"Bắt mạch" hạ tầng giao thông thành phố Vinh
(Baonghean) - Thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông thường diễn ra trên các tuyến đường Thành phố Vinh, nhất là vào thời điểm tan tầm. Mặc dù chưa đến mức trầm trọng như các đô thị lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đó là biểu hiện quá tải về mật độ người, phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.
Thời điểm tan tầm, trên tuyến đường Đinh Công Tráng, ngay sau khi tiếng trống trường kết thúc buổi học, từng tốp học sinh ùa ra ngoài cổng trường, hàng trăm xe máy, ô tô của phụ huynh đón con em ken kín đường. Vì vậy, ách tắc giao thông xảy ra. Sự việc này diễn ra thường xuyên vào thời điểm học sinh Trường Tiểu học, THCS Lê Mao tan trường. Mặc dù các lực lượng công an phường, đội quy tắc đô thị đã vào cuộc phân luồng, chỉ huy giao thông nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Cùng chung hoàn cảnh đó, các tuyến đường Ngư Hải, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong… người và phương tiện tham gia giao thông bị ùn tắc tại các điểm giao nhau ngã ba, ngã tư.
Đường Đinh Công Tráng (TP.Vinh) chiều 30/3. |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là những năm gần đây, số lượng xe ô tô tăng quá nhanh khiến hiện tượng ách tắc càng trở nên phố biến hơn. Nếu như năm 2013, toàn tỉnh có 4.843 ô tô và 16.129 mô tô, xe máy được đăng ký mới thì năm 2014, có 5.797 ô tô và 8.875 mô tô, xe máy được đăng ký mới. Điều đó cho thấy, xe máy đã có dấu hiệu bão hòa, thay vào đó, người dân có nhu cầu mua sắm và sử dụng phương tiện ô tô tăng cao, nhất là địa bàn thành phố. Hiện tổng số phương tiện Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đang quản lý trên địa bàn tỉnh là 62.295 ô tô và trên 1 triệu xe máy. Với đà tăng trưởng của ô tô như hiện nay, nếu không có sự dự báo và sớm xây dựng các phương án về hạ tầng giao thông, không có giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trong tương lai không xa, TP Vinh sẽ gặp phải các vấn đề nan giải về ách tắc giao thông như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, gây ảnh hưởng tới thông thương, phát triển của kinh tế - xã hội.
Nhằm giảm thiểu ách tắc giao thông, UBND Thành phố Vinh đã có văn bản xin UBND tỉnh cho chủ trương phân luồng giao thông thí điểm chỉ cho phép ô tô đi một chiều trên tuyến Đinh Công Tráng và Đặng Thái Thân; đồng thời thành phố đã xây dựng Đề án “Phát triển hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị Thành phố Vinh giai đoạn 2014 - 2020”. Hiện nay, tổng chiều dài mạng đường chính của Thành phố Vinh là 524,0 km. Nhìn chung, hệ thống giao thông được quy hoạch hoàn chỉnh và đồng bộ qua từng thời kỳ, bố trí liên hoàn, khép kín. So với nhiều đô thị, giao thông Thành phố Vinh được đánh giá quy hoạch tốt, đường thông hè thoáng. Các đường phố trục chính có chỉ giới xây dựng 15m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m. Hầu hết các tuyến đường trên thành phố đều được rải thảm nhựa, đổ bê tông. Các tuyến phố chính đã được xây dựng bó vỉa, lát vỉa hè bằng gạch xi măng tự chèn hoàn chỉnh. Hệ thống ATGT, biển tên đường, tên ngõ, số nhà tương đối đầy đủ; tầm nhìn tại các nút giao thông được đảm bảo theo quy định.
Tuy nhiên, hệ thống giao thông đô thị chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) không giải quyết triệt để. Nhiều tuyến đường vẫn còn ngoằn ngèo những đoạn chưa giải phóng xong và chỉ mới đầu tư lòng đường còn vỉa hè chưa giải phóng được. Điều này đặt ra trở ngại rất lớn về sau khi giá đất tăng cao, sẽ rất khó để hoàn thiện tuyến đường và gây khó khăn cho công tác bố trí hạ tầng kỹ thuật. Trong công tác quản lý vẫn còn xảy ra tình trạng phải đào phá nhiều lần để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Nhiều tuyến đường chỉ giải phóng lòng đường hoặc một phần vỉa hè, nên các công trình kỹ thuật như điện, nước... phải định vị theo giải pháp tình thế.
Việc quản lý cao độ giữa các đường nhánh trong khu dân cư và đường chính nhiều nơi còn tuỳ tiện: cao độ đường chính thấp hơn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông và mất mỹ quan đô thị. Trong khi đó, thành phố vẫn chưa xây dựng được các bến xe, bãi đậu xe theo quy hoạch được duyệt. Đó là: bến xe phía Nam tại khu vực phía trên đền ông Hoàng Mười (Hưng Lợi - Hưng Nguyên); Bến xe Nam Thành (xã Hưng Thịnh - Hưng Nguyên); bến xe khách đối ngoại phía Bắc tại xã Nghi Kim; bến xe chợ Vinh. 4 bãi đậu xe cấp thành phố gồm: Bãi xe phía Nam (tại xã Hưng Lợi - Hưng Nguyên) bãi xe phía Bắc (Thị trấn Quán Hành), bãi xe phía Tây (xã Hưng Tây - Hưng Nguyên), bãi xe phía Đông thành phố (xã Hưng Hòa) và 6 bãi đậu xe cấp phường, xã cũng chưa được xây dựng.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND Thành phố Vinh cho biết: Để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật nội thị, mở rộng không gian đô thị đồng bộ và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu của đô thị trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung bộ, trong giai đoạn 2014 – 2020, Thành phố Vinh đã có đề án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, quản lý vận hành, khai thác sử dụng hệ thống giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, với tổng nhu cầu vốn đầu tư 11.351,2 tỷ đồng từ các nguồn vốn ODA và đối ứng; ngân sách Trung ương, tỉnh và thành phố (khai thác quỹ đất), doanh nghiệp, ngân sách thành phố, phường, xã; Kêu gọi đầu tư BT, BOT…
Theo đó, sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án Thành phố Vinh (Hợp phần 3 - cầu và đường đô thị) gồm: Xây dựng tuyến đường Vinh - Hưng Tây (đường 72m); đường nối QL46 với đường ven sông Lam (đường QH 35m). Tập trung đầu tư các trục đường chính phát triển đô thị như: Đường Lê Mao kéo dài, đường bao phía Đông và Tây thành phố, đường nối các đường trong nội thành ra đường tránh Quốc lộ 1A, đường vào trung tâm các xã, đường Lê Viết Thuật… và tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến giao thông nội thành, các tuyến đường đang thi công dang dở... nhằm góp phần tăng tốc độ phát triển đô thị. “Trước mắt, để chống ùn tắc giao thông, chúng tôi đang rà soát để mở hơn 10 lối rẽ phải trước đèn tín hiệu giao thông tại các ngã 3, ngã 4 như Ga Vinh, Maximax, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong…”- ông Thắng cho biết.
Cùng đó, để phòng, chống tình trạng ùn tắc giao thông, Thành phố Vinh cần tăng cường kết nối hệ thống các tuyến vận tải bằng xe buýt công cộng nội thành hợp lý. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng phương tiện giao thông cá nhân đang ngay một tăng lên. Bên cạnh việc tăng cường công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng đồng bộ, về lâu dài cũng cần tính đến việc quy hoạch và xây dựng các dự án vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, tàu điện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Xem ra đó là khối lượng công việc khá lớn đòi hỏi sự nỗ lực lớn không chỉ riêng đối với các ban, ngành của thành phố.
Thu Huyền