Bất chấp Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển

15/01/2013 11:22

Thời gian gần đây, bất chấp sự phản ứng của các nước trên thế giới và các nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục có những hành động, tuyên bố đi ngược lại với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Mới đây nhất, lấy lý do nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền quốc gia, Trung Quốc công bố bản đồôm trọn 130 đảo vùng biển này và cả các đảo tranh chấp với Nhật.

(Baonghean) Thời gian gần đây, bất chấp sự phản ứng của các nước trên thế giới và các nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục có những hành động, tuyên bố đi ngược lại với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Mới đây nhất, lấy lý do nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền quốc gia, Trung Quốc công bố bản đồôm trọn 130 đảo vùng biển này và cả các đảo tranh chấp với Nhật.

Dường như để khẳng định chính sách của Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII đối với các vùng tranh chấp không hề có sự thay đổi, thời gian gần đây quốc gia này thậm chí còn liên tục gia tăng việc hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông với các hành động và tuyên bố ngày càng ngang ngược. Trước đó là việc Trung Quốc cho in bản đồ đường 9 đoạn trong hộ chiếu điện tử đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam và Philippines. Không những thế, tấm hộ chiếu mới còn in hình bản đồ kèm những khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Cuối tuần qua, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức phản đối việc Đài Loan thăm dò dầu khí tại Trường Sa. Những ngày gần đây, dư luận quốc tế không khỏi lo ngại về sức “nóng” tăng cao ở quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) với các cuộc “viếng thăm” bất thường của máy bay Trung Quốc và các cuộc tập trận giữ đảo với quy mô, tính chất sẵn sàng cao độ của Nhật Bản.

Chưa dừng lại với việc gia tăng sức “nóng” với một loạt quốc gia bên ngoài, Trung Quốc còn thực hiện việc tuyền truyền tư tưởng bá chủ, độc chiếm Biển Đông, với tham vọng nâng ý đồ xâm chiếm lên thành nhận thức chung của đông đảo người dân bằng cách công bố bản đồ 130 đảo ở vùng biển này và cả các đảo tranh chấp với Nhật ở Hoa Đông. Việc công bố bản đồ lần này được Trung Quốc ngụ ý rất rõ khi chọn cơ quan công bố có tính đại diện về mặt hành chính rất cao, đó là Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG). Như vậy, đây là lần đầu tiên nước này đánh dấu thể hiện rõ các đảo (xác định cụ thể, chi tiết từng đảo) ở Biển Đông trên một bản đồ chính thức. Trong đó, phần lớn các đảo và quần đảo chưa từng được Trung Quốc mô tả trong các tấm bản đồ trước đây. Theo NASMG, bản đồ mới sẽ được đưa ra công chúng Trung Quốc vào cuối tháng 1/2013.

Bất chấp những cam kết, thỏa thuận, khẳng định mà Trung Quốc đã thực hiện với các quốc gia liên quan tại các hoạt động đối ngoại, bất chấp Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Trung Quốc từng là thành viên đồng ý xác nhận thông qua, những người có trách nhiệm trong việc phát hành bản đồ này đã nói rõ mục đích, thâm ý của Trung Quốc rằng việc ban hành bản đồ mới nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền quốc gia, bảo vệ quyền hàng hải và các lợi ích, đồng thời quan trọng hơn còn là để thể hiện lập trường ngoại giao chính trị Trung Quốc. Như vậy là mọi chuyện đã rõ, Trung Quốc đã không hề dấu diếm ý đồ của mình.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc dự kiến phát hành bản đồ mới và tự ý tuyên bố có chủ quyền đối với các đảo và quần đảo, vùng biển của các quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Nhật Bản liệu có đạt được mục đích “nâng cao nhận thức” của người dân Trung Quốc về biển đảo, quyền lợi hàng hải và chủ quyền quốc gia hay không thì chưa biết, nhưng ngay lập tức ý đồ xâm chiếm này đã bắt gặp sự phản ứng, sự bất đồng sâu sắc với các quốc gia có chủ quyền không thể chối cãi ở Biển Đông cũng như các quốc gia ủng hộ Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.


Ngô Kiên

Mới nhất

x
Bất chấp Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO