Bất cập trong giám sát đầu tư cộng đồng

09/10/2012 15:01

(Baonghean) Thời gian qua, hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, góp phần chống tiêu cực, lãng phí, thất thoát các nguồn lực, phòng chống xâm hại lợi ích cộng đồng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại địa phương, hoạt động của Ban GSĐTCĐ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.Khó tiếp cận hồ sơ  dự án

(Baonghean) Thời gian qua, hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, góp phần chống tiêu cực, lãng phí, thất thoát các nguồn lực, phòng chống xâm hại lợi ích cộng đồng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại địa phương, hoạt động của Ban GSĐTCĐ còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Khó tiếp cận hồ sơ dự án

Một số ý kiến cử tri cho rằng: hiện nay, việc giám sát tại các công trình, dự án do nhân dân đóng góp hoặc vốn của địa phương thực hiện khá tốt, nhưng hoạt động giám sát cộng đồng đối với các dự án do Nhà nước đầu tư hoặc chỉ định thầu còn gặp khó khăn. Nguyên nhân chính là do ban quản lý các dự án, nhà thầu chưa cung cấp kịp thời các văn bản, hồ sơ cần thiết, nhất là các dự án liên quan đến giao thông, thủy lợi. Một số chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng không muốn thông báo thiết kế dự toán, kế hoạch, tiến độ hoặc tìm cách thay đổi chủng loại vật tư nhằm giảm chi phí thi công.

Ông Nguyễn Trung Chiến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ và ông Thái Bá Thịnh - Phó Chủ tịch MTTQ, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân kiêm giám sát đầu tư cộng đồng Thị trấn Đô Lương cho hay: “Gần như tất cả các công trình có vốn đầu tư Nhà nước thì Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại địa phương không được tham gia. Ví như dự án di chuyển, nâng cấp đê Cầu Dâu thuộc tuyến đê Tả Lam, vành đai xung yếu bảo vệ 415 hộ, với hơn 1.600 người dân tại Thị trấn Đô Lương, có tổng đầu tư trên 100 tỷ đồng do UBND huyện làm chủ đầu tư, chúng tôi chỉ biết có chủ trương như thế, còn chi tiết cụ thể như thế nào thì không nắm bắt được…”.



Làm đường giao thông tại xã Hưng Thông (Hưng Nguyên). Ảnh: Phan Toàn.

Tìm hiểu tại xã Nam Hưng (Nam Đàn), một số cán bộ và cử tri cho rằng, hiện nay hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng đối với công trình có vốn Nhà nước hoặc do cấp trên chỉ định thầu mới chỉ là hình thức trên văn bản chứ chưa đi vào thực tế. Ví dụ trên địa bàn có 2 công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư, chỉ định thầu là công trình Hồ Thuyền Thúng ở xóm Bắc Sơn (trị giá 400 triệu đồng) và Dự án cầu Nam Lạc xóm Hưng Thành (trị giá 300 triệu đồng) khởi công xây dựng năm 2011. “Địa phương chỉ biết ngày khởi công, còn tất cả hồ sơ thủ tục liên quan đều không biết, cũng không được tham gia giám sát ”.

Tương tự ở xã Nam Thái (Nam Đàn) cũng có một số công trình như: Tu sửa nâng cấp đập Hồng Thái (đợt 1: 400 triệu đồng, đợt 2: 750 triệu đồng) hay đê Phượng Hoàng trị giá 4,2 tỷ đồng, ban giám sát đầu tư cộng đồng địa phương không được tham gia giám sát… Thậm chí có những dự án chính quyền địa phương cũng không biết ai là chủ đầu tư, có dự án thì gần xong mới thấy công văn đề nghị xã tham gia giám sát đầu tư cộng đồng hoặc khi gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng mới đề nghị phối hợp. Theo ý kiến của một số lãnh đạo địa phương và nhân dân thì Ban Giám sát cộng đồng là “tai, mắt” của dân, do dân bầu nên. Vì vậy, để phát huy dân chủ và hạn chế thất thoát, lãng phí thì mọi việc làm nên để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Mọi công trình lớn, nhỏ nên để cho địa phương và nhân dân cùng tham gia giám sát để đảm bảo chất lượng công trình”. Bởi trên thực tế đã có một số công trình giao thông, thủy lợi khi làm xong đưa vào sử dụng xảy ra sự cố sụt, lún, người dân có ý kiến kiến nghị về chất lượng và phải tiến hành khắc phục, sửa chữa.

Kinh phí eo hẹp, năng lực hạn chế

Một điều dễ dàng nhận thấy là hoạt động của các ban GSĐTCĐ đã góp phần hạn chế được lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước, nhưng kinh phí cho hoạt động lại rất eo hẹp (chỉ 2 triệu đồng/năm) nên mặc dù rất tận tâm, trách nhiệm với công việc, nhưng hoạt động kiểm tra giám sát cũng gặp nhiều khó khăn. Một thành viên của Ban Giám sát cộng đồng xã Hoa Sơn (Anh Sơn) nêu ví dụ: “Nếu trong năm, địa phương có 10 công trình cần giám sát thì số tiền 2 triệu đồng chia cho mỗi công trình được 200 ngàn đồng. Ban Giám sát có 7 thành viên như vậy, mỗi thành viên giám sát 10 ngày thì mỗi ngày chỉ được 2.800 đồng…”.

Ngoài ra, trình độ của các giám sát viên cũng còn nhiều điều đáng bàn, vì hầu hết thành viên trong Ban GSĐTCĐ đều ở các thôn xóm cử ra nên năng lực, trình độ chuyên môn có phần hạn chế.

Trong khi đó, theo Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng, phạm vi giám sát của cộng đồng rất rộng. Ban Giám sát cộng đồng phải tham gia nhiều khâu như đánh giá sự phù hợp của quyết định đầu tư; kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn; đánh giá việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư; phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng; theo dõi, đánh giá hiệu quả của dự án, phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của dự án; theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện các vi phạm… Muốn thực hiện tốt các nhiệm vụ này, nhất là để phát hiện được các sai phạm đòi hỏi thành viên Ban Giám sát cộng đồng phải có năng lực, trình độ, có bản lĩnh vững vàng, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, đề xuất kiến nghị khách quan, trung thực vừa mang tính nguyên tắc, vừa mang tính xây dựng.

Tuy nhiên, không ít giám sát viên thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia giám sát thiết kế, thi công, dự toán của dự án… vì thiếu kiến thức chuyên môn nên chỉ giám sát theo kiểu “trực quan”. Do vậy, theo ông Nguyễn Bá Minh - Trưởng Ban Thanh tra nhân dân kiêm giám sát đầu tư cộng đồng xã Nam Hưng (Nam Đàn) thì các thành viên ban giám sát cộng đồng cần được trang bị kiến thức, nghiệp vụ một cách bài bản thông qua chương trình bồi dưỡng, tập huấn, đi đôi với đó là tăng cường trang bị, bảo đảm kinh phí phục vụ công tác giám sát để hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm hoạt động đầu tư đúng quy hoạch, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Phạm vi giám sát đầu tư của cộng đồng: Các chương trình, dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước và không thuộc diện bí mật quốc gia theo quy định của pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng trên địa bàn của xã; Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của cộng đồng hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho xã; Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn khác.


Khánh Ly

Bất cập trong giám sát đầu tư cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO