Bất cập chính sách nghề cá

17/04/2014 09:25

(Baonghean) - Nghề cá là nghề truyền thống, rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, giữ gìn chủ quyền biển đảo nhưng chính sách đang rất yếu và thiếu. Chỉ riêng năm 2013, tỉnh ta đã xẩy ra 23 vụ tai nạn tàu cá, trong đó có 2 vụ nghiêm trọng với 16 thuyền viên gặp nạn. Thực tế đó đòi hỏi cần quan tâm chăm lo chế độ bảo hiểm cho ngư dân để họ yên tâm bám biển.

Chuẩn bị đá lạnh cho chuyến ra khơi tại Cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Phạm Bằng
Chuẩn bị đá lạnh cho chuyến ra khơi tại Cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Phạm Bằng

Tai nạn gia tăng

Chúng tôi đến xóm Minh Thành (Quỳnh Long, Quỳnh Lưu) - nơi cách đây hơn 3 tháng, chỉ trong một ngày, xóm chài này đã vĩnh viễn mất đi 8 thanh niên là lao động trụ cột trong các gia đình. Quang cảnh xóm đìu hiu, đàn ông đi biển hết, những người phụ nữ ở nhà vá lưới đợi thuyền về. Chị Trần Thị Hải thắp nén hương lên bàn thờ anh Bùi Hoàng Hiệp - người con trai đầu đến nay vẫn còn mất tích, nước mắt chảy tràn trên gương mặt hốc hác, chị kể: “Nó là lao động chính trong nhà, mới lấy vợ, con mới được 4 tháng tuổi. Cả nhà vay mượn đóng được con tàu 1,5 tỷ đồng, mới đi được một chuyến thì gặp nạn. Hôm đó Hiệp còn gọi điện bảo đang về, nhà chuẩn bị ra bến bán cá, nhưng rồi ba ngày sau vẫn không thấy, gia đình làng xóm mới báo lên xã, lên huyện nhờ tìm nhưng không được. Sau đó lại tìm được 2 thi thể trôi dạt vào bờ biển Kỳ Anh mới tin là tàu gặp nạn. Đến nay con thì mất không tìm thấy xác, tàu cũng chìm luôn, gia đình lâm vào nợ nần”.

Hỏi về việc anh Hiệp và các ngư dân khác có tham gia bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm tàu cá không, gia đình cho biết: Bảo hiểm thuyền viên thì tham gia đầy đủ, còn bảo hiểm tàu cá thì không. Nên khi tàu chìm không được đền bù gì. Còn bảo hiểm thuyền viên mới được thanh toán một nửa là 10 triệu đồng, cơ quan bảo hiểm trả lời là để xem 6 tháng nữa những người mất tích có trở về không đã (?). Chị Hải buồn bã: Nếu con tôi mà về được thì cần gì đến số tiền 10 triệu đồng!

Không chỉ có xóm Minh Thành (Quỳnh Long), trước đó ngày 27/11/2013, tàu cá NA – 90249 - TS của anh Nguyễn Văn Trí ở xóm Tân An - An Hòa - Quỳnh Lưu bị gãy sào, tàu nghiêng, sóng đánh chìm khiến 8 thuyền viên mất tích, thiệt hại tài sản 2,5 tỷ đồng. Anh Trần Ngọc Sơn - chủ tàu NA - QL 0020 - TS trú ở thôn Phú Lợi 2, xã Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai) kể khi anh đang bẫy ghẹ ở biển khơi thì gặp sóng to, gió lớn làm tàu bị bốc neo, hậu quả là tàu bị chìm và hư hỏng nặng, may mắn là anh và các thuyền viên được các tàu bạn đến cứu, nhưng cũng thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Cũng trong năm 2013, khi đang đánh bắt cá tại đảo Bạch Long Vĩ, tàu của ông Nguyễn Văn Mạnh ở xóm Đồng Tiến, bị tai nạn và chìm luôn. Mặc dù ông Mạnh may mắn được cứu sống nhưng tàu của ông nằm lại dưới đáy biển và ông cũng không mua bảo hiểm cho tàu lẫn bảo hiểm cho người, vì vậy không được hỗ trợ khi xẩy ra tai nạn.

Còn tàu của anh Đoàn Bình ở xóm Đồng Tiến (Quỳnh Lập, T.X Hoàng Mai), công suất 400 CV, khi đang khai thác ở Bãi Chùa Bá đã va phải rạn ngầm làm tàu bị sổ nước, vỏ tàu bị hỏng, thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Tàu của anh Trần Văn Tâm ở thôn Quyết Thắng, xã Diễn Bích (Diễn Châu), khi đang khai thác gặp phải nước chảy mạnh do lũ dẫn đến mất lái, bị đánh dạt vào bờ, chìm tàu bị thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Trước đó, năm 2012, tàu cá của gia đình ông Trần Đình Hội có công suất 240 CV ở xóm Quyết Tâm (Quỳnh Lập) bị lốc xoáy đánh chìm làm chết 3 người. Mặc dù đã được đồn biên phòng cứu nhưng thiệt hại về tàu và người rất lớn. Trong đó đáng nói là các nạn nhân đã không mua bảo hiểm thuyền viên, vì vậy khi gặp tai nạn đã không được đền bù…

Xóm trưởng xóm Minh Thành - ông Trần Trung Chính cho biết: có đến 180 hộ/340 hộ là đi biển; 18 tàu đánh bắt xa bờ công suất 90 CV trở lên. Hiện nay bảo hiểm tàu cá chưa ai tham gia vì quá đắt đỏ, tàu cá chủ yếu vay nợ nhiều nên không có điều kiện mua bảo hiểm (bảo hiểm tàu cá hết khoảng vài trăm triệu đồng), nhưng bảo hiểm thuyền viên cơ bản đóng cả. Thuyền viên đời sống còn rất khó khăn, Nhà nước cần hỗ trợ bảo hiểm cho họ để họ yên tâm bám biển. Mặc dù chỉ 300 ngàn một người nhưng nhiều người vẫn không có tiền để đóng.

Thuyền trưởng Trần Đức Tài có tàu công suất 550 CV ở Minh Thành (Quỳnh Long) cho biết: “Cuộc sống sông nước lắm rủi ro, dù đã rất cẩn thận nhưng vẫn không thể đoán trước điều gì, bởi vậy chúng tôi mong nhận được nhiều hơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nếu có điều kiện hỗ trợ cho chúng tôi các loại máy dò, nếu không thì có chính sách hỗ trợ bảo hiểm cũng là điều rất mừng”.

Cần chính sách hỗ trợ mạnh hơn

Trong những năm qua, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khu vực biển Đông cũng xuất hiện nhiều bão, áp thấp nhiệt đới, nhiều cơn bão đi không theo quy luật. Trong khi đó, tàu thuyền trên biển ngày càng gia tăng, luồng lạch hàng hải không phải ai cũng rõ. Tai nạn tàu cá vì vậy cũng gia tăng trong quá trình chạy bão… Thống kê của Sở NN và PTNT Nghệ An: Chỉ riêng trong năm 2013, đã xẩy ra 23 vụ tàu cá gặp tai nạn, gây rủi ro nghiêm trọng về người và tài sản của bà con ngư dân. Nhiều vụ với hậu quả đau lòng, tàu chìm thuyền viên mất tích cuộc sống của gia đình thuyền viên rất khó khăn.

Trước những mất mát đó, nhiều chủ tàu đã nhận thấy vai trò quan trọng của bảo hiểm thuyền viên để cho mình và bạn thuyền yên tâm bám biển. Anh Phan Văn Hải - chủ tàu NA 90905 công suất trên 600 CV, ở Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai) cho biết: “Để yên tâm bám biển và đảm bảo quyền lợi cho anh em cùng đi, tôi luôn mua bảo hiểm thuyền viên cho tất cả mọi người. Một người 300.000 đồng/năm, tổng cộng 4,5 triệu đồng/năm cho 15 người. Hơn nữa sau nhiều tai nạn xẩy ra bộ đội Biên phòng cũng kiểm tra gắt gao: ai không có bảo hiểm thuyền viên không được ra khơi”. Anh Hải mua bảo hiểm tại các đại lý của xã Quỳnh Lập. Nhưng khi hỏi anh đã mua bảo hiểm cho tàu cá chưa thì anh cho biết không mua nổi. Nếu mua đủ phải 200 triệu đồng, đó là số tiền quá lớn bởi anh cũng như nhiều chủ tàu khác đang phải vay mượn rất nhiều khi đóng tàu. Còn anh Nguyễn Hữu Thành (Đồng Tiến, Quỳnh Lập) lại đưa ra quan điểm: Đối với tàu cá anh không mua bảo hiểm, còn bảo hiểm thuyền viên thì năm mua, năm không. Lý do là anh thấy có những vụ tai nạn nhưng để lấy cho được tiền đền bù quả là “bở hơi tai”. Bao nhiêu là thủ tục, giấy tờ phải làm mà anh và nhiều người khác thường xa khơi bám biển, ít khi ở nhà nên rất ngại. Biết là không mua bảo hiểm thì rủi ro nhiều nhưng đành chịu bởi bớt được đồng nào hay đồng đó.

Lập gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng

Ngày 15/4, tại TP Đà Nẵng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức hội nghị “Về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết: “Chúng tôi cam kết sẽ thành lập gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi sẽ triển khai thí điểm chính sách tín dụng hỗ trợ các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu”. Về chính sách vay vốn cho ngư dân vươn khơi bám biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Việc người dân đóng tàu công suất lớn, cải hoán đánh bắt xa bờ; tàu hậu cần cho nghề cá; nuôi trồng thủy sản… sẽ áp dụng vay 5%/năm, thời hạn cho vay 10 năm. Ngoài nguồn hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương cần hỗ trợ thêm cho ngư dân để làm sao mức vay của ngư dân chỉ còn khoảng 3 - 4% là tốt nhất”.

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI đã có Nghị quyết về hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên đối với ngư dân nghèo, ngư dân chính sách đánh bắt hải sản ngoài khơi trên tàu 90CV trở lên. Tuy nhiên, chính sách này cũng không được triển khai mạnh ở cơ sở. Nguyên nhân là những gia đình nghèo ở vùng biển thường là những gia đình chỉ có người già, hoặc phụ nữ, hoặc không có người đi biển. Trong khi gia đình có người đi biển lại không được xếp vào hộ nghèo, vì vậy, chính sách đã không hiệu quả. Ông Bùi Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) - một xã có nghề khai thác mạnh nhất Quỳnh Lưu với 35 chiếc tàu vây, cho biết: Ngư dân đang phải tự nộp bảo hiểm thuyền viên cho mình, mặc dù số tiền không nhiều nhưng lại rất có ý nghĩa khi ngư dân gặp nạn. Bởi vậy, nếu Nhà nước hỗ trợ được chính sách “nhỏ nhất” này thì thật là an dân.

Còn ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: Hiện nay chính sách cho nghề cá của tỉnh Nghệ An đã bộc lộ nhiều bất cập. Nghề cá là nghề truyền thống, rất quan trọng của tỉnh nhưng chính sách đang rất yếu. Ngay như Hà Tĩnh, ngư dân đóng một con tàu công suất từ 400 CV trở lên đã được hỗ trợ 400 triệu đồng/tàu, thì Nghệ An mới chỉ hỗ trợ 58 triệu đồng/tàu. Đối với ngư dân, bảo hiểm thuyền viên là vấn đề rất cần thiết, là vấn đề nhân đạo cần được Nhà nước hỗ trợ để tất cả ngư dân đều an tâm bám biển.

Bảo hiểm thuyền viên giống như “áo phao” cho ngư dân. Nhưng hiện nay nhiều tàu chưa trang bị loại “áo phao” này. Nhiều ngư dân đưa ra so sánh: Hiện nay với nhà nông, Nhà nước đã có chính sách bảo hiểm nông nghiệp nhằm hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp bù đắp thiên tai thiệt hại, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trong đó Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho người nghèo, 90% hộ cận nghèo, với các hộ thường mức phí hỗ trợ lên tới 60%. Những hộ trồng lúa, nuôi trâu bò, lợn, gà, gia cầm, thủy sản gồm cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng đều được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Trong khi đó bảo hiểm thuyền viên với rủi ro cao lại chưa được Nhà nước hỗ trợ.

Châu Lan

Mới nhất
x
Bất cập chính sách nghề cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO