Bất cập neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền
(Baonghean) - Nghệ An hiện có khoảng 4.200 tàu thuyền, trong đó có trên 1.200 phương tiện có công suất 90 CV trở lên. Tuy nhiên, khu neo đậu cho tàu thuyền vừa yếu lại vừa thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của ngư dân, nhất là trong mùa mưa bão...
![]() |
Tàu cá neo đậu tại Lạch Cờn (TX Hoàng Mai). |
Quá tải ở các khu neo đậu
Chúng tôi có mặt tại lạch Cờn - nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân 2 phường Quỳnh Phương, Quỳnh Dỵ và xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai). Trên bờ, các ngư dân đang gấp rút thu dọn ngư lưới cụ; dưới bến, hàng chục con tàu đang neo đậu san sát. Ngư dân Hồ Trung Cần ở khối Thân Ái, phường Quỳnh Phương vừa thoăn thoắt gỡ lưới vừa nói vẻ lo lắng: “Gần đây bà con đầu tư tàu lớn để khai thác ngày càng nhiều, thế nhưng mỗi khi nghe dự báo thời tiết có gió mùa, mưa bão là chúng tôi rất lo lắng vì không có nơi trú tránh an toàn, nhất là tàu lớn vì khó qua được cầu Cờn. Bình thường mực nước thấp có thể qua được; chứ ngày nước lớn, nhất là khi hồ Vực Mấu xả nước lớn thì chỉ có cách chạy lên cầu Hoàng Mai. Có khi cầu Hoàng Mai cũng quá tải phải chạy ra cả Thanh Hóa. Ngư dân chúng tôi mong muốn Nhà nước đầu tư nâng cấp luồng lạch để yên tâm vươn khơi bám biển”.
Tại bến lạch Quèn, bám theo con lạch, hàng chục con tàu đang neo đậu. Theo nghề đã hơn chục năm nay, anh Hồ Mậu Dương - ngư dân ở xóm 5, Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) cho biết: “Bình thường thì việc neo đậu không quá khó, nhưng phải theo con nước, theo ngày. Khó nhất là khi thời tiết mưa bão, tàu thuyền thiếu nơi trú tránh. Hiện nay, lạch Quèn phía Quỳnh Thiện chỉ có không quá 10 tàu neo, phía Tiến Thủy khoảng vài chục phương tiện trong khi thực tế có khoảng 400 tàu của các xã Tiến Thủy, Quỳnh Long, An Hòa và Quỳnh Nghĩa. Thiếu nơi neo trú tránh cũng khiến không ít chủ tàu mất tình, mất nghĩa, nhiều vụ xô xát đã xảy ra trong ngư dân”.
Huyện Quỳnh Lưu hiện có 2 khu neo đậu tàu thuyền chính là lạch Quèn và lạch Thơi nhưng có tới 1.230 tàu các đánh bắt thủy, hải sản, trong đó có 640 chiếc công suất lớn đánh bắt xa bờ. Hiện các khu neo đậu chỉ đảm bảo được koảng 50% so với số lượng tàu thuyền thực có. Việc thiếu nơi neo đậu, nhất là thời điểm cuối trăng thuyền về, đã tạo nên sự quá tải, tàu ra vào khó khăn. Tàu vào sớm còn có chỗ neo, vận chuyển cá vào bán được; ngược lại tàu vào muộn phải neo xa bờ, khó vận chuyển cá vào bán. Ngoài ra, do lạch bị bồi lắng, chủ tàu phải chờ nước lên mới đủ mớm nước vào neo đậu. Hiện nay, tại lạch Quèn đang xây dựng kè có trụ neo của 3 tuyến mới gồm kè số 3, 4, và 5 với tổng chiều dài 2.000m; tiếp tục xây dựng kè chống sóng, sạt lở ở Nam sông Hàu thuộc xã An Hòa. Còn tại lạch Thơi đang tiến hành nạo vét luồng lạch. Trước thực trạng quá tải hiện nay, UBND huyện đã tuyên truyền, vận động các nguồn để nâng cấp các khu neo đậu hiện có; đề xuất với tỉnh mở rộng khu neo đậu, cảng cá phục vụ tàu thuyền ra khơi. Cùng với đó, chỉ đạo các xã phân luồng tàu thuyền, các chủ tàu tổ chức neo đậu an toàn. Đối với tàu lớn không có điểm neo đậu, khuyến khích các chủ tàu tìm kiếm địa điểm…
Bức thiết nâng cấp, mở rộng
Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng phương tiện đánh bắt phát triển nhanh trong cả nước, với 80 - 100 phương tiện đóng mới mỗi năm. Sự phát triển này đang đặt ra vấn đề dịch vụ hậu cần, trú tránh bão như thế nào để đáp ứng yêu cầu. Hiện trên địa bàn tỉnh đã đưa vào quy hoạch 5 khu trú tránh bão là lạch Vạn, lạch Quèn, lạch Thơi, lạch Lò, lạch Cờn và 1 khu neo đậu trú tránh cấp vùng - khu neo đậu Cửa Hội phục vụ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Với 6 khu neo đậu này đã đảm bảo cho trên 3.000 phương tiện. Các khu neo đậu đều đã và đang được đầu tư nâng cấp. Tại Diễn Châu, đã đầu tư xây dựng xong khu tránh trú bão lạch Vạn cho trên 500 tàu thuyền; lạch Lò đang triển khai dự án tránh trú từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, phục vụ cho tàu công suất dưới 250 CV. Khu neo đậu lạch Thơi (Sơn Hải - Quỳnh Lưu) đầu tư năm 2013 với tổng vốn 80 tỷ đồng từ chương trình tránh trú bão của chính phủ. Khu neo đậu trú tránh bão Cửa Hội do Bộ đầu tư với tổng vốn 150 tỷ đồng cũng đang được triển khai. Hiện Sở NN&PTNT cũng đang đầu tư nâng cấp mở rộng cảng cá lạch Quèn kết hợp nạo vét luồng lạch, đầu tư nâng cấp khu neo đậu lạch Cờn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay tàu thuyền phát triển mạnh, với nhiều tàu lớn có công suất từ 400 - 1000 CV trong khi luồng lạch cạn, việc ra vào khó khăn. Ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT còn nhớ mùa bão năm ngoái, trong khi còn 1 tiếng nữa bão đổ bộ vào vùng biển Nghệ An nhưng do luồng cạn, nước không lên khiến hàng trăm phương tiện chờ vào neo trú tránh bão tại lạch Vạn (Diễn Châu) mắc kẹt nên những tàu lớn phải chạy đi tìm chỗ neo đậu ở cầu Hoàng Mai. Ông Tiến cho biết: “Mặc dù rất quan tâm nhưng những năm gần đây vì nguồn kinh phí khó khăn, vốn nhỏ giọt, mỗi năm chỉ vài chục tỷ đồng, trong khi đầu tư khu tránh trú bão cho tàu thuyền chi phí lớn nên việc triển khai không đồng bộ, nhiều công trình chậm tiến độ, gây lãng phí”. Chẳng hạn, năm 2012, huyện Quỳnh Lưu đã được đầu tư dự án khu neo đậu lạch Cờn đáp ứng cho 500 tàu ra vào với tổng vốn khoảng 80 tỷ đồng, nhưng hiện dự án đang triển khai dở dang do thiếu vốn.
Mặc dù còn những khó khăn nhưng cần phải khẳng định về phía chủ trương, đầu tư phát triển nghề cá nói chung, các công trình cho tránh trú bão được quan tâm. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng mạnh của phương tiện, số lượng tàu thuyền đóng mới tăng mạnh trong những năm gần đây đã khiến cho hậu cần nghề cá, trong đó có khu neo đậu và tránh trú bão chưa theo kịp và nảy sinh bất cập. Nghị định 67 về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản được coi là cú hích giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu neo đậu.
Bài, ảnh: Thu Huyền