Bất cập trong quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hồ Vực Mấu

27/03/2014 10:06

(Baonghean) - Vừa qua, Báo Nghệ An liên tục nhận được tin báo: rừng phòng hộ hồ Vực Mấu, địa bàn xã Quỳnh Trang (TX. Hoàng Mai) bị chặt phá hàng chục héc ta; cơ quan chức năng sau khi được báo tin đã giải quyết nhưng không triệt để vì có sự bao che... Để làm rõ có hay không tình trạng này, phóng viên Báo Nghệ An đã về xã Quỳnh Trang điều tra, xác minh.

(Baonghean) - Vừa qua, Báo Nghệ An liên tục nhận được tin báo: rừng phòng hộ hồ Vực Mấu, địa bàn xã Quỳnh Trang (TX. Hoàng Mai) bị chặt phá hàng chục héc ta; cơ quan chức năng sau khi được báo tin đã giải quyết nhưng không triệt để vì có sự bao che... Để làm rõ có hay không tình trạng này, phóng viên Báo Nghệ An đã về xã Quỳnh Trang điều tra, xác minh.

Căn cứ theo biển báo rừng phòng hộ, chúng tôi xuyên sâu giữa mênh mông đồi rừng khu vực xã Quỳnh Trang để truy tìm nơi bị chặt phá. Vượt qua thân đập hồ Vực Mấu, men theo các vệt đường mòn sang hướng xã Quỳnh Vinh, xuất hiện một vài điểm có dấu hiệu của việc chặt phá, đốt thực bì, nhưng diện tích chỉ chừng dăm trăm mét vuông. Về trung tâm xã Quỳnh Trang, chúng tôi nghe được thông tin về một số vụ xâm lấn, tranh chấp đất rừng... nhưng tuyệt nhiên không có vụ việc nào mới xẩy ra mà phá tới hàng chục héc ta rừng như tin báo mô tả.

Vùng rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 342 bị khai thác, đốt thực bì trái phép.
Vùng rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 342 bị khai thác, đốt thực bì trái phép.

Trở lại đập hồ Vực Mấu, lần ngược hướng xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu), chúng tôi bắt gặp những cột khói

nhỏ, dấu hiệu của việc đốt thực bì. Theo hướng khói, chúng tôi phát hiện hai khoảng đồi nằm thoai thoải sát mép hồ Vực Mấu đã bị đốn sạch cây. Trên diện tích bị chặt phá rộng khoảng 5 ha loang lổ những bãi xỉ than với những gốc cây đen bầm. Ở lòng con khe hẹp nằm giữa hai quả đồi ngổn ngang thân, gộc cây lớn và những cây bụi. Gặp người dân thôn 10, xã Quỳnh Trang vào nhặt củi, cụ cho biết đây là khu rừng Nhà nước giao cho ông Khang (thôn 10) bảo vệ. Là rừng phòng hộ, sao có chuyện chặt phá, đốt thực bì như vậy? Cụ D trả lời: Cây do ông Khang trồng thì thu hoạch, đốt thực bì ra sao là việc của ông ấy...

Cùng ông Mai Trường Hải - Cán bộ lâm nghiệp xã Quỳnh Trang trở lại nơi bị chặt phá, ông tỏ rõ sự bất ngờ trước khung cảnh hoang tàn của khu rừng. Ngay lập tức, ông gọi điện thoại cho cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ có tên là Đạt, thông báo sự việc và hỏi Ban đã làm quy trình khai thác cho ông Khang hay chưa, sau đó luôn miệng nói "thế này thì chết". Dừng cuộc hội thoại, ông Hải xác nhận khu vực bị chặt phá là rừng phòng hộ; vùng rừng này Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu giao khoán cho ông Lê Sỹ Khang, công dân xóm 10, xã Quỳnh Trang bảo vệ; trước khi chặt cây, đốt thực bì, ông Khang có nói qua điện thoại với ông Đạt, và được trả lời là chờ xin ý kiến cấp trên, vậy nhưng ông Khang đã tự tiện khai thác cây, đốt thực bì. "Để khai thác hay trồng cây trong rừng phòng hộ đều phải theo quy trình. Phải có hồ sơ thiết kế được cấp thẩm quyền cho phép, phải thông qua chính quyền xã chứ đâu được tùy tiện. Chặt đốt như thế này thì nguy rồi..." - ông Hải nói.

Theo ông Đậu Minh Công - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang, ở vùng rừng phòng hộ hồ Vực Mấu có một số vụ việc phức tạp, kéo dài qua nhiều năm. Nhức nhối nhất là vụ một số hộ giáo dân xóm 12, 13 xã Quỳnh Trang kéo lên khu vực đồi đuôi Thằn Lằn (một dải đồi vươn dài trong lòng hồ Vực Mấu) thuộc rừng phòng hộ chặt cây nhóm Ib, Ic, phát thực bì và trồng cây keo tai tượng; vụ việc tranh chấp đất rừng giữa hai hộ dân Lê Công Hải (xóm 6), Hồ Văn Luận (xóm 2). Ông Công cho biết, để xảy ra những vụ việc phức tạp này nguyên nhân chính là do công tác quản lý rừng phòng hộ có nhiều bất cập: "Người dân được nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ thì nghĩ mình là chủ rừng nên tự tung tự tác trồng, khai thác, đốt thực bì, thậm chí một vài hộ tự chuyển nhượng rừng cho nhau. Trong khi đó, việc xác định ranh giới rừng phòng hộ giữa các xã, giữa các hộ nhận khoán không rõ ràng, không được cắm mốc thực địa, Ban Quản lý rừng phòng hộ thì ở xa nên không sát với công việc...".

Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu được giao quản lý 5.620 ha rừng. Trong đó có khoảng 720 ha rừng tự nhiên, một ít rừng ngập mặn, còn lại phần lớn là rừng trồng (đa phần do người dân được giao khoán bảo vệ tự bỏ kinh phí trồng). Ông Dương Minh Ngọc - Trưởng BQL rững phòng hộ Quỳnh Lưu cho biết: "Tôi mới về nhận nhiệm vụ một năm nhưng thấy công việc rất phức tạp. Khi được giao khoán bảo vệ rừng, người dân có công đầu tư trồng rừng nên nảy sinh tư tưởng mình là chủ rừng rồi tùy tiện khai thác, đốt thực bì, trồng mới... Trên vùng rừng phòng hộ, từ năm 1995, chính quyền huyện Quỳnh Lưu đã giao quyền quản lý sử dụng đất lâm nghiệp theo NĐ 02 với diện tích hơn 350 ha, thời hạn 50 năm cho một số hộ dân nên cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Về phía Ban, được thành lập từ năm 2007 nhưng đến nay hồ sơ đất rừng vẫn chưa được chuyển giao nên việc xác định ranh giới, cắm mốc rất khó thực hiện. Trong khi đó, cán bộ của Ban còn thụ động...".

Về vụ việc một số hộ giáo dân xóm 12, 13 xã Quỳnh Trang kéo lên khu vực đồi đuôi Thằn Lằn chặt cây, phát thực bì và trồng cây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu đã phối hợp với chính quyền xã Quỳnh Trang vận động, giải thích; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn cửa rừng, tuy nhiên, người dân vẫn lén lút chặt phá, trồng cây trái phép.

Ngày 7/9/2012, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu đã có Công văn chỉ đạo ngăn chặn, xử lý. Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công an huyện, Hạt Kiểm lâm cùng các đơn vị liên quan đã thành lập đoàn kiểm tra nhưng khi đoàn vào thì các đối tượng bỏ trốn, khi đoàn rút đi thì lại tiếp tục chặt phá, trồng cây. Ngày 12/9/2013, một số hộ dân đã lén lút đốt thực bì với diện tích lên đến gần 15 ha. Ngày 18/9/2013, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu phê bình công tác quản lý đất rừng của các đơn vị liên quan để xẩy ra tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ, trồng cây trái phép. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị nhằm xử lý dứt điểm vụ việc... "Vậy nhưng cho đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm được vụ việc. Hiện nay, keo do dân trồng trái phép trên đồi đuôi Thằn Lằn đã lên xanh..." - ông Tiến, Phó BQL rừng phòng hộ Quỳnh Lưu phân trần.

Với vụ việc giữa hai hộ dân Lê Công Hải, Hồ Văn Luận, nguyên nhân được Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu xác định rõ là do lỗi của Ban. Cuối năm 2010, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý rừng phòng hộ khi thiết kế trồng rừng phòng hộ đã giao cho ông Hải trồng lên đất mà ông Luận nhận khoán bảo vệ (khoảng 4,6 ha) nên sau đó giữa hai hộ đã xẩy ra tranh chấp. Qua mấy năm, việc tranh chấp không được giải quyết triệt để nên các ngày 8 - 9/4/2014 đã xẩy ra việc chặt phá trái phép. Khi nhận được tin báo, Ban đã xuống hiện trường cùng chính quyền, Công an xã Quỳnh Trang lập biên bản. Ngày 18/3/2014, Ban cùng với các cơ quan liên quan tổ chức hòa giải hai gia đình. Các bên đã thống nhất giải quyết theo phương án ông Hải sẽ bàn giao lại cây trồng trên diện tích ông Luận bảo vệ, đổi lại, ông Luận bù trì kinh phí lại cho ông Hải.

Đối với việc ông Lê Sỹ Khang chặt phá, đốt thực bì trái phép, ông Dương Minh Ngọc nhận lỗi là Ban đã thiếu trách nhiệm, quan liêu nên không kịp thời nắm bắt để xử lý vụ việc. Theo hợp đồng khoán bảo vệ rừng phòng hộ, ông Lê Sỹ Khang được Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu giao khoán bảo vệ 15,2 ha rừng thuộc Tiểu khu 342. Bên cạnh những quyền lợi được hưởng, ông Khang có nghĩa vụ phải bảo vệ rừng, không để xẩy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy, cháy rừng... Vậy nhưng, theo ông Ngọc, ông Khang đã không tuân thủ hợp đồng đã được ký kết, có những hành vi xâm hại nghiêm trọng đến rừng phòng hộ nên Ban sẽ lập biên bản vi phạm và có hình thức xử lý.

Từ những thông tin thu nhận được, chúng tôi xác định vụ chặt phá trái phép trong rừng phòng hộ mà tin báo cho rằng "cơ quan chức năng sau khi được báo tin đã giải quyết nhưng không triệt để vì có sự bao che" là vụ việc liên quan đến các hộ dân Lê Công Hải, Hồ Văn Luận. Việc chặt phá trái phép trong rừng phòng hộ đã rõ, nhưng ở vụ việc liên quan đến các hộ dân Lê Công Hải và Hồ Văn Luận thì chưa đến mức độ nghiêm trọng và không có sự bao che. Tuy nhiên, cũng nhờ tin báo, chúng tôi đã cận cảnh được những vấn đề hết sức bất cập trong quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ở địa bàn huyện Quỳnh Lưu và đặc biệt là tại vùng hồ Vực Mấu, Thị xã Hoàng Mai.

Vai trò của rừng phòng hộ hết sức quan trọng: điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, các hồ chứa nước để hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn, bảo vệ đất, phòng hộ nông nghiệp, bảo vệ các khu dân cư, các khu đô thị, các vùng sản xuất, chống sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, điều hòa khí hậu... Bởi vậy, trước những bất cập này, Sở NN&PTNT, các huyện Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai cần có biện pháp chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm, chính quyền các xã có rừng phòng hộ khẩn trương chấn chỉnh.

Bài, ảnh: Nhật Lân

Mới nhất

x
Bất cập trong quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hồ Vực Mấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO