nhóm hỗ trợ liên minh vận động chính sách nhấn mạnh, sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng hiện đang được nhiều nước sử dụng để chống tham nhũng rất hiệu quả.
Ông Tú cũng khẳng định, sáng kiến này dù không phải là “phương thuốc chữa bách bệnh” của ngành khai khoáng, nhưng ít nhất nó cũng giúp cải thiện được những phần nổi, góp phần làm minh bạch hơn các hoạt động quản lý, thu chi của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản.
“Chính vì lẽ đó, Việt Nam cần tham gia EITI để thoát khỏi lời nguyền tài nguyên, góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên một cách hiệu quả và phát triển bền vững về lâu dài,” ông Tú khuyến nghị./.
Theo Việt Nam +